Kinh tế

Krông Pa đầu tư phát triển sản phẩm OCOP

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ các chủ thể trong triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đã có 17 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh. Dự kiến đến cuối năm 2023, huyện sẽ có thêm 14 sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Khi nhắc đến “chảo lửa” Krông Pa, người ta nghĩ ngay đến sản phẩm bò một nắng. Bò một nắng Krông Pa không chỉ nổi tiếng trong tỉnh mà đã có mặt ở khắp cả nước. Đến nay, toàn huyện có 17 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, trong đó, nhiều nhất là sản phẩm bò một nắng như: Bò một nắng Tý Vân, Bò một nắng Tuấn Hậu, Bò một nắng Mười Đức, Bò một nắng Quỳnh Ngân, Bò một nắng Nguyệt Viên Food. Ngoài ra, nhiều sản phẩm được các chủ thể chế biến từ thịt bò như: khô bò sợi, bò khô miếng, sườn bò một nắng, gàu bò một nắng, bò gác bếp… tham gia Chương trình OCOP.

Bà Hồ Thị Mười-Chủ cơ sở Mười Đức phơi thịt bò một nắng. Ảnh: L.N

Bà Hồ Thị Mười-Chủ cơ sở Mười Đức phơi thịt bò một nắng. Ảnh: L.N

Năm 2019, sản phẩm Bò một nắng Tý Vân của cơ sở kinh doanh Lý Anh Vân (tổ dân phố 4, thị trấn Phú Túc) là 1 trong 2 sản phẩm đầu tiên của huyện được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đến nay, cơ sở kinh doanh này đã có 5 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm: bò một nắng, heo ba chỉ một nắng, khô bò sợi, sườn heo một nắng, bò gác bếp. Theo chị Lý Anh Vân: Việc có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP là điều kiện thuận lợi để cơ sở xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ.

“Khi tham gia Chương trình OCOP, chúng tôi được hướng dẫn, hỗ trợ trong việc cải tiến mẫu mã, bao bì, đồng thời nâng cao chất lượng các sản phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Mỗi năm, chúng tôi cung cấp ra thị trường khoảng 7-8 tấn sản phẩm, tăng khoảng 30-40% so với trước khi có chứng nhận OCOP”-chị Vân chia sẻ.

Chị Lý Anh Vân-Chủ cơ sở kinh doanh Tý Vân phơi sản phẩm thịt bò một nắng. Ảnh: Lê Nam

Chị Lý Anh Vân-Chủ cơ sở kinh doanh Tý Vân phơi sản phẩm thịt bò một nắng. Ảnh: Lê Nam

Tương tự, cơ sở Mười Đức (tổ dân phố 1, thị trấn Phú Túc) có 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh là bò một nắng, gàu bò một nắng, ba chỉ heo một nắng. Bà Hồ Thị Mười cho biết: Từ năm 1994, bà bắt đầu chế biến món thịt bò một nắng vừa để gia đình sử dụng, vừa bán cho người thân, bạn bè. “Năm 2020, để nâng tầm sản phẩm bò một nắng, gia đình đã tham gia Chương trình OCOP và được công nhận đạt 3 sao cấp tỉnh. Hiện nay, sản phẩm của cơ sở tiêu thụ tăng khoảng 50% so với trước. Mỗi năm, cơ sở cung cấp cho thị trường khoảng 10 tấn sản phẩm từ thịt bò”-bà Mười chia sẻ.

Dự kiến đến cuối năm 2023, huyện Krông Pa có thêm 14 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao cấp tỉnh và 4 sản phẩm OCOP năm 2020 đánh giá lại. Ông Ngô Đức Mạo-Chủ cơ sở sản xuất bò một nắng Ama Châu (tổ dân phố 1, thị trấn Phú Túc) cho hay: “Để tạo sự tin tưởng tuyệt đối của khách hàng, đồng thời chấp hành các quy định của pháp luật, tôi đã thực hiện các thủ tục như: đăng ký kinh doanh, đăng ký đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gửi mẫu sản phẩm đi kiểm định chất lượng, công bố sản phẩm, đăng ký cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu, thương hiệu, đăng ký mã vạch truy xuất nguồn gốc và đặc biệt là được UBND huyện cấp phép sử dụng nhãn hiệu thương hiệu “Bò Krông Pa-Gia Lai”. Tôi đang hoàn tất hồ sơ sản phẩm bò một nắng để tham gia Chương trình OCOP. Ngoài ra, gia đình còn sản xuất thêm các sản phẩm như: ba chỉ heo một nắng, gàu bò một nắng, sườn heo một nắng, gân bò một nắng, sườn bò một nắng… ”.

Ông Ngô Đức Mạo-Chủ cơ sở sản xuất bò một nắng Ama Châu đang đóng gói sản phẩm để gửi đi cho khách hàng. Ảnh: Lê Nam

Ông Ngô Đức Mạo-Chủ cơ sở sản xuất bò một nắng Ama Châu đang đóng gói sản phẩm để gửi đi cho khách hàng. Ảnh: Lê Nam

Trao đổi với P.V, ông Võ Ngọc Châu-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Thời gian qua, các chủ thể tham gia Chương trình OCOP được tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục đăng ký logo, nhãn mác, hệ thống truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng, xây dựng website, đăng ký sở hữu trí tuệ... Ngoài ra, các sản phẩm được hỗ trợ quảng bá tại các phiên chợ nông sản an toàn do huyện và tỉnh tổ chức; được quảng bá trên sàn thương mại điện tử, hội nghị xúc tiến thương mại. Đồng thời, huyện hỗ trợ các chủ thể sản xuất quảng bá, xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm ra thị trường.

“Thời gian tới, huyện tiếp tục tạo điều kiện để doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình mở rộng sản xuất, tăng cường liên kết tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả tại địa phương để có nhiều sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, trong đó ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh để sản xuất các sản phẩm đặc trưng của địa phương có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm