TN - Đất & Người

Kon Tum: Sông Đăk Bla oằn mình "gánh" mỏ cát và thủy điện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Kon Tum là thành phố may mắn nhất của Tây Nguyên khi có con sông Đăk Bla huyền thoại chảy qua.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, mỏ cát và thủy điện "mọc lên" dày đặc đã ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường trên dòng sông này.

Từ 11 mỏ cát…

Dòng Đăk Bla chảy qua địa phận 2 xã Đăk Rơ Wa và Đăk Blà (thuộc TP.Kon Tum) đang oằn mình vì hoạt động khai thác cát. Tại hai bên bờ sông, song song với đường tránh Hồ Chí Minh qua TP.Kon Tum, cát được tập kết từng đống, từng bãi dài, tàu thuyền hút cát thì hoạt động rầm rộ.

Vào 11 giờ 30 ngày 05/4, khi chúng tôi có mặt tại nhà rông làng Kon Jơ Drẻ (xã Đăk Bla) đã nghe thấy tiếng máy nổ inh tai từ các thuyền hút cát trên sông Đăk Bla. Chị Y Yên (trú làng Kon Jơ Drẻ, xã Đăk Bla) dẫn chúng tôi ra phía sau nhà để tận mắt chứng kiến 2 chiếc thuyền vẫn đang vươn vòi chọc sâu xuống lòng sông để hút cát. Vị trí 2 thuyền này cách nhà của chị Yên hơn 300m. Khi thấy chúng tôi chụp ảnh, 2 thuyền viên đã tắt máy, dừng hoạt động.

Chị Yên bức xúc cho biết, các tàu khai thác cát trên sông Đăk Bla hoạt động suốt ngày. Hiện đang là trưa nhưng tàu vẫn còn hút cát. Đến tối, xe tải vào chở cát đi. Đất của gia đình chị bị sạt lở sát bờ sông nhưng không biết kêu ai. Ngoài ra, tiếng ồn của máy hút cát cũng ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân trong làng.

Ông A Hoan (ngụ xã Đăk Bla) than thở: "Các con thuyền hút cát trên sông Đăk Bla quá gần làng Kon Jơ Drẻ. Ngay cả buổi trưa họ cũng không nghỉ, nổ máy hút cát ầm ầm không ai ngủ được. Tại các buổi họp làng, chúng tôi đã có ý kiến về chuyện này nhưng đến nay chưa thấy thay đổi".

Khai thác cát giữa trưa.

Khai thác cát giữa trưa.

Theo ông Dương Văn Tuyn - Phó Phòng TN&MT TP.Kon Tum, sông Đăk Bla đoạn qua địa bàn có 11 mỏ cát được cấp phép, tập trung nhiều nhất tại xã Đăk Bla. Trong năm 2023, cơ quan chức năng có xử lý, xử phạt hành chính 2 mỏ cát vi phạm. Khi chúng tôi cung cấp thông tin, hình ảnh tình trạng khai thác cát giữa buổi trưa trong khu dân cư và tình trạng dân phản ánh gây sạt lở, ông Tuyn nói Phòng TN&MT sẽ xác minh, làm rõ.

Ngoài 11 mỏ cát nằm trên địa bàn TP.Kon Tum, phía thượng nguồn sông Đăk Bla (đoạn từ trung tâm hành chính huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum về đến TP.Kon Tum), cơ quan chức năng cũng đã cấp phép cho 3 mỏ cát khác hoạt động. Việc sông Đăk Bla "gánh" quá nhiều mỏ cát đang dấy lên nhiều lo ngại, việc khai thác cát tràn lan sẽ tàn phá con sông, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

…Đến thủy điện án ngữ

Sông Đăk Bla không chỉ có mỏ cát, mà các thủy điện đang án ngữ trên dòng sông này ngày càng nhiều. Hiện tại, đoạn chảy từ trung tâm hành chính huyện Kon Rẫy về TP.Kon Tum đang có 2 thủy điện vừa và nhỏ. Trong khi đó, một thủy điện thứ 3 trên sông Đăk Bla vẫn đang được nhà đầu tư tham vấn, lấy ý kiến cộng đồng để triển khai dự án.

Sông Đăk Bla (đoạn qua làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu) khi các thủy điện chưa xả nước.

Sông Đăk Bla (đoạn qua làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu) khi các thủy điện chưa xả nước.

Cụ thể, Dự án thủy điện Đăk Bla 3 được quy hoạch xây dựng trên sông Đăk Bla, đoạn qua làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa và xã Đăk Blà (cùng thuộc TP.Kon Tum), có công suất 8,6MW, tổng vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng. Dự án do Công ty CP đầu tư Phát triển điện Chiến Thắng (KCN Hòa Bình, P.Lê Lợi, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) làm chủ đầu tư. Có đập dâng và đập tràn trên sông Đăk Bla đoạn qua làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu, dự kiến thủy điện này hoàn thành và đưa vào sử dụng quý IV/2022. Thế nhưng cho đến nay, do có nhiều ý kiến trái chiều nên thủy điện Đăk Bla 3 chưa thể triển khai xây dựng.

Tại văn bản của UBND TP.Kon Tum về các nội dung liên quan đến Dự án thủy điện Đăk Bla 3 cũng chỉ ra những điểm đáng lo ngại như: Tuyến đường giao thông vào vị trí dự án đi qua khu vực du lịch cộng đồng làng Kon Kơ Tu, quá trình xây dựng sẽ tác động đến môi trường tại khu vực này. Ngoài ra, giai đoạn thi công, vận hành dự án sẽ ảnh hưởng đến môi trường đất, nước, không khí và đa dạng sinh học. Trong đó có các tác động chính như thay đổi lưu lượng dòng chảy trong mùa lũ, mùa khô, gia tăng sạt lở, bồi lắng sông.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Ngọc Sâm vừa giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương và đơn vị chức năng liên quan khẩn trương tổ chức kiểm tra, làm rõ tình trạng khai thác khoáng sản trên sông Đăk Bla.

Kiên quyết xử lý theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản; tuyệt đối không để quá trình khai thác khoáng sản làm ảnh hưởng tiêu cực đến dòng chảy sông, suối; không để ảnh hưởng tiêu cực đến giao thông đường bộ, đất đai, cây cối, hoa màu, công trình của các tổ chức, cá nhân khác nằm lân cận khu vực khai thác của dự án.

Có thể bạn quan tâm