(GLO)- Đó là cụm từ để nói về những cánh rừng bị tàn phá không thương tiếc tại xã Chư Krei, huyện Kông Chro, khi chỉ hơn 10 ngày, đã có 3 vụ phá rừng bị phát hiện, với tổng khối lượng gỗ thiệt hại hơn 150 m3.
Phát hiện thêm một… “công trường gỗ”
Điểm nóng về nạn phá rừng ở xã Chư Krei tưởng chừng như đã dừng lại sau khi cơ quan chức năng phát hiện 2 hiện trường bị lâm tặc tàn phá (báo Gia Lai đã đưa tin), với hơn 160 cây căm xe, cà chít tại lô 1, khoảnh 2, lô 7, 9, khoảnh 3, 4, tiểu khu 738, trạng thái rừng IIIA2, thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ia Pa với tổng khối lượng thiệt hại hơn 95 m3.
Gỗ bị xẻ hộp chưa kịp tẩu tán. Ảnh: L.A |
Tuy nhiên, như một phản ứng dây chuyền sau hai vụ việc trên, những thông tin liên tục được quần chúng nhân dân báo đến Chủ tịch UBND huyện Kông Chro về những vụ khai thác gỗ trái phép mới. Ngày 3-11, xã nghèo Chư Krei lại thêm một phen rúng động về việc trong ngày thứ bảy, đích thân Chủ tịch UBND huyện Phan Văn Trung trực tiếp vào hiện trường vụ khai thác gỗ lớn mới được phát hiện.
Đúng 14 giờ, chúng tôi có mặt tại UBND huyện Kông Chro để đi cùng đoàn liên ngành của huyện kiểm tra thực tế hiện trường. Những thông tin chính xác về địa điểm ngoài Chủ tịch UBND huyện, thì hầu như không ai được biết. Sau khi tiến vào trung tâm xã Chư Krei, lúc này những thông tin về hiện trường mới được hé lộ, địa điểm lần này là tại tiểu khu 739, thuộc xã Chư Krei. Vượt thêm chừng 3 km đường đất, theo nguồn tin báo cả đoàn dừng lại bên cạnh cây lộc vừng để men theo đường mòn cạnh những rẫy bắp, mì để vào rừng.
Chỉ chưa đầy 20 phút tìm kiếm theo dấu vết để lại, đoàn đã tiến sát đến khu vực rừng bị tàn phá cách trục đường chính chưa đầy 400 mét. Tại đây, những cây căm xe, cà chít, dầu, bằng lăng có đường kính từ 30 cm đến 80 cm bị đốn hạ, trong diện tích gần 1 ha, nằm ngổn ngang chẳng khác nào một… “xưởng gỗ”, với khối lượng gỗ ước tính hơn 60 m3. Hầu hết những cây gỗ đẹp, đường kính lớn đã bị lâm tặc xẻ hộp tẩu tán, nhưng vẫn còn lại hiện trường khá nhiều cây lớn và gỗ xẻ hộp được cất giấu sơ sài. Sau khi chứng kiến cảnh tan hoang của rừng, những thành viên trong đoàn đều tỏ ra ngao ngán, ngay cả lãnh đạo Hạt kiểm lâm huyện, lãnh đạo xã Chư Krei cũng tỏ ra bất ngờ… Phải mất hơn 3 giờ, đoàn liên ngành mới lội xong khoảnh rừng bị tàn phá.
Theo nhận định của nhiều thành viên trong đoàn, diện tích rừng này đã bị lâm tặc tàn phá trong một thời gian dài và khá quy mô. Với những bãi tập kết gỗ như vậy, nhiều khả năng lâm tặc sẽ vận chuyển bằng ô tô, nếu vận chuyển bằng xe máy mỗi lần đi cũng phải vài chục chiếc, nhưng “xưởng gỗ” này vẫn không bị phát hiện.
Mất niềm tin vào lực lượng Kiểm lâm
Nhìn nhận một cách công bằng, những vụ phá rừng nghiêm trọng bị phát hiện trong thời gian gần đây ở huyện Kông Chro có lỗi lớn của chủ rừng và chính quyền địa phương. Nhưng lật lại hồ sơ trong 4 hiện trường bị phát hiện gần đây (3 ở xã Chư Krei, 1 ở xã Đak Pơ Pho) có thể thấy vai trò quản lý, bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm ở đây bị đặt một dấu hỏi lớn.
Ảnh: Lê Anh |
Trong những vụ việc nghiêm trọng tại xã Chư Krei, lực lượng kiểm lâm huyện không nhận được một tin báo nào và cũng không hề hay biết. Những tin báo đều được quần chúng nhân dân gửi trực tiếp cho Chủ tịch UBND huyện, thậm chí còn có cả bản đồ chỉ rõ địa điểm rừng bị tàn phá đúng đến từng cen-ti-mét. Trước đó, vụ khai thác hơn 30 m3 gỗ ở tiểu khu 757, tại xã Đak Pơ Pho (20-3), đơn vị nhận được thông tin đầu tiên là Đội Kiểm lâm Cơ động số 1, đóng tại đèo An Khê. Phải chăng quần chúng nhân dân đã mất niềm tin vào lực lượng kiểm lâm huyện Kông Chro?
Những nghi vấn càng tăng thêm trong vụ phát hiện điểm khai thác mới vào ngày 3-11. Khi những thông tin đến hiện trường hầu như được bảo mật, nhưng khi vừa đến được hiện trường, cả đoàn khá bất ngờ vì tại đây đã có 2 kiểm lâm viên của Hạt kiểm lâm Kông Chro chờ sẵn. Lời giải thích được đưa ra đại ý: Anh em đi kiểm tra “tình cờ” phát hiện. Sự “tình cờ” của 2 kiểm lâm viên được chuyển thành những nghi vấn. Phải chăng lực lượng Kiểm lâm đã phát hiện ra hiện trường này, nhưng sau 2 vụ khai thác rừng trái phép diễn ra tại xã Chư Krei đang còn nóng, nên lực lượng kiểm lâm cố tình “ém” thông tin vì sợ trách nhiệm thêm nặng? Và khi biết đoàn đến hiện trường, Hạt kiểm lâm huyện Kông Chro cử lực lượng đến hiện trường để phòng sẵn?
Do vụ việc được phát hiện trong ngày thứ bảy, nên sáng chủ nhật chúng tôi mới liên hệ với ông Trần Văn Minh-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro để “giải mã” những nghi vấn này thì ông từ chối với lý do công việc quá nhiều, dù ông vẫn trực ở cơ quan.
Ngày 4-11, trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Trung- Chủ tịch UBND huyện Kông Chro thẳng thắn nhìn nhận: “Với vị trí hiện trường như vậy, nhưng cả chính quyền xã, chủ rừng, lực lượng kiểm lâm không hề biết là điều vô lý. Chúng tôi quyết tâm làm sáng tỏ trách nhiệm của từng đơn vị và cá nhân liên quan. Trước mắt, huyện đã chỉ đạo Viện kiểm sát làm văn bản xin ý kiến Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh để xem đã đủ yếu tố khởi tố trách nhiệm đối với các cán bộ liên quan; đồng thời tiếp tục giao cho cơ quan điều tra làm sáng tỏ vụ việc, sai đến đâu, xử lý đến đó. Trong thời gian tới, huyện sẽ triển khai tổng kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn toàn huyện…”.
Theo nhận định của một số người dân, nếu lãnh đạo huyện Kông Chro quyết tâm đi đến cùng vụ việc, thì có khả năng sẽ phát hiện thêm những vụ phá rừng mới. Thiết nghĩ, thà một lần đau để rừng còn được giữ và làm bài học nhớ đời cho tất cả những người tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng. Nếu không bảo vệ một cách quyết liệt, chắc chắn rừng Kông Chro sẽ không còn.
Lê Anh