TN - Đất & Người

Kon Tum "vàng đen" chết đứng, nông dân "tiền mất, nợ mang"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong thời gian gần đây, hiện tượng cây hồ tiêu chết hàng loạt đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế đối với các nhà vườn trên địa bàn huyện Đắk Hà (Kon Tum).
Vườn tiêu của anh Kiệt chết khô trong thời gian rất ngắn
Vườn tiêu của anh Kiệt chết khô trong thời gian rất ngắn
Từ năm 2014, giá hồ tiêu tăng cao, giá cao su sụt giảm. Do đó, rất nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đắk Hà (Kon Tum) đã phá bỏ hàng loạt vườn cây cao su để trồng hồ tiêu.
Điển hình, hộ anh Đoàn Văn Kiệt (trú thôn 4, xã Hà Mòn, huyện Đắk Hà) đã chặt bỏ diện tích gần 4 hecta cao su đang trong thời kỳ kinh doanh để trồng 2000 trụ tiêu với kinh phí gần 600 triệu đồng.
Thời gian đầu, do mạnh dạn đầu tư nên vườn hồ tiêu của gia đình anh Kiệt phát triển rất tốt và trĩu quả. Tuy nhiên, gần một tháng nay vườn tiêu của anh Kiệt chết rất nhiều. Chủ vườn đã tìm cách khắc phục nhưng vẫn “tiền mất tật mang”, không cách nào cứu vãn được vườn tiêu.
Anh Kiệt tâm sự: “Đối với phần diện tích cây còn sống thì gia đình sẽ khoanh vùng để tiếp tục chăm sóc. Còn với những chỗ tiêu đã chết, tôi đành phá để sang năm trồng cà phê. Nếu như tiêu phát triển bình thường, vụ thu hoạch này, vườn hồ tiêu sẽ cho sản lượng khoảng 12 tấn tiêu khô, đủ để gia đình trang trải cuộc sống”.
Tương tương tự anh Kiệt, gia đình ông Nguyễn Đình Hoàng (trú TDP 7, thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà) cũng đang bất lực trước cảnh vườn tiêu chết khô.
Theo ông Hoàng, trước khi trồng tiêu, ông đã bỏ công sức sang tận các vùng chuyên canh hồ tiêu lớn tại Chư Sê, Đức Cơ của tỉnh Gia Lai để học hỏi kinh nghiệm canh tác và chọn mua cây giống.
Bởi thế, có thời điểm, vườn hồ tiêu của ông là mô hình điểm, được Hội nông dân thị trấn Đắk Hà chọn để tổ chức các buổi tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ. Nào ngờ, chỉ trong vòng 1 tháng nay, vườn tiêu của ông héo rũ, chỉ còn lại những cành lá khô khốc. Ông đã thử qua nhiều cách, tốn kém hàng chục triệu đồng để mua thuốc trừ bệnh nhưng không hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Dần - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đắk Hà nhận định: “Chuyện rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, dịch bệnh trên các loại cây trồng không phải là chuyện của riêng địa phương nào. Thậm chí, cả những vùng có thế mạnh và nhiều kinh nghiệm trong canh tác cây công nghiệp truyền thống. Song, đối với những vườn tiêu ở huyện Đắk Hà, hiện tượng cây chuyển bệnh, lây lan và chết rất nhanh mới xảy ra lần đầu tiên”.
Nhiều gia đình lâm cảnh trắng tay khi vườn tiêu chết khô
Nhiều gia đình lâm cảnh trắng tay khi vườn tiêu chết khô
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk Hà, trong vòng 5 năm trở lại đây, diện tích hồ tiêu trên địa bàn tăng một cách khó kiểm soát với gần 100 hecta. Trong số này, có gần 50 hecta hồ tiêu được trồng tự phát theo hướng chặt bỏ các loại cây trồng chủ lực của huyện như cà phê, cao su…
Ông Nguyễn Văn Hậu - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk Hà cho biết: “Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện xác định cây trồng chủ lực vẫn là cây cà phê, cao su và lúa nước. Còn đối với cây hồ tiêu, huyện đã khuyến cáo người dân là không nên trồng một cách ồ ạt. Để cân bằng diện tích các loại cây trồng chủ lực, giữ vững quy hoạch nông nghiệp, huyện đã có nhiều giải pháp, từ tuyên truyền, vận động, khuyến cáo… đến việc ban hành văn bản chỉ đạo. Tuy nhiên, có nhiều hộ vẫn tự ý chặt bỏ các loại cây trồng khác để chuyển sang canh tác hồ tiêu kiểu chạy theo thị trường nên địa phương không quản lý được”.
Cũng theo ông Hậu, đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng trên 20 hecta diện tích hồ tiêu trên địa bàn các xã Đăk Long, Ngọc Wang, Hà Mòn, Đắk Hring và thị trấn Đắk Hà bị bệnh và chết rất nhanh. Trong đó, vườn chết nhẹ thì thiệt hại 40-50% số trụ tiêu, nặng thì mất trắng.
Bá Tứ (infonet)

Có thể bạn quan tâm