Thể thao

Krông Pa “ươm mầm” tài năng bóng chuyền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từng là “cái nôi” của bóng chuyền dân tộc thiểu số nhưng sau đó, Krông Pa rơi vào khoảng trống về tài năng. Hiện nay, những người đam mê môn thể thao này vẫn âm thầm ươm tài năng trẻ với hy vọng vực dậy phong trào bóng chuyền nơi “chảo lửa”.

Nỗi buồn của Krông Pa

Trong giới bóng chuyền, Krông Pa từng là cái tên đáng gờm. Tại hội thi thể thao các dân tộc thiểu số (DTTS) toàn tỉnh, đơn vị này thường nằm trong tốp đầu, trong đó không ít lần chiếm ngôi vị số 1. Khi ấy, Krông Pa sở hữu một “thế hệ vàng” với những chàng trai buôn Proong, xã Ia Mláh. Nổi bật trong số đó là Ksor Mưa-người từng thi đấu chuyên nghiệp trong màu áo của Đà Nẵng, Đức Long Gia Lai, Quân đoàn 4…

Các em học sinh ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng có niềm đam mê mãnh liệt với bóng chuyền. Ảnh: Văn Ngọc

Nhưng khi Ksor Mưa không duy trì được phong độ, các cầu thủ buôn Proong cũng không còn trong thời kỳ sung mãn, Krông Pa rơi vào khoảng trống không dễ bù lấp. Tại Hội thi thể thao các DTTS toàn tỉnh năm 2023, Krông Pa đánh rơi chức vô địch vào tay một đơn vị mới nổi là huyện Đak Đoa. Tại hội thi năm đó, Ksor Mưa cũng thi đấu khá mờ nhạt trong màu áo của Gia Lai khiến thành tích của chủ nhà bết bát.

Đặc biệt, tại Giải Vô địch Bóng chuyền các DTTS toàn tỉnh lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 10-2023, Krông Pa đã bị loại ngay từ vòng bảng trong giải đấu có 10 đội tham gia. Thất bại này là nỗi buồn khó bù đắp đối với những người làm thể thao ở vùng “chảo lửa”.

Ông Ngô Đức Mạo-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện-cho hay: “Dù đặt mục tiêu cao nhất nhưng bị loại ngay từ vòng bảng khiến chúng tôi rất thất vọng. Các cầu thủ kỳ cựu thi đấu không còn mấy nhiệt huyết, thiếu cống hiến, trong khi các cầu thủ trẻ còn hạn chế về chuyên môn, kỹ thuật và điều kiện cọ xát. Chúng tôi quyết định phải làm lại từ đầu, dù mất thời gian nhưng phải bắt tay gầy dựng từ các cầu thủ trẻ mới mong vực dậy phong trào như khi xưa”.

Gieo mầm tài năng trẻ

Cuối năm 2023, các em học sinh Trường THPT Đinh Tiên Hoàng tham gia tranh tài môn bóng chuyền tại Hội khỏe Phù Đổng toàn tỉnh lần thứ XI. Dù không đạt thành tích cao song màn thể hiện của các em đã để lại nhiều ấn tượng. Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện quyết định chọn chính những vận động viên đang ngồi trên ghế nhà trường để đại diện cho huyện tranh tài ở Hội thi thể thao các DTTS toàn tỉnh năm 2024.

Đội bóng chuyền huyện Krông Pa giành giải ba tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn tỉnh năm 2024. Ảnh: V.N

Đội bóng chuyền huyện Krông Pa tại giải đấu này có đến 10 cầu thủ của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng và 2 cầu thủ của Trường THPT Nguyễn Du. Và ngay trong lần đầu tiên được ra “biển lớn”, các cầu thủ đã giành huy chương đồng, xếp sau Đak Đoa và Ia Pa.

Tại giải bóng chuyền dành cho 10 trường THPT ở khu vực Chư Sê, Chư Pưh và các địa phương khu vực Đông Nam tỉnh, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cũng xuất sắc giành vị trí á quân khi chỉ chịu thất bại đáng tiếc trước Trường THPT Lê Thánh Tông (thị xã Ayun Pa).

Ông Hồ Quốc Việt-Huấn luyện viên trưởng đội bóng chuyền Trường THPT Đinh Tiên Hoàng-cho hay: Thành tích đạt được cho thấy địa phương có bước đi đúng, phản ánh nỗ lực gây dựng phong trào bóng chuyền của nhà trường. Thực tế, người dân các xã Ia Hdreh, Ia Rmok, Chư Drăng, Krông Năng... rất đam mê bóng chuyền. Các em học sinh trong vùng tiếp cận với bóng chuyền từ khá sớm ngay ở bậc THCS, sau đó tiến bộ dần lên.

Ông Ngô Đức Mạo-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa: “Các em học sinh Trường THPT Đinh Tiên Hoàng rất có tiềm năng về bóng chuyền, đặc biệt là tinh thần cống hiến cho màu cờ sắc áo của huyện. Dù các em có thể đi học, làm việc ở nhiều nơi sau đó nhưng đều mong muốn được trở về khoác áo Krông Pa mỗi khi có giải. Chúng tôi mong các đơn vị, doanh nghiệp đồng hành hỗ trợ đội bóng chuyền của huyện để các em yên tâm gắn bó”.

“Các em đã chơi bóng chuyền một thời gian nên đam mê và bộc lộ năng khiếu. Khi bắt đầu vào lớp 10, chúng tôi thường tổ chức giải để tìm những em nổi bật đưa vào đội tuyển của trường bồi dưỡng. Hàng tuần, đội có những buổi tập ở sân bóng của làng. Khi huyện tổ chức giải thì chúng tôi đăng ký cho các em trải nghiệm cọ xát, học hỏi kinh nghiệm. Phần lớn các em là người DTTS. Có những em vì được khơi dậy đam mê bóng chuyền mà năm vừa rồi đã nỗ lực thi đậu đại học ngành thể thao”-ông Việt chia sẻ.

Em Ksor Dương (lớp 12A1) hồ hởi cho biết: “Em rất mê bóng chuyền. Em rất tự hào khi tham gia đội tuyển của huyện, được lên thành phố giao lưu với các đội từ các huyện khác”.

Có thể bạn quan tâm