(GLO)- Cây mì là một trong những cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói giảm nghèo của huyện Krông Pa trong những năm qua. Bởi đây là loại cây trồng tương đối phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu tương đối khắc nghiệt, nhất là phù hợp với trình độ canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Hàng năm, tổng diện tích mì mà người dân trên địa bàn huyện gieo trồng dao động trong khoảng 8,5 ngàn ha đến 9 ngàn ha, với tổng sản lượng hàng năm khoảng 180 ngàn tấn mì tươi.
Mô hình trồng mì giống mới KM419 tại xã Phú Cần. Ảnh: Quang Tấn |
Tuy nhiên, thực tế hiệu quả kinh tế trên một diện tích mà loại cây này mang lại chưa cao, cụ thể năng suất mỗi ha mì chỉ dao động từ 20 đến 22 tấn tươi, thấp hơn khá nhiều so với những địa phương khác. Do phần lớn diện tích người dân sử dụng giống mì KM94 và một số giống đã có dấu hiệu thoái hóa, xuất hiện nhiều loại sâu bệnh, cùng với kỹ thuật canh tác của người dân tộc thiểu số trên địa bàn còn lạc hậu, theo kiểu truyền thống dẫn đến năng suất cây mì khá thấp.
Trước tình hình đó vụ mùa năm 2014, Trạm Khuyến nông huyện đã triển khai mô hình trồng mì giống mới KM419 có tưới với quy mô 17 ha cho 17 hộ dân (trong đó có 9 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số) trên địa bàn thị trấn Phú Túc, xã Chư Drăng, Phú Cần, Ia Mlah. Tổng nguồn vốn là 300 triệu đồng, trong đó vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ tỉnh là 200 triệu đồng, vốn sự nghiệp khuyến nông huyện 100 triệu đồng. Các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống KM419, phân bón lót, thuốc bảo vệ thực vật và hỗ trợ tiền dầu để bơm tưới. Ngoài ra, các hộ tham gia mô hình và người dân lân cận được trạm tổ chức tập huấn kỹ thuật xuống giống, chăm sóc cây, cách phát hiện sâu bệnh và phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Ông Kpă Black ở buôn Chính Đơn 2, xã Ia Mlah cho biết: “Được Trạm Khuyến nông hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc nên rẫy mì của gia đình tôi sinh trưởng và phát triển tốt”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ksor Blăk-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Krông Pa cho biết: KM419 đã được trồng thử nghiệm trên địa bàn huyện năm 2013, kết quả cho thấy khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở nơi đây rất tốt, có khả năng kháng nhiều loại sâu bệnh trên cây mì như rệp sáp, chổi rồng… năng suất đạt bình quân từ 40 đến 45 tấn tươi/ha, cao hơn rất nhiều so với các giống khác.
Ngoài ra, với mục đích giúp người dân nắm bắt kỹ thuật thâm canh cây lúa nước, cũng như đưa các loại giống lúa mới cho năng suất cao vào sản xuất thay dần giống lúa địa phương, hàng năm Trạm Khuyến nông cũng dành gần trăm triệu đồng để triển khai các mô hình trình diễn trồng lúa nước. Năm 2014, Trạm đã dành 93 triệu đồng triển khai mô hình thâm canh lúa lai TN15 và mô hình thâm canh lúa thuần TH6 cho người dân trên địa bàn xã Chư Gu và Chư Drăng. Bên cạnh đó, Trạm Khuyến nông huyện còn tiến hành ươm giống điều ghép với quy mô 20.000 cây giống để cấp miễn phí cho người dân trên địa bàn có nhu cầu trồng mới hoặc chuyển đổi những vườn điều kém hiệu quả.
Quang Tấn