Kinh tế

Doanh nghiệp

Kông Chro: Còn 7 doanh nghiệp, hộ cá thể hoạt động mua bán, chế biến gỗ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tiếp tục chương trình giám sát về tình hình quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Gia Lai, ngày 31-8, đoàn giám sát do ông Nguyễn Đình Phương-Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND huyện Kông Chro.

Đoàn giám sát làm việc với UBND huyện Kông Chro. Ảnh: Quang Tấn
Đoàn giám sát làm việc với UBND huyện Kông Chro. Ảnh: Quang Tấn
Trên địa bàn huyện Kông Chro có 15 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể được các cấp có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh mua bán, chế biến gỗ. Đến thời điểm hiện tại, chỉ còn 3 doanh nghiệp, 4 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động.
Trước khi làm việc với UBND huyện, đoàn giám sát đã đi khảo sát thực tế tại 7 doanh nghiệp, hộ kinh doanh này. Nhìn chung, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể hoạt động đúng theo quy định của pháp luật, sử dụng gỗ có nguồn gốc rõ ràng.
Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường các biện pháp kiểm tra, quản lý hoạt động các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn nhằm ngăn chặn việc mua bán, chế biến gỗ có nguồn gốc không hợp pháp.
Theo đó, từ năm 2016 đến nay, đoàn liên ngành huyện, các sở, ngành chức năng của tỉnh đã tổ chức 5 đợt thanh tra, kiểm tra các cơ sở chế biến gỗ. Qua kiểm tra cho thấy, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể chấp hành tốt các quy định của pháp luật, có cam kết bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy; đăng ký kê khai nộp thuế theo đúng quy định.
Đoàn giám sát đi khảo sát thực tế tại một cơ sở chế biến gỗ. Ảnh: Quang Tấn
Đoàn giám sát đi khảo sát thực tế tại một cơ sở chế biến gỗ. Ảnh: Quang Tấn
Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn huyện thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, theo quy định của pháp luật, trường hợp gỗ đã xẻ thành hộp, tấm không thuộc diện phải thực hiện xác nhận bảng kê lâm sản đã gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó, các cơ sở không thường xuyên thực hiện báo cáo việc nhập, xuất lâm sản theo định kỳ gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong nắm bắt, quản lý khối lượng lâm sản tồn tại các doanh nghiệp.
Ủy ban nhân dân huyện đề nghị đoàn giám sát HĐND tỉnh tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 6 Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT ngày 16-11-2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về việc thực hiện xác nhận bảng kê lâm sản và báo cáo việc nhập, xuất định kỳ cho phù hợp với tình hình thực tế để tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn.
Đề nghị các sở, ngành chức năng của tỉnh thường xuyên phối hợp với UBND huyện thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất các doanh nghiệp chế biến gỗ tại địa bàn huyện để đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật; đồng thời kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến ván dăm nhằm tận dụng lợi thế vùng nguyên liệu tại chỗ.
QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm