Kinh tế

Kông Chro đẩy mạnh Chương trình OCOP

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) tuyên truyền, vận động doanh nghiệp và hợp tác xã tích cực tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Năm 2021, huyện có 2 sản phẩm OCOP đầu tiên đạt 3 sao cấp tỉnh, tạo tiền đề cho việc đẩy mạnh thực hiện chương trình trong giai đoạn kế tiếp.
Trời gần đứng bóng nhưng bà Trần Thị Tầm-Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và dịch vụ An Nhiên (xã An Trung) vẫn miệt mài chăm sóc ruộng dưa leo. Toàn bộ diện tích dưa leo này được các thành viên HTX trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây cũng là mặt hàng nông sản chủ lực của HTX với tổng diện tích khoảng 10 ha, được các thành viên trồng luân canh quanh năm. Bình quân mỗi ngày, HTX cung ứng cho thị trường 3-5 tấn dưa leo. “Với mong muốn nâng tầm giá trị sản phẩm, chúng tôi đã đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2021 và sản phẩm đã được công nhận đạt 3 sao cấp tỉnh. Đây là cơ hội để HTX nâng cao uy tín, mở rộng thêm thị trường tiêu thụ, góp phần tăng thu nhập cho các thành viên. Hiện sản phẩm của HTX đã có mặt tại TP. Đà Nẵng và các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Phú Yên, Nghệ An”-bà Tầm thông tin.
Sản phẩm bột gia vị Trung Nguyên của Công ty TNHH một thành viên Agri Food đã được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2021. Ảnh: Mộc Trà
Sản phẩm bột gia vị Trung Nguyên của Công ty TNHH một thành viên Agri Food đã được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2021. Ảnh: Mộc Trà
Ngoài dưa leo của HTX nông nghiệp và dịch vụ An Nhiên, huyện Kông Chro còn 1 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh năm 2021 là bột gia vị Trung Nguyên (bột ớt, tỏi, cốt chanh) của Công ty TNHH một thành viên Agri Food (thôn Gia Yên, xã An Trung). Theo Giám đốc Công ty Trần Thị Trà, sản phẩm này được Công ty cho ra mắt vào tháng 5-2021 từ nguồn nguyên liệu ớt, tỏi, chanh trồng tại địa phương. Sau khi đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh, Công ty liên kết với các nhà phân phối ở một số tỉnh, thành phố để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến rộng rãi người tiêu dùng. “Cây ớt được trồng nhiều ở Kông Chro. Tuy nhiên, giá bán thô luôn bấp bênh. Nếu được chế biến và đóng gói, chắc chắn giá trị sẽ cao hơn. Đó cũng là lý do để chúng tôi quyết định tạo ra sản phẩm bột gia vị Trung Nguyên. Hiện sản phẩm được đóng thành dạng gói với khối lượng tịnh 50 gram. Sắp tới, chúng tôi sẽ cho ra mắt thêm dạng hũ; đồng thời tiếp tục phát triển thêm sản phẩm ớt bột nguyên chất và phấn đấu đạt OCOP, hướng đến xuất khẩu”-chị Trà cho hay.
Tuy đạt được những kết quả bước đầu, song quá trình xây dựng sản phẩm OCOP cũng gặp không ít khó khăn. Lý giải về vấn đề này, ông Trần Văn Đấu-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro-cho biết: Trên địa bàn huyện không có nhiều sản phẩm chủ lực mang tính đặc trưng. Thêm vào đó, số lượng doanh nghiệp tương đối ít, hầu hết HTX đều mới thành lập nên quy mô và năng lực quản trị còn yếu; dịch Covid-19 kéo dài khiến nguồn vốn đầu tư sản xuất, xúc tiến quảng bá sản phẩm khá hạn chế. Ngoài ra, một số cơ sở còn e ngại về vấn đề thủ tục và có tâm lý trông chờ, ỷ lại nên chưa chủ động tham gia.
Các mặt hàng nông sản được nâng tầm giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ khi được công nhận là sản phẩm OCOP. Ảnh: Mộc Trà
Các mặt hàng nông sản được nâng tầm giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ khi được công nhận là sản phẩm OCOP. Ảnh: Mộc Trà
Cũng theo ông Đấu, huyện sẽ tập trung “gỡ khó” để tiếp tục xây dựng thêm nhiều sản phẩm OCOP cho địa phương trong thời gian đến. Ngành Nông nghiệp và PTNT huyện đang hướng dẫn các chủ thể xây dựng, hoàn thiện hồ sơ để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2022, gồm: hạt mắc ca của 1 hộ cá thể ở xã Chư Krêy và nhãn T6 của HTX nông nghiệp và dịch vụ Kông Yang (xã Kông Yang).
Chia sẻ về việc đăng ký tham gia Chương trình OCOP, ông Trần Văn Luyện (làng Sơ Rơn, xã Chư Krêy) phấn khởi nói: Tôi trồng thử nghiệm 1 ha mắc ca vào năm 2011. Đến nay, vườn cây đã cho thu hoạch ổn định với sản lượng bình quân 1,7-2 tấn/năm. Sản phẩm hạt mắc ca do gia đình tự chế biến cũng được nhiều người ưa chuộng nhờ chất lượng thơm ngon, giá cả hợp lý. Tuy vậy, thị trường tiếp cận vẫn còn hạn chế. Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy Chương trình OCOP khá thiết thực và hữu ích nên đã đăng ký tham gia với mong muốn nâng tầm sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn tận tình của cán bộ nông nghiệp, tôi đang tập trung hoàn thiện hồ sơ và thiết kế logo, bao bì, nhãn mác sản phẩm. Gia đình cũng đã bỏ ra gần 100 triệu đồng đầu tư máy móc, trang-thiết bị để chế biến thành phẩm đảm bảo tiêu chuẩn. Hy vọng, hạt mắc ca của tôi sẽ được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2022.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm