(GLO)- Nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan đã khiến tiến độ thu ngân sách trên địa bàn huyện Kông Chro hiện tại đạt chậm hơn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đang nỗ lực tập trung đẩy mạnh các giải pháp nhằm hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trong năm 2017.
Hạn hẹp nguồn thu
Năm nay, huyện Kông Chro được UBND tỉnh giao dự toán thu ngân sách nhà nước là 22,150 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Nghị quyết của HĐND huyện, địa phương đã tăng thu ngân sách trên địa bàn lên 23,2 tỷ đồng; trong đó, số thu do cơ quan thuế quản lý là 19,2 tỷ đồng (thu cân đối ngân sách); cơ quan tài chính và các ngành là 4 tỷ đồng (thu quản lý qua ngân sách, thu khác và phạt các loại).
Ông Huỳnh Văn Tố-Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Kông Chro, cho biết: Tính đến ngày 31-10, tổng thu ngân sách trên địa bàn được hơn 16,970 tỷ đồng (đạt 73% kế hoạch, bằng 90% so với cùng kỳ năm 2016). Riêng cơ quan thuế thu được hơn 14,454 tỷ đồng (đạt 75% dự toán, bằng 91% so với cùng kỳ).
Theo ông Tố, huyện Kông Chro hiện là một trong số những địa phương của tỉnh có số thu ngân sách đạt thấp. Chính đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế khó khăn của huyện đã tác động lớn đến nhiệm vụ thu trong năm. Nguồn thu hạn hẹp, số thu phát sinh thấp khiến nhiều sắc thuế không đảm bảo tiến độ đề ra, nhất là thuế giá trị gia tăng thuộc khu vực công-thương nghiệp-dịch vụ ngoài quốc doanh (chỉ mới đạt 54%); thuế tài nguyên thu từ hộ kinh doanh (chỉ mới đạt 1%)…
Một số doanh nghiệp kinh doanh khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản hết hạn giấy phép khai thác làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách trên địa bàn. Ảnh: Hồng Thi |
Từ đầu năm đến nay, giá cả các mặt hàng nông sản có chiều hướng giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến sức mua-bán trên thị trường. 11 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh không hiệu quả đã giải thể, tự ý bỏ địa chỉ kinh doanh; doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản (nguồn thu chính cho ngân sách) hết hạn giấy phép khai thác nên không có nguyên liệu sản xuất. Vụ cháy chợ trung tâm huyện xảy ra vào đầu năm khiến các tiểu thương, hộ kinh doanh rơi vào cảnh trắng tay và để hỗ trợ phần nào cho họ, huyện phải thực hiện miễn giảm thuế.
Bên cạnh đó, các nguyên nhân khách quan liên quan đến cơ chế, chính sách cũng tác động không nhỏ đến tiến độ thu của huyện như: việc chuyển từ thuế môn bài sang phí môn bài khiến mức thu đối với những hộ kinh doanh bị sụt giảm xuống còn 300.000 đồng/năm/hộ hoặc 500.000 đồng/năm/hộ thay vì 1 triệu đồng/năm/hộ như trước năm 2017; thuế thu nhập doanh nghiệp được điều chỉnh tỷ lệ từ 22% xuống còn 20%; một số khoản thu phí, lệ phí được Chính phủ hay HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết bãi bỏ hoặc giảm…
Quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu
Ngay từ đầu năm, Chi cục Thuế huyện Kông Chro đã triển khai cho các Đội thuế quản lý địa bàn tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ các nguồn thu hiện có; thống kê các khoản thuế nợ đọng; dự kiến khả năng tăng trưởng, phát triển nguồn thu trong năm 2017. Trên cơ sở đó, các Chi cục đã phân bổ dự toán thu sát với khả năng thực hiện của từng Đội. Công tác đăng ký cấp mã số thuế cho người nộp thuế được thực hiện kịp thời, đúng quy định.
Trước những khó khăn trên, ông Tố cho hay, trong thời gian còn lại, ngành thuế nói riêng và cả hệ thống chính trị huyện Kông Chro nói chung sẽ tập trung đẩy mạnh đồng bộ nhiều giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách được giao, đặc biệt là triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 81 ngày 11-9-2017 của UBND huyện về việc thành lập Tổ chống thất thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.
Nhiều giải pháp được huyện triển khai nhằm quyết tâm hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2017. Ảnh: Hồng Thi |
Cụ thể: cơ quan thuế sẽ phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra, quản lý thuế thuộc lĩnh vực xây dựng cơ bản nhà ở tư nhân ở các xã, thị trấn; thu thuế giá trị gia tăng đối với các công trình xây dựng cơ bản vãng lai; kiểm tra, rà soát tất cả các hộ kinh doanh đã được cấp giấy phép kinh doanh để đối chiếu với bộ thuế cơ quan thuế đang quản lý; rà soát lại các công trình xây dựng cơ bản sẽ hoàn thành và giải ngân trong quý 4-2017 để động viên, đôn đốc, thu nộp kịp thời vào ngân sách nhà nước; quản lý chặt chẽ các khoản thu liên quan đến đất như thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tiền thuê đất, tiền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lệ phí trước bạ từ chuyển nhượng bất động sản…
“Ngoài ra, chúng tôi sẽ tăng cường công tác kiểm tra thuế theo kế hoạch đã được Cục Thuế phê duyệt và theo sự chỉ đạo của cấp trên, tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản, kinh doanh ăn uống; chống thất thu về hộ, về doanh số và xây dựng cơ bản nhà ở tư nhân ở các xã, thị trấn và các nguồn thu từ đất. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thu nợ đọng thuế đối với các khoản nợ có khả năng thu, không để nợ thuế mới phát sinh; thực hiện cưỡng chế thu hồi nợ thuế đúng quy trình; cải cách hành chính về thuế cũng như tuyên truyền, hỗ trợ, đối thoại để người nộp thuế nắm bắt, cập nhật kịp thời các chính sách thuế mới ban hành…”-ông Tố nói.
Hồng Thi