Kinh tế

Kông Chro: Nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Qua 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, diện mạo huyện Kông Chro đã có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, với một địa phương còn khá nghèo như nơi đây, mục tiêu trở thành huyện NTM vẫn còn là một hành trình dài cùng không ít gian nan, thách thức.

Kết quả đáng ghi nhận


Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm nên 5 năm qua, huyện Kông Chro luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương nỗ lực triển khai từ xây dựng kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo, Văn phòng điều phối, Ban quản lý, Ban giám sát, Tổ giúp việc, Ban phát triển thôn-làng đến việc lựa chọn đơn vị điểm, soạn thảo các văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung từng tiêu chí và công tác kiểm tra, đôn đốc… Huyện có 13 xã, trong đó Đak Kơ Ning, Yang Nam và An Trung là 3 xã được chọn làm điểm xây dựng NTM của địa phương. Đến nay, 100% các xã đều đã có quy hoạch chung và đề án xây dựng NTM giai đoạn 2011-2020.

 

Cầu Yang Trung huyện Kông Chro. Ảnh: Đức Thụy
Cầu Yang Trung huyện Kông Chro. Ảnh: Đức Thụy

Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro Huỳnh Ngọc Ẩn cho hay, công tác tập huấn, tuyên truyền, vận động để cán bộ và nhân dân hiểu được tầm quan trọng của việc xây dựng NTM trên địa bàn là một khâu vô cùng quan trọng. Vì vậy, huyện đã tổ chức tập huấn kịp thời (106 lớp) cho cán bộ và nhân dân cấp huyện và xã với 3.456 lượt người tham gia, hướng dẫn chi tiết một số nội dung liên quan; đồng thời trang bị đầy đủ tài liệu về xây dựng NTM đến tận các xã. Ngoài ra, huyện còn phát động phong trào thi đua “Kông Chro chung sức xây dựng NTM” và đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM” trên toàn địa bàn.

Công tác xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn là yếu tố quan trọng nhất để cải tạo bộ mặt nông thôn, tạo đà cho kinh tế-xã hội phát triển. Do vậy, huyện luôn quan tâm chỉ đạo, tập trung lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đồng thời các địa phương đã huy động sức dân phù hợp khả năng của từng vùng, đảm bảo hài hòa với các nhiệm vụ khác. 5 năm qua, toàn huyện đã đầu tư tu bổ, nâng cấp và xây dựng mới trên 245 hạng mục công trình với kinh phí hơn 345,1 tỷ đồng gồm: 95 công trình giao thông nông thôn, 8 công trình thủy lợi, 13 lượt công trình nước sạch-vệ sinh môi trường, 87 trường học-phòng học các cấp, 5 trụ sở xã, 7 nhà văn hóa xã, 12 nhà văn hóa thôn, 5 trạm y tế xã và 717 căn nhà. Từ đầu năm 2016 đến nay, huyện tiến hành các thủ tục để đầu tư xây dựng mới, tu bổ, nâng cấp khoảng 61 hạng mục công trình với kinh phí đầu tư 90,548 tỷ đồng.

Cũng theo ông Ẩn, thời gian qua, các xã đã tập trung xây dựng quy hoạch các vùng sản xuất sản phẩm hàng hóa theo lợi thế, chủ lực và mang tính chiến lược. Theo đó, hơn 50 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất được triển khai và 81 lớp tập huấn được tổ chức với 3.340 lượt người tham dự. Giai đoạn 2013-2015, Trường Trung cấp Nghề An Khê đã tổ chức 18 lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho 720 lao động. Năm 2013, 2 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp với chức năng cung cấp vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho cây mía cũng được thành lập trên địa bàn 2 xã An Trung và Yang Trung.

Các cấp, ngành của huyện cũng đã quan tâm, chú trọng phát triển cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục, thúc đẩy các hoạt động thể dục thể thao quần chúng trong xã, góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội và tập tục lạc hậu; tổ chức các hoạt động bảo vệ và phát triển môi trường xanh-sạch-đẹp và xây dựng người nông dân văn minh theo bộ tiêu chí xây dựng NTM. Tính đến thời điểm này, huyện có 9/13 trạm y tế đạt chuẩn; 8/13 xã có nhà văn hóa và 4 khu thể thao xã đạt chuẩn; 50 thôn, làng và 40 khu thể thao thôn, làng đạt chuẩn; 57 thôn, làng được công nhận thôn, làng văn hóa; trên 20% xã có đội văn nghệ… Tình hình an ninh trật tự khu vực nông thôn được đảm bảo.

 

“Qua 5 năm, phong trào xây dựng NTM đã thu hút được sự hưởng ứng của nhân dân, kể cả đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa; đội ngũ cán bộ cơ sở đã có bước trưởng thành trong nhận thức, khả năng vận động quần chúng và trình độ tổ chức quản lý xây dựng MTM; hoạt động của bộ máy tổ chức của chương trình từ cấp huyện đến cấp xã, thôn đã có sự liên kết và từng bước đạt hiệu quả cao. Hạ tầng nông thôn phát triển rõ rệt, nhất là giao thông, điện, trường học, cấp nước sinh hoạt và hạ tầng phục vụ sản xuất. Huyện cũng đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy chế biến. Các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến tiếp tục được đưa vào sản xuất, góp phần cải thiện thu nhập cũng như nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân”-Phó Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Ngọc Ẩn phấn khởi nói.

Nhiều khó khăn, thách thức

 

Dù đã có nhiều nỗ lực và cố gắng, song chặng đường xây dựng NTM của huyện Kông Chro vẫn đối diện với không ít khó khăn. Qua rà soát, đánh giá thực trạng xây dựng NTM của 13 xã trên địa bàn huyện cũng như kết quả thẩm tra của các ngành chuyên môn, đến nay, huyện chỉ mới có 1 xã đạt 9/19 tiêu chí (Đak Kơ Ning), 4 xã đạt 8/19 tiêu chí (Yang Nam, Ya Ma, Yang Trung và Đak Tơ Pang), 3 xã đạt 7/19 tiêu chí (Kông Yang, An Trung, Chư Krey), 3 xã đạt 6/19 tiêu chí (Đak Pơ Pho, Sró, Đak Pling) và 2 xã đạt 5 tiêu chí (Chơ Long, Đak Song).

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Ngọc Ẩn, Kông Chro vốn là một huyện nghèo của tỉnh, địa bàn phân bố dân cư rộng, địa hình phức tạp, cơ sở vật chất văn hóa lẫn hạ tầng cơ sở còn nghèo nàn. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư thực hiện chương trình vô cùng hạn chế. “Hơn 75% số dân của huyện là đồng bào dân tộc thiểu số với cuộc sống nghèo khó dẫn đến khả năng đóng góp để xây dựng NTM không nhiều. Mặt khác, số doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn khá ít và đều ở quy mô nhỏ nên hầu như ít có thể hỗ trợ cho huyện. Hiện các tiêu chí về nhà ở dân cư, thu nhập bình quân đầu người và tỷ lệ hộ nghèo đang là vấn đề vô cùng nan giải đối với huyện”-ông Ẩn chia sẻ.

 

Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng NTM trong 5 năm (2011-2015) trên địa bàn huyện là hơn 444,379 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển hơn 345,154 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 99,125 tỷ đồng. Cụ thể: vốn ngân sách (vốn lồng ghép) hơn 343,926 tỷ đồng; vốn trực tiếp 38,059 tỷ đồng; vốn dân đóng góp trên 25,041 tỷ đồng; vốn cho vay địa bàn nông thôn 33,918 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp 3,435 tỷ đồng.

Cùng với đó, trình độ dân trí của huyện thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; đội ngũ cán bộ xã chưa được chuẩn hóa, chưa có cán bộ chuyên trách NTM cấp huyện; nhận thức của một bộ phận người dân và một số cán bộ, đảng viên, đơn vị về xây dựng NTM chưa đầy đủ; một số nơi thực hiện tuyên truyền, vận động chưa sâu rộng, thường xuyên và kịp thời, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, thiếu thuyết phục… Tất cả các yếu tố khách quan lẫn chủ quan này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ hoàn thành xây dựng NTM trên địa bàn huyện thời gian qua.

Trước thực tế trên, huyện đã đề ra nhiều giải pháp nhằm phấn đấu xây dựng 3 xã đạt chuẩn NTM vào năm 2020. Trong đó, ưu tiên chỉ đạo, đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí về phát triển sản xuất, giáo dục, y tế, hệ thống chính trị, bưu điện, giao thông, thủy lợi, nước sạch nông thôn… phù hợp với nguồn lực, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cộng đồng dân cư.

Phó Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Ngọc Ẩn cho biết: Huyện sẽ chỉ đạo các xã tập trung rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết, tăng cường quản lý quy hoạch đã được phê duyệt, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn hỗ trợ của Nhà nước có hiệu quả. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ thành lập các đoàn công tác để kiểm tra việc đăng ký các chỉ tiêu thuộc từng tiêu chí của các xã trong năm 2016 cũng như các năm tiếp theo, đồng thời tiếp tục duy trì các tiêu chí đã đạt được; tiếp tục thực hiện lồng ghép các nguồn vốn, ưu tiên đầu tư cho những công trình cấp bách, phục vụ phát triển sản xuất, dân sinh; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm; tăng cường công tác khuyến nông nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số, hướng dẫn nhân dân tiết kiệm chi tiêu trong gia đình để tích lũy tái đầu tư vào sản xuất…

Ngoài ra, huyện còn đưa nhiệm vụ xây dựng NTM vào nội dung đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị để bình xét thi đua hàng năm của các đơn vị. Các thành viên Ban chỉ đạo của huyện định kỳ đi kiểm tra cơ sở theo địa bàn phân công và lĩnh vực phụ trách; qua đó phát hiện, biểu dương kịp thời, nhân rộng những đơn vị làm tốt cũng như phê bình, uốn nắn những đơn vị triển khai chậm, không hoàn thành kế hoạch.

 Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm