Kinh tế

Giá cả thị trường

Krông Pa: "Thủ phủ" điện mặt trời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những khu vực đất đồi sỏi đá không mang lại giá trị kinh tế về nông nghiệp giờ trở thành “thủ phủ” phát triển nguồn năng lượng tái tạo từ các dự án nhà máy điện mặt trời. Kỳ vọng về những dự án biến nắng thành năng lượng điện đang dần hiện hữu ở vùng “chảo lửa” Krông Pa, Gia Lai.
Khởi công từ tháng 3-2017, Nhà máy Điện mặt trời Krông Pa (Công ty cổ phần Điện Gia Lai) dự kiến sẽ đóng điện nghiệm thu vào tháng 11-2018. Cùng lĩnh vực này, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Năng lượng Thành Nguyên cũng đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng, chọn nhà thầu thi công. Ngoài ra còn có 9 dự án khác đang chờ Bộ Công thương thông qua. Không bao lâu nữa, Krông Pa sẽ trở thành “thủ phủ” điện mặt trời, điều này đồng nghĩa với việc ngân sách địa phương sẽ có thêm một nguồn thu mới đáng kể.
Công trường tấp nập, hối hả
Khác với Pleiku mưa dầm trong nhiều tháng qua, thời tiết ở Krông Pa vô cùng thuận lợi cho việc triển khai thi công dự án. Đã quá trưa, trời nắng như đổ lửa, giữa công trường rộng lớn ở xã Chư Gu, từng tốp công nhân vẫn hối hả với công việc; xe đào, máy xúc làm việc hết công suất; những chiếc xe tải chở vật liệu, đất đá ra vào tấp nập… Bộ phận nào cũng muốn gấp rút hoàn thành từng phần việc của mình để đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo thời gian khánh thành Nhà máy Điện mặt trời Krông Pa. Trên các giá đỡ, hàng ngàn tấm pin năng lượng mặt trời đã được lắp đặt, hàng nối hàng tiếp nhau gần như che phủ cả một quả đồi rộng lớn.
 Các công nhân trên công trình đang đẩy nhanh tiến độ lắp ráp các tấm pin năng lượng mặt trời, đảm bảo dự án hoàn thành theo cam kết với chủ đầu tư. Ảnh: M.N
Các công nhân trên công trình đang đẩy nhanh tiến độ lắp ráp các tấm pin năng lượng mặt trời, đảm bảo dự án hoàn thành theo cam kết với chủ đầu tư. Ảnh: M.N
Gỡ vội chiếc khẩu trang tránh nắng che kín gương mặt đen sạm, anh Nguyễn Hữu Độ-công nhân lắp ráp kết cấu thép (Công ty TNHH JGC Việt Nam-nhà thầu chính triển khai dự án) vừa thoăn thoắt siết từng con ốc, căn chỉnh chính xác vị trí tấm pin trên giá đỡ vừa tranh thủ chuyện trò: “Nắng nóng 35-36 độ như thế này mà ngày nào cũng phải bám sát từng phân đoạn để lắp ráp đảm bảo kỹ thuật, không đen mới lạ”. Không để chúng tôi kịp hỏi, anh Độ chỉ tay xuống khu vực tập trung hàng chục công nhân đang dùng thước đo, xác định vị trí đặt từng tấm pin rồi bảo: “Để lắp hoàn thiện mỗi tấm pin như vậy, chúng tôi phải đặt tiêu chí kỹ thuật lên hàng đầu. Từ nay trở đi, phần việc quan trọng nhất của đội là thi công lắp hoàn thiện tất cả những tấm pin còn lại để kịp tiến độ công trình”.
Đứng làm việc cạnh bên anh Độ, anh Ksor Đới (buôn Mlah, xã Phú Cần, công nhân trong đội lắp ráp) cho biết: Trên địa bàn huyện Krông Pa có nhiều người dân tộc thiểu số làm công nhân ở đây. “Trước khi trở thành công nhân của dự án, chúng tôi được hướng dẫn từ lý thuyết đến thực hành việc căn chỉnh lắp đặt các tấm pin mặt trời như thế nào cho đúng với tiêu chuẩn đưa ra. Có được tay nghề vững vàng, sau này nếu có những công trình về điện năng lượng, chúng tôi sẽ có việc làm, giúp phát triển kinh tế gia đình”-anh Đới phấn khởi nói. 
Theo anh Trần Công Bằng-quản lý an toàn công trình (Công ty TNHH JGC Việt Nam): Thời tiết thuận lợi, được nhà đầu tư, chính quyền địa phương hỗ trợ, các nhà thầu phụ chuyên nghiệp và có nhiều kinh nghiệm từ khâu san lấp mặt bằng cho đến lắp kết cấu tấm pin nên tiến độ thi công ở từng công đoạn đều đảm bảo. Tuy nhiên, quá trình thi công cũng gặp không ít khó khăn do địa hình dốc lại có nhiều đá, khối lượng san gạt mặt bằng khá lớn, máy móc thường xuyên hư hỏng đã ảnh hưởng phần nào đến tiến độ thực hiện dự án. “Với sự nỗ lực hết sức của các nhà thầu, chúng tôi cam kết sẽ đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án theo cam kết với chủ đầu tư”-anh Bằng khẳng định.
Ông Trần Danh Bảo-Phó Trưởng ban Thường trực Dự án Nhà máy Điện mặt trời Krông Pa (Công ty cổ phần Điện Gia Lai) cho biết: Dự án Nhà máy Điện mặt trời Krông Pa có công suất 49 MW gồm 6.970 khung lắp với 209.100 tấm pin mặt trời (loại 330 Wp) được xây dựng mới hoàn toàn trên khu vực đất đồi không canh tác rộng 70,23 ha thuộc địa bàn xã Chư Gu. Tổng công suất lắp đặt được tính toán tối ưu là 69 MWp, tổng vốn đầu tư 1.428 tỷ đồng. Công trình được khởi công vào tháng 3-2017, đến nay, tiến độ trên công trường đạt hơn 70% dự án. Dự kiến, dự án sẽ đóng điện nghiệm thu vào tháng 11-2018 và khai thác thương mại với sản lượng điện vào khoảng 103 triệu kWh/năm. “Công tác giải phóng mặt bằng hầu như không gặp vướng mắc gì. Hàng ngày, các nhà thầu đều báo cáo tiến độ thi công nên thời gian hoàn thành dự án luôn được đảm bảo theo yêu cầu đề ra”-ông Bảo khẳng định.
“Thủ phủ” điện mặt trời
Là một trong những nhà đầu tư quan tâm đến chủ trương của tỉnh về phát triển nguồn năng lượng tái tạo này, bà Bùi Thị Quy-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Năng lượng xanh Vạn Phát (xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa) cho biết, doanh nghiệp đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho phép khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án điện mặt trời trên địa bàn xã Chư Ngọc với công suất 49 MWp. Hiện doanh nghiệp đã hoàn tất hồ sơ, thủ tục và đang chờ Bộ Công thương chấp thuận phê duyệt bổ sung quy hoạch. Theo bà Quy, phần lớn diện tích (khoảng 65 ha) dự án là đất của doanh nghiệp, phần còn lại của địa phương và người dân. Doanh nghiệp đã cam kết với người dân đền bù thỏa đáng theo giá thị trường, đồng thời nhận con em đồng bào dân tộc thiểu số vào làm việc. “Khi có quyết định chấp nhận chủ trương, chúng tôi sẽ triển khai thi công ngay. Đền bù giải phóng mặt bằng đến đâu, chúng tôi sẽ thi công ngay đến đó. Mục tiêu dự án này hướng đến là bình ổn việc cung cấp điện sản xuất cho 4 nhà máy nằm trong tổ hợp của doanh nghiệp rồi mới tính đến việc bán lên lưới điện quốc gia”-bà Quy khẳng định.
Đến thời điểm hiện tại, tiến độ thi công Dự án nhà máy điện mặt trời Krông Pa đã hoàn thành trên 70%
Đến thời điểm hiện tại, tiến độ thi công Dự án nhà máy điện mặt trời Krông Pa đã hoàn thành trên 70%. Ảnh: Minh Nguyễn
Trao đổi với P.V về tiềm năng phát triển các dự án điện mặt trời trên địa bàn huyện Krông Pa, ông Tô Văn Chánh-Chủ tịch UBND huyện-cho rằng: Với điều kiện đặc thù của địa phương và định hướng của tỉnh về phát triển điện năng lượng mặt trời trên địa bàn huyện, đây là hướng đi đúng mang lại hiệu quả kinh tế cao so với các lĩnh vực khác về công nghiệp. Bởi so với thủy điện thì hiệu quả sử dụng đất trên một đơn vị diện tích của điện mặt trời là rất cao. Do vậy, Đảng bộ, chính quyền huyện Krông Pa xem đây là tiềm năng lớn của địa phương và có những chính sách ưu tiên phát triển.
Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho biết thêm, tính đến tháng 7-2018, tỉnh đã cho 17 doanh nghiệp đến khảo sát và lập quy hoạch đưa vào đầu tư dự án phát triển điện mặt trời tại Krông Pa với 19 dự án có tổng công suất trên 1.000 MWp. Trong đó, ngoài dự án của Công ty cổ phần Điện Gia Lai đã triển khai thi công từ tháng 3-2017, dự kiến phát điện vào tháng 11-2018 thì dự án của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Năng lượng Thành Nguyên đang làm công tác giải phóng mặt bằng và ký kết với các nhà thầu triển khai thi công; 3 dự án khác của Công ty cổ phần Điện lực LICOGI 16, Công ty TNHH một thành viên Trang Đức (cùng công suất 49 MWp), Công ty cổ phần Thủy điện Hoàng Anh Tô Na (17 MWp) đang tiếp tục trình Bộ Công thương phê duyệt; 14 dự án khác đang khảo sát, nghiên cứu đầu tư và hoàn tất thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
“Sau khi hoàn thành đưa vào khai thác, dự án Nhà máy Điện mặt trời Krông Pa sẽ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, trước mắt là các dịch vụ kèm theo trong quá trình thi công dự án. Cụ thể là kích thích phát triển dịch vụ ăn ở, đi lại; các dịch vụ hỗ trợ về xây dựng đối với các doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn. Sau khi vận hành, doanh nghiệp còn định hướng thu hút lao động địa phương, cam kết đóng góp về vật chất trong quá trình thực hiện an sinh xã hội, đặc biệt là công tác giảm nghèo; đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới”-ông Chánh khẳng định.
Trong khi đó, ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-khẳng định: Việc liên tục tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” đã thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu đầu tư đối với các lĩnh vực mà tỉnh quan tâm như: nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến và năng lượng tái tạo. Hiện có đến 30 nhà đầu tư đang tìm hiểu, khảo sát, lập dự án đầu tư với quy mô khoảng 3.000 MW (1 MW có mức đầu tư khoảng 25 tỷ đồng) đối với lĩnh vực điện mặt trời, điện gió. Điều này sẽ mang lại giá trị công nghiệp cao, giải quyết việc làm cho người dân, tạo diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn, đồng thời tạo ra nguồn thu ngân sách lớn trong tương lai (dự kiến 1 MW sẽ đóng thuế 150 triệu đồng/năm). “Nếu các dự án được triển khai, lúc bấy giờ, Gia Lai sẽ là thủ phủ phát triển năng lượng tái tạo mà huyện Krông Pa là nơi các nhà đầu tư tập trung các dự án này. Đây cũng là lĩnh vực mà tỉnh mong muốn phát triển trong thời gian tới nhằm tạo sự bứt phá cho việc phát triển kinh tế của địa phương ở lĩnh vực này”-ông Thành cho biết.
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa, dự án Nhà máy Điện mặt trời Krông Pa sẽ đi vào hoạt động, trở thành biểu tượng cho kết quả của việc đẩy mạnh thu hút, kêu gọi đầu tư của tỉnh trong lĩnh vực phát triển năng lượng sạch. Đây sẽ là tín hiệu tốt cho hàng loạt các dự án khác về điện mặt trời tương tự triển khai thi công trên địa bàn tỉnh.
Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm