(GLO)- Krông Pa là địa phương thường bị hạn hán, mưa lũ, gió lốc gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước và người dân. Vì vậy, ngay từ đầu năm, huyện đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó với thiên tai nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Thời tiết diễn biến cực đoan, khó lường
Từ ngày 20-4 đến 19-5, trên địa bàn huyện Krông Pa xuất hiện mưa đầu mùa kèm theo gió lốc làm 16 nhà dân ở thị trấn Phú Túc và một phần chợ Phú Túc bị tốc mái, 24 cột điện trung áp bị gãy đổ, ước thiệt hại hơn 857 triệu đồng. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, các địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống. Đồng thời, Điện lực Krông Pa đã khẩn trương khắc phục sự cố, khôi phục lưới điện để phục vụ người dân. Ông Nguyễn Anh Dũng-Giám đốc Điện lực Krông Pa-cho biết: “Ngay từ đầu mùa mưa, đơn vị đã tiến hành tổng kiểm tra toàn bộ hệ thống lưới điện, đánh giá, phân loại những nơi không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn trong vận hành để khắc phục, thay thế. Nhưng do gió lớn đã làm một số cột điện bị gãy đổ”.
Ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Krông Pa-cho hay: Ngay từ đầu mùa mưa, cơ quan chuyên môn của huyện đã gửi cảnh báo xuống các địa phương để tuyên truyền cho người dân chủ động chằng chống, tu sửa nhà cửa để phòng tránh gió lốc. Tuy nhiên, năm nay, thời tiết có chiều hướng phức tạp hơn, liên tiếp xảy ra mưa kèm theo gió rất mạnh đã làm tốc mái một số nhà dân. “Đến thời điểm này, các hộ dân có nhà bị tốc mái đã cơ bản khắc phục xong, ổn định chỗ ở, an tâm sản xuất. Hiện cơ quan chuyên môn của huyện đang phối hợp với các xã đánh giá chính xác thiệt hại để đề xuất giải pháp hỗ trợ khắc phục theo đúng quy định”-ông Duyên cho hay.
Điện lực Krông Pa khắc phục sự cố điện để phục vụ người dân. Ảnh: L.N |
Ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”
Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, năm 2020, khả năng thiên tai sẽ khốc liệt, phức tạp, khó lường. Dự báo có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Ở khu vực Tây Nguyên, dự báo từ tháng 6 đến tháng 9-2020, lượng mưa có xu hướng gia tăng; đến tháng 10, tổng lượng mưa cao hơn 15-30% so với trung bình nhiều năm và khả năng mùa mưa sẽ kết thúc muộn hơn. Đỉnh lũ trên các sông ở khu vực Bắc Tây Nguyên ở mức cao hơn năm 2019 và xuất hiện vào các tháng 9, 10-2020.
Ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, Phó Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện kiểm tra tình hình và triển khai công tác khắc phụ thiên tai. Ảnh: Lê Nam |
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND huyện Krông Pa đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện cũng như các xã, thị trấn chủ động triển khai các mặt công tác. Ông Rah Lan Baih-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rsươm-cho biết: Ở một số buôn, người dân sống và sản xuất gần sông Ba. Do đó, xã tập trung tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng-chống thiên tai, nhất là vào mùa mưa lũ; chằng chống nhà cửa để phòng gió lốc. Khi mưa lũ, nước sông dâng cao, người dân tuyệt đối không được ra sông tắm hoặc lội qua sông. “Ngoài ra, xã đã xây dựng phương án phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và thành lập đội xung kích. Xã cũng tiến hành cắm biển cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm, dễ sạt lở bờ sông; sẵn sàng ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”; xây dựng phương án sơ tán người dân ở khu vực có nguy cơ rủi ro đến nơi an toàn nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản”-ông Baih nói.
Trao đổi với P.V, ông Đinh Xuân Duyên cho biết: Krông Pa thường chịu ảnh hưởng của một số loại hình thiên tai như: bão, áp thấp nhiệt đới, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, mưa đá, gió lốc. Vì vậy, trong mùa mưa bão, Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp đều thực hiện chế độ thường trực, trực ban và trực chỉ huy 24/24 giờ. “Đồng thời, để triển khai hiệu quả công tác phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cần nâng cao công tác cảnh báo, dự báo nhanh chóng từ Trung tâm dự báo xuống cơ sở, từ huyện xuống xã, từ xã xuống thôn, buôn và đến với người dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ sự nguy hiểm của thiên tai và chủ động phòng tránh”-ông Duyên cho biết thêm.
LÊ NAM