Nhớ lại những năm tháng đầy khó khăn gian khổ, anh Kpa Phớt ở thôn Ma Rưng, xã Ia Trôk (huyện Ia Pa- Gia Lai) thổ lộ: “Mình sinh ra trong một gia đình nghèo khó, lại đông anh chị em. Hồi ấy, dân làng đều khổ cả, cơm còn không đủ ăn nên chuyện học chữ mấy ai nghĩ đến...”.
Cũng chính vì vậy mà tuổi thơ Kpa Phớt gần như gắn chặt với những cánh đồng mía cùng với những người thợ nấu đường thủ công để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Nhưng cái khốn khó ấy lại cho anh những kinh nghiệm mà nhờ đó sau này giúp anh làm nên sự nghiệp lớn. Với bản chất cần cù, ham học hỏi từ việc theo học nghề nấu đường với những người thợ thủ công tại địa phương, anh đã không ngần ngại theo họ xuống các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi học tập thêm kinh nghiệm và kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mía. Chỉ qua một vài vụ anh đã tích lũy được những kiến thức cơ bản rồi trở lại vùng đất Ia Trôk với giấc mơ làm giàu từ cây mía.
Kpa Phớt bên ruộng mía. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Năm 1998, Nhà máy Đường Ayun Pa được xây dựng. Bằng kinh nghiệm sẵn có, anh mạnh dạn vay vốn Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Ayun Pa mua 3 ha đất mở rộng diện tích trồng mía.
Với số tiền thu được từ vụ đầu, được tư vấn giúp đỡ của cán bộ ngân hàng, anh mua máy cày, xe tải để chủ động trong việc sản xuất vận chuyển mía của gia đình. Những năm đầu tiên khi Nhà máy Đường Ayun Pa còn chưa ổn định, đích thân anh cùng người con rể xuống tận Nhà máy Đường Bình Định ký hợp đồng bán mía để có lãi bù vào chi phí đầu tư. Sau này, khi Nhà máy Đường Ayun Pa thu mua ổn định anh lại trở thành khách hàng không thể thiếu trong mỗi vụ mía. Từ 3 ha mía ban đầu, đến nay gia đình anh đã có 20 ha với các giống mía mới như: K54, K84-200, R570... năng suất thường đạt 120 tấn/ha.
Mới đây, anh được Công ty cổ phần Mía đường- Nhiệt điện Gia Lai tạo điều kiện sang Trung Quốc tham quan học tập áp dụng kỹ thuật trồng mía tiên tiến. Giờ đây, anh đã là chủ sở hữu của một khối tài sản mà không phải ai cũng có: Ngoài một trang trại mía rộng lớn, anh còn sắm thêm 2 chiếc máy cày MTZ, một xe tải không chỉ phục vụ chuyên chở mía cho gia đình, mà còn phục vụ cho bà con trong vùng. Chỉ tính sơ bộ vụ mía năm ngoái anh đã thu về trên 700 triệu đồng, ước tính năm nay anh có thể thu về hơn 1 tỉ đồng từ việc bán mía.
Không chỉ làm giàu cho mình, anh luôn tận tình giúp bà con trong làng từ việc hướng dẫn cách làm ăn, đưa giống mới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất... cho đến việc tạo điều kiện cho 20 lao động có việc làm ổn định thường xuyên cho đến hết vụ mía chính “Đời mình đã không được học chữ, bây giờ có của ăn, của để do vậy ước mơ lớn nhất của mình là đầu tư cho con cái được học hành đầy đủ, đến nơi đến chốn...”- Kpa Phớt tâm sự.
Nguyễn Diệp