(GLO)- Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ chị em phát triển kinh tế. Qua đó, nhiều hội viên, phụ nữ đã có thêm điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống.
Bà Đinh Thị Toại-Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Kông Chro-cho biết: Hội xác định hỗ trợ chị em phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. Vì vậy, những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã tập trung chỉ đạo, tổ chức hiệu quả các hoạt động giúp phụ nữ nâng cao kiến thức về mọi mặt và hỗ trợ chị em vay vốn phát triển kinh tế gia đình.
Tính đến nay, Hội đã đứng ra tín chấp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho 2.628 hội viên, phụ nữ vay với tổng dư nợ trên 89 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ mô hình tiết kiệm 5.000 đồng/hội viên/tháng, các cấp Hội đã bình xét cho 78 chị em vay không tính lãi suất với số tiền trên 221 triệu đồng; các tổ tiết kiệm góp vốn, xoay vòng đã giúp 141 chị em có tiền mua cây-con giống với số tiền hơn 221 triệu đồng. Thông qua các gói hỗ trợ, cho vay, nhiều hội viên, phụ nữ đã có vốn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, nâng cao đời sống.
Nhờ Hội LHPN xã Kông Yang làm cầu nối, chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh (bìa phải; thôn 2) được ngân hàng cho vay vốn ưu đãi để mở cửa hàng buôn bán, phát triển chăn nuôi. Ảnh: Ngọc Minh |
Năm 2016, nhờ Hội LHPN xã Kông Yang làm cấu nối, chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh (thôn 2) được ngân hàng cho vay ưu đãi 20 triệu đồng để chuyển đổi 3 sào mì sang trồng na. Được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, vườn cây sinh trưởng phát triển tốt, đạt năng suất cao, mang lại cho gia đình chị nguồn thu nhập gần 100 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Chị Hạnh chia sẻ: “Đầu năm 2018, thông qua kênh phụ nữ khởi nghiệp, tôi vay ngân hàng 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi chó cảnh và mở cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật. Có thêm nguồn thu nhập từ chăn nuôi và buôn bán thuốc, kinh tế của gia đình tôi ngày càng phát triển, con cái được chăm lo ăn học đàng hoàng”.
Được Hội LHPN xã Ya Ma kết nối, đầu năm 2017, chị Đinh Thị Chư (làng Tờ Nùng-Măng) đã vay ngân hàng 40 triệu đồng để đầu tư sản xuất và mua bò phát triển chăn nuôi. Chị tâm sự: Lập gia đình ra ở riêng, bố mẹ cho vợ chồng mình 3 ha đất. Tuy nhiên, do vợ chồng mình thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất nên chỉ trồng mì và lúa rẫy, hiệu quả kinh tế thấp. Được các cấp Hội tư vấn và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, mình đã mạnh dạn chuyển đổi 5 sào đất sang trồng chuối và mua 2 con bò sinh sản.
“Đến nay, đàn bò đã phát triển lên 7 con, vườn chuối cũng cho thu hoạch đều đặn. Hơn 2 ha đất còn lại, gia đình mình thâm canh nhiều loại cây trồng như đậu, bắp, bí... Nhờ đó, hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình mình còn lãi 150-180 triệu đồng”-chị Chư phấn khởi nói.
Thông qua các gói hỗ trợ, cho vay ưu đãi, nhiều hội viên, phụ nữ tại huyện Kông Chro có vốn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, nâng cao thu nhập. Ảnh: Ngọc Minh |
Song song với việc hỗ trợ vay vốn, Hội LHPN huyện Kông Chro còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả; tăng cường hỗ trợ hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn… Theo đó, trong năm 2020, thông qua mô hình “Quỹ tập thể”, các Hội cơ sở đã giúp 23 hội viên, phụ nữ nuôi rẽ 16 con bò, 7 con heo; tổ chức 7 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi thu hút 168 chị em tham gia.
Ngoài ra, Hội đã vận động hơn 2.900 ngày công, quyên góp 1.139 kg gạo, 732 bộ quần áo và hơn 18 triệu đồng để giúp 28 hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn... Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, năm 2020, Hội LHPN huyện Kông Chro đã thẩm định, đề xuất Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện giải ngân vốn cho 10/18 hội viên thực hiện ý tưởng khởi nghiệp với số tiền 500 triệu đồng.
Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Kông Chro, qua các hoạt động hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế của các cấp Hội, chị em đã nâng cao ý thức, tư duy sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu thị trường. Đời sống thay đổi, nhiều chị em đã trở thành những hội viên nòng cốt giúp phong trào phụ nữ huyện thêm vững mạnh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
“Thời gian tới, Hội tiếp tục tổ chức các hoạt động giúp hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế; duy trì, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả; vận động phụ nữ tham gia các mô hình phát triển kinh tế. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn, đặc biệt là nguồn vốn ủy thác của các ngân hàng và nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý, cho vay. Hội cũng sẽ phối hợp với các ngành, tổ chức khai thác các nguồn vốn kết hợp với chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn kiến thức quản lý kinh tế hộ để giúp hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế gia đình bền vững”-bà Toại thông tin.
NGỌC MINH