Sức khỏe

Krông Pa nỗ lực ngăn chặn bệnh lao trong cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chương trình khám sàng lọc bệnh lao tại các buôn làng do Trung tâm Y tế huyện Krông Pa  (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI), Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh tổ chức đã phát hiện nhiều ca bệnh để điều trị kịp thời, góp phần giảm thiểu nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Nhiều ca bệnh trong cộng đồng
Hơn nửa năm nay, ông Lê Mô Toai (buôn Ma Giai, xã Đất Bằng) phải nghỉ việc nương rẫy để điều trị bệnh lao. Ông Toai cho hay: Ông thường bị ho dai dẳng kéo dài. Mỗi lần như vậy, ông ra Trạm Y tế xã khám và xin thuốc hoặc mua thuốc tại tiệm thuốc Tây về uống nhưng chỉ sau một thời gian, bệnh lại tái phát. Khi tham gia khám sàng lọc, kết quả chụp X-quang cho thấy, phổi của ông bị tổn thương. Sau khi tiến hành xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán ông bị bệnh lao. “Sau gần 6 tháng điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, tôi đã giảm ho. Cũng may trong quá trình điều trị có thẻ bảo hiểm y tế nên được hỗ trợ toàn bộ chi phí. Hiện thuốc ở nhà đã gần hết, tôi sẽ lên Trạm Y tế xã xin thuốc về uống cho khỏi hẳn”-ông Toai bộc bạch.
Do tuổi cao lại bị bệnh lao nên sức khỏe của cựu chiến binh La O Dấc (buôn Ma Giai) ngày một giảm sút. Ông Dấc cho biết: “2 năm nay, tôi thường xuyên ho, tức ngực, khó thở nhưng cũng chỉ nghĩ là bị ho mãn tính. Khi bác sĩ thông báo bị bệnh lao, tôi rất lo lắng. Sau một thời gian điều trị tích cực, sức khỏe tôi đã dần ổn định”.
Chương trình khám sàng lọc tại cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng-chống bệnh lao. Ảnh: Vũ Chi
Chương trình khám sàng lọc tại cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng-chống bệnh lao. Ảnh: Vũ Chi
Ông Kpă Chức (buôn Chính Hòa, xã Ia Mlah) là 1 trong số 5 trường hợp tại xã phát hiện bệnh sau khi khám sàng lọc trong cộng đồng. Nhờ được điều trị kịp thời nên sức khỏe ông đã hồi phục, có thể đi làm lại bình thường. “Được bác sĩ tư vấn, tôi quyết định bỏ hút thuốc lá, ăn uống hợp lý, thường xuyên tập thể dục, hạn chế làm việc nặng để khỏi bệnh. Mặc dù điều kiện gia đình khó khăn, nhà cửa chật chội nhưng vì là bệnh truyền nhiễm nên tôi đeo khẩu trang, sinh hoạt riêng để bảo vệ sức khỏe cho các thành viên trong gia đình”-ông Chức chia sẻ.
Nỗ lực phòng-chống lao
Theo y sĩ Rơ Châm Lộc-cán bộ phụ trách lao xã Đất Bằng: Do điều kiện kinh tế khó khăn cộng với nhận thức chưa đầy đủ nên 4 ca bệnh lao phát hiện qua khám sàng lọc tại xã đều là các ca bệnh trong cộng đồng, ủ bệnh đã lâu. Qua điều tra dịch tễ, không có người thân nào trong gia đình họ bị nhiễm bệnh trước đó. “Ngay sau khi phát hiện ca bệnh, người bệnh đã được cách ly, điều trị liều tấn công ở Trung tâm Y tế huyện trong 2 tháng; sau đó tiếp tục điều trị duy trì tại Trạm Y tế xã 4 tháng. Cán bộ y tế thường xuyên giám sát người bệnh trong thời gian điều trị tại nhà cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn”-y sĩ Lộc thông tin.
Còn chị Rơ Ô H’Hop-cộng tác viên phụ trách lao buôn Chính Hòa thì cho hay: Quá trình điều trị dài ngày đòi hỏi bệnh nhân lao phải kiên trì, tuân thủ nghiêm phác đồ điều trị. Với vai trò cộng tác viên, ngoài việc thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ người bệnh trong quá trình điều trị tại nhà, chị còn thường xuyên tuyên truyền, vận động người bệnh hạn chế tiếp xúc gần với người nhà, đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm cho người khác. Đến thời điểm hiện tại, đa phần ca bệnh đều đã thuyên giảm, chưa phát hiện trường hợp nào kháng thuốc.
Nhờ được điều trị bệnh lao kịp thời, sức khỏe ông Lê Mô Toai (buôn Ma Giai, xã Đất Bằng) đã dần ổn định trở lại. Ảnh: Vũ Chi
Nhờ được điều trị bệnh lao kịp thời, sức khỏe ông Lê Mô Toai (buôn Ma Giai, xã Đất Bằng) đã dần ổn định trở lại. Ảnh: Vũ Chi
Huyện Krông Pa ghi nhận 84 trường hợp mắc bệnh lao, trong đó có 24 trường hợp phát hiện sau khi khám sàng lọc tại cộng đồng ở 3 xã: Đất Bằng, Ia Mlah, Chư Gu. Y sĩ Ksor Đhun-cán bộ chuyên trách phòng-chống lao Trung tâm Y tế huyện-cho biết: Lao là bệnh truyền nhiễm, có thể lây lan từ người sang người thông qua không khí. Khi người bị bệnh lao ho, hắt hơi hoặc khạc nhổ sẽ phát tán vi khuẩn lao vào không khí, người bình thường vô tình hít phải đều có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh. Chính vì vậy, những chương trình khám sàng lọc lao tại cộng đồng đóng vai trò quan trọng giúp sớm phát hiện ca bệnh, hạn chế sự lây nhiễm trong cộng đồng. “Thời gian tới, Trung tâm Y tế huyện tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân hiểu được mức độ nguy hiểm của bệnh lao để chủ động đi khám khi có triệu chứng. Việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời không chỉ giúp giảm chi phí, thời gian điều trị mà còn giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội”-y sĩ Đhun khẳng định.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm