(GLO)- Ngày 9-5, đoàn công tác do Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Ayun H’Bút làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát kết quả thực hiện Kế hoạch hành động “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020” tại huyện Krông Pa.
Từ năm 2016-2020, nông nghiệp huyện Krông Pa phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với nhu cầu thị trường, hình thành các vùng sản xuất tập trung như lúa nước, sắn, thuốc lá, dưa hấu, điều… và từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2020 đạt 2.592 tỷ đồng, gấp 1,44 lần so với năm 2015. Tổng diện tích gieo trồng năm 2020 đạt 48.768,3 ha, tăng 5.749 ha so với năm 2016.
Nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế. Trong giai đoạn 2016-2020, huyện đã hỗ trợ 6,2 tỷ đồng để triển khai 20 mô hình, dự án khuyến nông, chuyển giao công nghệ. Công tác phát triển các hình thức tổ chức sản xuất và đẩy mạnh liên kết sản xuất đã được chú trọng triển khai. Tính đến nay, toàn huyện có 5 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, 7 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với cây sắn, điều.
Quang cảnh buổi làm việc của đoàn giám sát tại huyện Krông Pa. Ảnh: Vũ Chi |
Cùng với trồng trọt, chăn nuôi là ngành sản xuất quan trọng trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện. Năm 2016, tổng đàn gia súc đạt 80.707 con. Năm 2020, tổng đàn đạt 88.671 con. Từ các nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án hỗ trợ sản xuất, huyện đã hỗ trợ 1.252 con bò giống sinh sản, phối giống nhân tạo 3.000 con bò, góp phần nâng cao tỷ lệ đàn bò của địa phương.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của huyện còn phụ thuộc lớn vào điều kiện thời tiết; hợp tác xã chậm nâng cao năng lực quản lý, điều hành, chưa chủ động trong việc đổi mới phương thức sản xuất; hầu hết doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp có quy mô nhỏ, năng lực tài chính còn yếu; mô hình liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp và nông dân chưa đồng bộ…
Về những khó khăn trong thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện, ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện-cho biết có 2 nguyên nhân: giao thông nội đồng và hệ thống thủy lợi còn yếu kém. Toàn huyện có hơn 500 km đường giao thông nội đồng nhưng chỉ có gần 10% được kiên cố hóa. Bên cạnh đó, diện tích gieo trồng toàn huyện khoảng 48.000 ha nhưng diện tích chủ động được nguồn nước tưới chỉ gần 7.000 ha. Ngoài ra, khi các doanh nghiệp muốn vào huyện đầu tư các dự án chăn nuôi công nghệ cao bị vướng quy hoạch chỉ tiêu sử dụng đất. Nhằm mục đích nâng cao chất lượng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, UBND huyện kiến nghị HĐND tỉnh có kế hoạch đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ nông nghiệp, đặc biệt là chú trọng giao thông nội đồng và hệ thống thủy lợi.
Đoàn giám sát và lãnh đạo UBND huyện Krông Pa đi khảo sát thực tế tại Nhà máy chế biến tinh bột sắn. Ảnh: Vũ Chi |
Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H’Bút đánh giá cao nỗ lực của huyện trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị huyện cần xác định được cây trồng, vật nuôi chủ lực trên địa bàn để chú trọng đầu tư, phát triển; nâng cao hiệu quả mô hình kinh tế tập thể, tăng cường liên kết hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Cùng với đó, huyện cần tranh thủ sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành để thực hiện có hiệu quả hơn mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện trong giai đoạn tiếp theo.
Trước đó, đoàn giám sát đã đi khảo sát thực tế tại Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Chư Gu, Nhà máy Chế biến tinh bột sắn và cánh đồng xã Phú Cần. Tại các điểm khảo sát, đoàn đã nắm tình hình sản xuất, kinh doanh, đồng thời ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, hợp tác xã để trình HĐND tỉnh có hướng hỗ trợ trong thời gian tới nhằm thực hiện tốt hơn mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện và toàn tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.
VŨ CHI