Chính trị

Krông Pa tập trung nguồn lực cho công tác giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cùng với việc thực hiện hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đã huy động mọi nguồn lực cho công tác giảm nghèo và đạt những kết quả bước đầu. Đến thời điểm này, toàn huyện có 688 hộ thoát nghèo, tương ứng tỷ lệ giảm nghèo là 3,23%.

1bg-gia-dinh-ba-rah-lan-pro-lang-enan-xa-ia-rsai-vua-duoc-nha-nuoc-ho-tro-3-con-bo-theo-du-an-tu-chuong-trinh-mtqg-phat-trien-kinh-te-vung-dong-bao-dtts-va-mien-nui-1417.jpg
Bà Rah Lan Prô (buôn Enan, xã Ia Rsai, huyện Krông Pa) chăm sóc đàn bò do Nhà nước hỗ trợ. Ảnh: L.N

Huyện Krông Pa hiện có 21.032 hộ dân, trong đó, hộ dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 67,37%. Qua rà soát, cuối năm 2023, toàn huyện có 2.649 hộ nghèo (2.470 hộ nghèo DTTS) thì đến thời điểm này còn 1.961 hộ (1.852 hộ nghèo DTTS), giảm 688 hộ.

Để đạt được kết quả này, huyện đã triển khai hiệu quả các nguồn vốn từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi nhằm hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất.

Theo đó, các ngành, địa phương đã xây dựng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, hình thành nhóm, tổ cộng đồng để lựa chọn vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất và nhu cầu của hộ nghèo.

Ngoài ra, một số địa phương còn chọn những hộ sản xuất kinh doanh giỏi làm nhóm trưởng để hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hộ nghèo, cận nghèo.

Theo đó, trong 9 tháng năm 2024, các địa phương đã hỗ trợ 1.752 con bò, 251 con dê, 36 con heo cho 638 hộ nghèo, cận nghèo, với tổng kinh phí gần 29,5 tỷ đồng.

Tại xã Ia Rsai, từ nguồn vốn của các chương trình MTQG, xã đã triển khai hỗ trợ 177 con bò cho 52 hộ nghèo, cận nghèo để phát triển kinh tế.

Ông Rơ Lan Thức-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Enan-cho biết: Năm 2024, buôn được UBND xã hỗ trợ xây dựng, triển khai thực hiện Dự án 3 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Sau khi triển khai dự án, tôi được chọn làm nhóm trưởng để hướng dẫn các hộ nghèo, cận nghèo mua và chăm sóc bò sinh sản. Thôn có 8 hộ nghèo được hỗ trợ 24 con bò sinh sản (mỗi hộ được hỗ trợ mua 3 con bò sinh sản với kinh phí 48,5 triệu đồng). Sau khi được hỗ trợ sinh kế, nhờ chăm chỉ làm ăn nên cả 8 hộ đều đã thoát nghèo.

Bà Rah Lan Prô (buôn Enan) vui vẻ nói: “Được Nhà nước hỗ trợ 3 con bò sinh sản và tự mình chọn những con bò ưng ý để mua về nuôi nên tôi mừng lắm. Hiện gia đình tôi đã thoát nghèo”.

Tương tự, từ nguồn vốn của các chương trình MTQG, xã Ia Rmok đã triển khai hỗ trợ 144 con bò sinh sản cho 97 hộ nghèo, cận nghèo để phát triển kinh tế.

Bà Nay Pươi (buôn Bhă Nga) cho hay: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống chỉ trông chờ vào 1,5 sào lúa nước, 5 sào mì. Giờ được Nhà nước hỗ trợ 2 con bò sinh sản, gia đình vui lắm. Tôi sẽ cố gắng chăm sóc bò thật tốt để nhân đàn và phát triển kinh tế”.

Còn ông Ksor An-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bhă Nga thì cho biết: “Buôn có 233 hộ, trong đó hộ DTTS chiếm 96,5%. Trong làng còn 29 hộ nghèo, 56 hộ cận nghèo. Tôi được bà con tin tưởng bầu làm trưởng nhóm, có nhiệm vụ theo dõi, hướng dẫn các hộ nghèo, cận nghèo kỹ thuật chăn nuôi bò.

Đầu tiên, tôi hướng dẫn người dân tìm kiếm và chọn những con bò khỏe mạnh về nuôi. Sau đó, tôi đến từng hộ kiểm tra, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, cách phòng bệnh cho vật nuôi. Hiện nay, đàn bò sinh trưởng và phát triển tốt”.

3them-nam-2024-tu-cac-chuong-trinh-mtqg-xa-ia-rsai-da-trien-khai-ho-tro-177-con-bo-cho-52-ho-ngheo-can-ngheo-de-phat-trien-kinh-te-965.jpg
Năm 2024, từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, xã Ia Rsai đã triển khai hỗ trợ 177 con bò cho 52 hộ nghèo, cận nghèo để phát triển kinh tế. Ảnh: Lê Nam

Ông Ksor Yim-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rmok-thông tin: Xã có 5 thôn, buôn với 1.381 hộ, trong đó hộ DTTS chiếm hơn 97%. Thực hiện các chương trình MTQG, trong đó có dự án hỗ trợ sản xuất theo nhóm cộng đồng, các thôn, buôn đã xây dựng dự án và chủ động mua giống vật nuôi phù hợp với trình độ sản xuất, nhu cầu của từng hộ nghèo.

Các nhóm hộ tham gia dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi đều được tập huấn kỹ thuật nên bà con rất tin tưởng, yên tâm lao động sản xuất. Nhờ vậy, năm 2024, xã có 61 hộ thoát nghèo.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Tiến Đãng-Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-khẳng định: Từ nguồn vốn các chương trình MTQG, huyện đã đầu tư toàn diện, từ xây dựng cơ sở hạ tầng cho đến hỗ trợ sản xuất, giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nhà ở, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân…

Đặc biệt, các dự án hỗ trợ sản xuất đã giúp hộ nghèo, cận nghèo có thêm nguồn vốn và động lực để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

“Thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để phát huy hiệu quả các dự án. Lồng ghép các nguồn lực từ 3 chương trình MTQG để đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất vùng DTTS. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi để người dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế”-ông Đãng nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm