Kông Chro: Thay đổi nhận thức chăm sóc sức khỏe sinh sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ được tuyên truyền và tham gia chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản-kế hoạch hóa gia đình (SKSS-KHHGĐ) nên nhiều phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở huyện Kông Chro đã thay đổi nhận thức, chăm sóc tốt SKSS cũng như thực hiện KHHGĐ. 
Thay đổi nhận thức 
Ngay sau lễ phát động chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ vừa tổ chức mới đây, hàng trăm chị em trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn huyện đã tập trung về Trạm Y tế xã Kông Yang để được chăm sóc SKSS-KHHGĐ. 
Hàng ngày, chị Đinh Thị Krớt (làng Bà Bã, xã Kông Yang) luôn bận rộn chăm sóc con cái và lao động sản xuất nên ít có thời gian chăm sóc sức khỏe bản thân. Khi nghe cán bộ dân số thông báo chiến dịch chăm sóc SKSS-KHHGĐ được tổ chức ngay tại Trạm Y tế xã và hoàn toàn miễn phí, chị Krớt cùng với chị em trong làng đã hào hứng tham gia. “Qua tư vấn của bác sĩ, tôi cũng như chị em trong làng biết được rằng phụ nữ có thể mắc nhiều bệnh phụ khoa. Qua đây, tôi cũng hiểu về cách phòng tránh một số bệnh và chủ động áp dụng biện pháp tránh thai phù hợp với sức khỏe để dừng lại ở 2 con”-chị Krớt chia sẻ.
 Chị em trong độ tuổi sinh đẻ đến Trạm y tế xã Kông Yang chăm sóc SKSS. Ảnh: Đ.Y
Chị em trong độ tuổi sinh đẻ đến Trạm y tế xã Kông Yang chăm sóc SKSS. Ảnh: Đ.Y
Nhà cách Trạm Y tế xã hơn 5 cây số, đường đi lại khó khăn nhưng chị Đinh Thị Kut (làng Kông Hra, xã Kông Yang) vẫn đến để thăm khám, tìm hiểu các biện pháp tránh thai. Chị Kut bày tỏ: “Mình đặt vòng tránh thai không hợp nên vỡ kế hoạch sinh con thứ 3, cuộc sống vất vả quá. Sau khi được tư vấn, mình lựa chọn phương pháp KHHGĐ bằng cách tiêm thuốc tránh thai. Phụ nữ phải chăm sóc SKSS-KHHGĐ, có sức khỏe thì mới chăm sóc con cái, gia đình tốt được”.
Chị Phan Trần Hiền-cán bộ Phòng Dân số-KHHGĐ (Trung tâm Y tế huyện Kông Chro) cho biết: Hàng năm, Trung tâm tổ chức 2 đợt chăm sóc SKSS-KHHGĐ miễn phí cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vào tháng 4 và tháng 10. Nhờ đó, chị em được điều trị, hướng dẫn để biết cách chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Bên cạnh đó, thông qua chiến dịch, chị em được tư vấn kiến thức chăm sóc sức khỏe trong quá trình mang thai, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn. Nhiều người trước đây sinh đẻ tại nhà thì nay đã chủ động đến cơ sở y tế.
“Sẽ cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ tận nhà”

Theo thống kê, tổng số phụ nữ trong đó tuổi sinh đẻ trên địa bàn huyện Kông Chro là 15.700 người, trong đó tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số chiếm trên 80%. Tính riêng năm 2018, kết quả thực hiện các biện pháp tránh thai trên địa bàn huyện đạt 112%.

Với những kết quả đạt được, Kông Chro vừa được tỉnh chọn làm điểm phát động chiến dịch chăm sóc SKSS-KHHGĐ toàn tỉnh. Ông Đinh Kinh-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho biết: Những năm qua, Kông Chro đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đạt mục tiêu “Mỗi cặp vợ chồng chỉ nên sinh đủ 2 con và nuôi dạy cho tốt”. Hiện nay, chính sách dân số đã đi vào cuộc sống, giúp phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thay đổi nhận thức trong việc thực hiện chăm sóc SKSS-KHHGĐ, mang lại nhiều kết quả khả quan; quy mô dân số, chất lượng dân số, việc kiểm soát giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi... đều thay đổi tích cực.
Tuy nhiên, trên thực tế, công tác dân số ở huyện Kông Chro vẫn còn nhiều khó khăn như: tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mắc bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản còn cao, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số; huyện chưa thực hiện được các dịch vụ kỹ thuật cao trong chăm sóc SKSS-KHHGĐ như triệt sản, tầm soát, phát hiện hoặc điều trị sớm ung thư phụ khoa; phát hiện, chẩn đoán, điều trị vô sinh. Nhiều gia đình vẫn còn quan niệm “trời sinh voi sinh cỏ”, sinh nhiều con để sau này con nuôi bố mẹ khi về già...
“Thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Y tế tập trung thay đổi hình thức truyền thông, thay đổi thông điệp, ngôn ngữ cho phù hợp với điều kiện văn hóa, xã hội của từng vùng; củng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ, triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ thích hợp với từng nhóm đối tượng, đến từng gia đình, giúp chị em trong độ tuổi sinh đẻ dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS. Mở rộng triển khai các mô hình nâng cao chất lượng dân số, nhất là mô hình nâng cao chất lượng dân số trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giảm tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”-ông Đinh Kinh nhấn mạnh. 
 ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm