Xã hội

Kông Chro quan tâm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với những giải pháp thiết thực, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đã thực hiện hiệu quả công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Đây là cơ sở quan trọng để cải thiện đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội và tạo động lực cho nền kinh tế địa phương phát triển.
Công ty TNHH May Ngân Anh (làng Pơbah Ktu, xã An Trung) được thành lập vào tháng 5-2021, chuyên may gia công quần áo xuất khẩu sang Đài Loan và các nước châu Âu. Sau hơn 1 năm hoạt động, Công ty đã dạy nghề và tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Anh Nguyễn Hữu Trí-Quản lý Công ty-cho biết: “Trong năm qua, Công ty nhận may gia công khoảng 30 đợt hàng. Mỗi đợt, chúng tôi cần 50-70 công lao động để hoàn thiện 1.500-2.000 sản phẩm. Hiện nay, Công ty có 10 lao động thường xuyên với mức thu nhập 3-6 triệu đồng/tháng tùy theo tay nghề. Ngoài ra, người lao động còn được hỗ trợ cơm trưa, trợ cấp xăng xe, thưởng chuyên cần và các dịp lễ, Tết”.
Theo bà Nguyễn Thị Phượng-Chủ tịch UBND xã An Trung, căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, xã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp cho người dân; tuyên truyền, vận động bà con tham gia các phiên giao dịch việc làm lưu động để tìm kiếm công việc phù hợp. Bên cạnh đó, xã còn kết nối với các doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Hiện tổng số lao động trong độ tuổi đang làm việc là 2.903 người, trong đó có 770 lao động qua đào tạo, 109 lao động làm việc ở ngoài tỉnh, còn lại là lao động tại gia đình.
Lao động địa phương làm việc tại Công ty TNHH May Ngân Anh (làng Pơbah Ktu, xã An Trung). Ảnh: Mộc Trà
Lao động địa phương làm việc tại Công ty TNHH May Ngân Anh (làng Pơbah Ktu, xã An Trung). Ảnh: Mộc Trà
Ông Nguyễn Văn Tuấn-Phó Chủ tịch UBND thị trấn Kông Chro cũng thông tin: Trên địa bàn thị trấn hiện có gần 6.700 người trong độ tuổi lao động có việc làm (34 người đang đi xuất khẩu lao động). Tháng 7 vừa qua, Trung tâm Học tập cộng đồng thị trấn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây ăn quả và chăn nuôi cho người dân 2 tổ dân phố Plei Nghe và Plei Dơng. Bên cạnh cử người tham gia các lớp đào tạo nghề nông thôn do huyện tổ chức, thị trấn cũng thường xuyên thông tin kịp thời về nhu cầu tuyển dụng, xuất khẩu lao động và các phiên giao dịch việc làm để người dân nắm bắt, đăng ký tham gia. 
Anh Đinh Văn Nhết (tổ dân phố Plei Dơng, thị trấn Kông Chro) chia sẻ: “Tôi cùng nhiều thanh niên trong tổ được tham gia các lớp dạy nghề ngắn hạn tại địa phương như: thợ xây, sửa chữa xe máy, may công nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi… Nhờ đó, chúng tôi có được kiến thức cơ bản để xin việc hoặc tự tạo việc làm cho mình”.
Xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm là điều kiện quan trọng để góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế bền vững, thời gian qua, huyện Kông Chro đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Trên địa bàn hiện có 36.308 người trong độ tuổi lao động, chiếm 63,1% dân số toàn huyện. Năm 2022, huyện phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 47% và giải quyết việc làm cho 760 người. Tính đến tháng 10-2022, số lao động được giải quyết việc làm là 694 người (đạt 91,32% kế hoạch); trong đó có 357 lao động quay lại các tỉnh phía Nam làm việc, 16 người đi xuất khẩu lao động, riêng Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm cho 232 lao động với số tiền trên 11,7 tỷ đồng.
Người lao động xem thông tin tuyển dụng từ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong tỉnh và nước ngoài có nhu cầu. Ảnh: Mộc Trà
Người lao động xem thông tin tuyển dụng từ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong tỉnh và nước ngoài. Ảnh: Mộc Trà
Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Nguyễn Văn Cường cho hay: Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn nói chung, lao động dân tộc thiểu số nói riêng luôn được huyện chú trọng triển khai. Bên cạnh đẩy mạnh truyền thông về dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm… huyện còn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh gửi thông báo nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp đến các xã, thị trấn và tổ chức phiên giao dịch việc làm nhằm giúp người dân tiếp cận thông tin về thị trường lao động, có cơ hội chuyển đổi ngành nghề, tăng thu nhập. Người lao động sau khi học nghề đã biết cách tiếp cận và vận dụng kiến thức vào sản xuất kinh doanh, tạo việc làm tại chỗ; một số khác có tay nghề còn được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
“Qua khảo sát thực tế, Phòng đã xây dựng kế hoạch về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngay từ đầu năm 2022 với số lượng 25 lớp (23 lớp nghề nông nghiệp và 2 lớp nghề phi nông nghiệp) cho 782 học viên. Tuy nhiên, do đến đầu tháng 10, tỉnh mới bố trí kinh phí nên chúng tôi đang tích cực phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai khẩn trương mở lớp, đảm bảo mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn”-ông Cường cho biết thêm.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm