Chính trị

Kông Chro đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ công tác cải cách hành chính (CCHC) gắn với chuyển đổi số. Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp theo hướng hành chính phục vụ mà hoạt động này còn góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển.

Kết quả đáng ghi nhận

Để làm tốt công tác CCHC, Huyện ủy Kông Chro đã có những chỉ đạo cụ thể tại một số nghị quyết; trong đó, quan tâm cải cách thủ tục hành chính (TTHC) ở các lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường... Trên cơ sở này, UBND huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến công tác CCHC, đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra trong kế hoạch CCHC hàng năm. Theo đó, tăng cường sử dụng hệ thống một cửa điện tử, đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; triển khai các nội dung của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; thông tin về danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; triển khai các nội dung trọng tâm của Đề án 06...

Công tác thông tin, tuyên truyền về CCHC tiếp tục được tăng cường chỉ đạo thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, hiệu quả. Ủy ban nhân dân huyện cũng đã thiết lập “Chuyên mục lấy ý kiến đối với việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND các cấp ban hành” trên Cổng thông tin điện tử của huyện và đăng tải các văn bản liên quan.

Ủy ban nhân dân huyện Kông Chro đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác CCHC vào tháng 7-2023. Ảnh: Phương Liên

Ủy ban nhân dân huyện Kông Chro đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác CCHC vào tháng 7-2023. Ảnh: Phương Liên

Hàng năm, UBND huyện đều ban hành kế hoạch kiểm soát TTHC. Đến nay, huyện có 284 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện và 171 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã. Việc giải quyết hồ sơ TTHC được quan tâm, đa phần giải quyết đúng hạn. Năm 2022, huyện tiếp nhận 6.909 hồ sơ; trong đó, giải quyết trước hạn, đúng hạn 6.836 hồ sơ. Cấp xã tiếp nhận 10.748 hồ sơ và giải quyết trước hạn, đúng hạn 10.748 hồ sơ. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, huyện tiếp nhận 3.159 hồ sơ và giải quyết trước hạn, đúng hạn 2.763 hồ sơ; cấp xã tiếp nhận 6.477 hồ sơ, giải quyết trước hạn, đúng hạn 6.468 hồ sơ. Tỷ lệ TTHC được đưa vào hệ thống một cửa điện tử để tiếp nhận, giải quyết hồ sơ (so với tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết) đạt 100%. Tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận, xử lý qua hệ thống một cửa điện tử/tổng số hồ sơ cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp nhận, xử lý đạt 100%. Tiến độ và kết quả giải quyết TTHC được công khai trên trang thông tin điện tử các cấp để người dân, doanh nghiệp dễ theo dõi, cập nhật. Đối với các hồ sơ trễ hẹn, đơn vị giải quyết hồ sơ đã thực hiện xin lỗi bằng văn bản theo quy định.

Một trong những kết quả quan trọng trong CCHC của huyện Kông Chro là xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số. Đến nay, 100% phòng chuyên môn thuộc UBND huyện có trang bị máy tính, máy in kết nối internet, máy scan đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của cơ quan; 100% cán bộ, công chức cấp huyện được trang bị máy tính phục vụ công việc chuyên môn. 100% cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn đều kết nối internet tốc độ cao; có thiết bị lưu trữ dữ liệu nội bộ, thiết bị tường lửa bảo vệ.

Công chức cấp xã của huyện Kông Chro xử lý công việc trên Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành. Ảnh: Mộc Trà

Công chức cấp xã của huyện Kông Chro xử lý công việc trên Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành. Ảnh: Mộc Trà

Công tác cải cách bộ máy hành chính cũng được huyện chú trọng. Theo đó, bộ máy tổ chức các cơ quan chuyên môn được rà soát, kiện toàn kịp thời; mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập tinh gọn; sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm quy định, đúng số lượng được giao. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành được quan tâm, tăng cường.

Mặc dù chưa xây dựng phát triển các hệ thống, cơ sở dữ liệu đặc thù của địa phương, song các cơ quan trên địa bàn huyện đã sử dụng hiệu quả các phần mềm quản lý chuyên ngành trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Huyện có 15 trang mạng xã hội Zalo (UBND huyện 1 trang và các xã, thị trấn 14 trang) để thực hiện công khai các thông tin tổ chức, cá nhân quan tâm; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, UBND huyện đưa vào vận hành, khai thác kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên hệ thống một cửa điện tử liên thông. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn và cán bộ, công chức trên địa bàn huyện đã được cấp và sử dụng hiệu quả hệ thống thư công vụ. Trang thông tin điện tử của huyện đăng tải thông tin tương đối đầy đủ và kịp thời; cập nhật, bổ sung các TTHC khi có sự thay đổi.

Lãnh đạo UBND huyện và các cơ quan, đơn vị đã trực tiếp phê duyệt, xử lý văn bản điện tử (đi và đến) trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành; 100% cơ quan, đơn vị trực thuộc và UBND các xã, thị trấn đã sử dụng đầy đủ các chức năng cơ bản của hệ thống này. Các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, thị trấn thực hiện văn bản điện tử được ký số đạt 100%. Văn bản đến bằng giấy đều được số hóa, nhập vào hệ thống.

Quyết tâm tạo “đột phá”

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số của huyện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục. Chẳng hạn như: chất lượng thông tin tuyên truyền còn thấp; nội dung thông tin tuyên truyền thiếu trọng tâm, trọng điểm và chưa có sự kết nối thông tin giữa các kênh thông tin tuyên truyền; công tác truyền thông về cài đặt VNeID, thu nhận hồ sơ căn cước công dân chưa đảm bảo. Việc rà soát, niêm yết công khai TTHC tại bộ phận một cửa của các đơn vị, địa phương chưa đảm bảo. Việc liên thông các TTHC lĩnh vực lao động-thương binh và xã hội, đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi thực hiện chưa đầy đủ. Tỷ lệ phát sinh hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích ở các lĩnh vực còn thấp. Tình trạng hồ sơ giải quyết trễ hẹn còn xảy ra…

Trước thực trạng trên, UBND huyện đã tổ chức hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác CCHC, chính quyền điện tử, chính quyền số, tiêu chuẩn ISO trong CCHC năm 2022 và từ đầu năm 2023 đến nay; đồng thời, đề ra giải pháp khắc phục để nâng cao hiệu quả trong thời gian đến. Trước hết, nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở, giám sát cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nhiệm vụ được giao theo đúng quy định. Thành viên UBND huyện cùng chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ đối với địa phương được phân công phụ trách. Các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn sẽ xây dựng kế hoạch khắc phục tồn tại, hạn chế của mình về công tác CCHC, chính quyền điện tử, chính quyền số và tiêu chuẩn ISO trong CCHC.

Người dân đến giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa xã Chư Krêy, huyện Kông Chro. Ảnh: Mộc Trà

Người dân đến giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa xã Chư Krêy, huyện Kông Chro. Ảnh: Mộc Trà

Tiếp đó, tập trung khắc phục một số tồn tại trong công tác giải quyết hồ sơ TTHC lĩnh vực đất đai, lao động-thương binh và xã hội; thực hiện số hóa toàn bộ hồ sơ TTHC, kết quả giải quyết TTHC theo đúng thành phần, trình tự, quy trình quy định, đảm bảo đồng bộ thời gian giữa hệ thống một cửa và hồ sơ giấy trên tất cả các lĩnh vực ở cấp huyện và cấp xã. Triển khai thực hiện liên thông các TTHC theo quy định; chấn chỉnh công tác phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong giải quyết hồ sơ TTHC. Ủy ban nhân dân huyện cũng sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chính quyền điện tử, chính quyền số trên địa bàn; hướng dẫn tổ chức, cá nhân xử lý hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4.

Ngoài ra, sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành, một cửa điện tử đảm bảo đúng quy trình. 100% văn bản đi, đến phải được sử dụng hoàn toàn trên hệ thống (trừ văn bản mật); 100% văn bản điện tử được sử dụng chứng thư số của tổ chức, cá nhân theo đúng quy định.

Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cũng sẽ triển khai thực hiện việc xây dựng đề án tự chủ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định. Riêng các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên thực hiện xây dựng đề án vị trí việc làm, kế hoạch số lượng người làm việc để làm cơ sở tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức theo đúng quy định pháp luật.

Tin rằng, với nhiều giải pháp thiết thực cùng quyết tâm cao, thời gian đến, huyện Kông Chro sẽ gặt hái được những kết quả khả quan và tạo được sự “đột phá” trong công tác CCHC gắn với chuyển đổi số, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Có thể bạn quan tâm