Kinh tế

Kông Chro: Chủ động phòng-chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều năm qua, huyện Kông Chro, Gia Lai luôn chủ động thực hiện các biện pháp phòng-chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Nhờ đó, đàn gia súc, gia cầm của huyện đã phát triển ổn định giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
 
Huyện Kông Chro hiện có khoảng 58.000 con gia súc các loại. Sau khi dịch lở mồm long móng gia súc xuất hiện trên địa bàn huyện Mang Yang, UBND huyện Kông Chro đã ban hành công văn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn tăng cường giám sát tình hình chăn nuôi tới tận thôn, làng, hộ gia đình; vận động các tổ chức đoàn thể của địa phương cùng tham gia công tác giám sát dịch.

 

Phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi. Ảnh: internet
Phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi. Ảnh: internet

Ông Huỳnh Ngọc Ẩn-Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo phòng-chống dịch bệnh gia súc, gia cầm huyện Kông Chro, cho biết: “Công tác phòng-chống dịch trong thời gian qua luôn được huyện quan tâm đúng mức, trong đó xác định phòng bệnh là chủ yếu. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn từ huyện đến xã chủ động nắm bắt tình hình địa bàn, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa như phun hóa chất tiêu độc khử trùng, tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, hướng dẫn cách thức phòng-chống dịch bệnh cũng được huyện quan tâm thực hiện. Nhờ đó, nhận thức của người dân đã được nâng lên đáng kể. Bà con đã chủ động hơn trong việc phòng-chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm của gia đình mình”.    

Thời gian qua, việc dọn vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực chăn thả, nuôi nhốt gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Kông Chro được thực hiện thường xuyên. Các trang trại đã chú trọng các biện pháp phòng trừ dịch bệnh theo giai đoạn phát triển của đàn vật nuôi; chủ động tiêm phòng để bảo vệ đàn vật nuôi và phối hợp ngành chức năng có biện pháp xử lý khi nghi ngờ dịch bệnh xảy ra. Bên cạnh đó, các ngành chức năng và các địa phương thường xuyên tuyên truyền người chăn nuôi giữ gìn sạch sẽ hệ thống chuồng trại, cho vật nuôi ăn uống đảm bảo vệ sinh, chủ động khoanh vùng ngay khi phát sinh các loại bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để kịp thời dập tắt. Ông Đinh Đíc-Trưởng thôn Ya Ma Kun (xã Đak Kơ Ning), cho biết: “Được cán bộ thú y xuống tuyên truyền, hướng dẫn, gia đình tôi đã dọn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, cho gia súc ăn uống đầy đủ để tăng sức đề kháng phòng-chống dịch bệnh”.

Để triển khai tốt công tác phòng-chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện trong thời gian tới, ông Nguyễn Bá Tỵ-Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Kông Chro, cho biết: “Trạm sẽ tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi, phun thuốc tiêu độc khử trùng; đồng thời tiếp tục theo dõi, giám sát và cập nhật diễn biến dịch bệnh. Trạm cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn triển khai công tác tiêu độc khử trùng nơi buôn bán động vật và sản phẩm động vật. Ngoài ra, Trạm sẽ chuẩn bị nhân, vật lực cho công tác tiêm vắc xin phòng bệnh trên đàn gia súc đợt I năm 2018 theo đúng quy định”.

Thúy Ngọ

Có thể bạn quan tâm