Theo ông Lương Đình Huấn, gia đình ông có hơn 1,9 ha đất sản xuất được UBND huyện Krông Pa cấp từ năm 2004 nhưng từ khi chuyển về khu tái định cư, ông cũng như bao người dân buôn Sai không còn đất sản xuất. Trước khi triển khai dự án, hầu hết các hộ dân 2 buôn Thức, buôn Sai đều được UBND huyện Krông Pa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hẳn hoi.
Để phục vụ sản xuất, nhiều hộ làm thủ tục vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT nhưng sau khi tham gia dự án di dân tái định cư được triển khai, họ không đủ điều kiện trả khoản vay ngân hàng.
Chị Ksor H’Blút có gần 6 sào đất trong đó 1.200 m2 đất thổ cư và được Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cho vay 40 triệu đồng sau khi thế chấp sổ đỏ để mở rộng sản xuất. Nhưng khi về làng mới, gia đình chị không còn đất sản xuất ngoại trừ 400 m2 đất được cấp không có giấy tờ sở hữu để dựng nên một căn nhà nhỏ trú nắng trốn mưa.
Dự án di dân tái định cư 2 buôn Thức và buôn Sai, xã Chư Ngọc là dự án UBND huyện Krông Pa khởi xướng từ năm 2003 với mục đích di dời hơn 60 hộ dân đồng bào Jrai sống ven sông Ba ra khỏi vùng đất thường xuyên bị ngập úng, sạt lở khi thủy điện Sông Ba Hạ chặn dòng. Sau 2 năm vận động, UBND huyện giao cho Phòng Kinh tế, nay là Phòng Nông nghiệp và PTNT thực hiện từ năm 2005 với phương án chính quyền chỉ vận động người dân lấy đất khu vực mới đổi đất khu vực cũ mà không thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Nhưng khi về khu vực làng mới, hơn 50 hộ dân buôn Sai không còn đất sản xuất. Người bị mất vài sào, có người mất cả 5-6 ha. Họ cùng cam chịu cảnh “sổ đỏ có trong tay nhưng không còn đất sản xuất” đành phải bấu víu vào cuộc sống làm thuê, làm mướn trong hơn 5 năm qua.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa cho rằng: Phòng thực hiện dự án này nhưng khi thu hồi đất của dân, UBND huyện Krông Pa giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu và quyết định thu hồi khoảng 60 ha khu vực làng cũ và bố trí một diện tích đất sản xuất tương đương xung quanh khu vực tái định cư. Người dân nhất trí và tạo điều kiện cho chính quyền triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng. Tại khu vực làng mới, người dân tự thỏa thuận với nhau để lấy đất sản xuất.
Tuy nhiên, cũng theo ông Duyên, hiện chỉ có hơn 20 hộ dân thiếu đất sản xuất, xã và huyện đang dự định lấy một phần diện tích đầu nguồn suối 9 để bố trí cho người dân các buôn này nhưng vẫn chưa thể triển khai được.
Xung quanh bức xúc của người dân buôn Thức, buôn Sai, ông Tô Văn Chánh-Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa nhìn nhận: “Việc lấy đất của dân mà không đền bù là chủ trương của UBND huyện Krông Pa trong công tác di dân, tái định cư cho dân 2 buôn ra khỏi khu vực sạt lở, ngập úng. Nhưng khi thực hiện, UBND huyện giao trách nhiệm bố trí đất sản xuất cho người dân theo phương án “lấy đất đổi đất” cho UBND xã Chư Ngọc. Rất có thể, chính quyền cấp xã đã sai khi giải quyết đất cho dân nên gây ra bức xúc kéo dài”.
Thanh Luận