Chính trị

Krông Pa xây dựng chính quyền thân thiện, gần dân, hiểu dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Xây dựng chính quyền thân thiện, gần dân, hiểu dân là một trong những mục tiêu được huyện Krông Pa đặt lên hàng đầu. Theo đó, người dân trong huyện đã có sự đồng thuận cao, bà con tiếp nhận chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước một cách tự nguyện, từ đó triển khai vào cuộc sống một cách dễ dàng, mang lại hiệu quả thiết thực”-ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-cho biết.

Qua rồi “những ngày thiếu đói”

Năm 1998, tôi có chuyến công tác đầu tiên về huyện Krông Pa. Hai ngày ở đây, anh bạn đồng nghiệp ở Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện đưa tôi đi lang thang mấy xã, dưới cái nắng như đổ lửa. Và, tôi được chứng kiến sự thiếu thốn trong thời điểm giáp hạt của người Jrai nơi đây. Tối ấy về nhà khách huyện, tôi viết phóng sự “Krông Pa, những ngày thiếu đói” đăng trên báo Gia Lai.

Tôi không còn nhớ là năm 1998, buôn Bluk của xã Phú Cần có bao nhiêu nóc nhà, bao nhiêu nhân khẩu. Cái tôi nhớ, đó là những căn nhà sàn thô sơ, nhỏ tí mà ở trong không có vật dụng gì đáng giá ngoài căn bếp lúc nào cũng đỏ lửa như khát vọng mãnh liệt của con người nơi đây.

Bà Ksor Mrui (buôn Bluk, xã Phú Cần) chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: L.G

Bà Ksor Mrui (buôn Bluk, xã Phú Cần) chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: L.G

Và, cái khát vọng ấy bây giờ đã trở thành hiện thực.

Ông Ksor Lik-Trưởng thôn Bluk là một mẫu người đàn ông Jrai điển hình với nước da đen bóng, mái tóc xoăn tít và tính cách dễ gần. Ông cho biết: Buôn Bluk có 222 hộ với 1.022 khẩu. Trong buôn giờ không còn hộ đói, hộ khá giả thì rất nhiều. Hộ nào cũng có nhà xây, nhiều nhà còn sắm cả ô tô để vận chuyển nông sản.

Chúng tôi đi dạo một vòng trong buôn. Quả như lời ông Lik, buôn Bluk có những con đường bê tông ngang dọc, sạch sẽ và thoáng đãng. Bám mặt đường là những căn nhà xây kiên cố với đủ đầy tiện nghi đắt tiền như: xe máy, ti vi, tủ lạnh… Phía sau mỗi căn nhà xây là những mái nhà sàn truyền thống, khói bếp lúc nào cũng len lỏi xuyên qua mái tranh.

Vợ chồng ông Nay Em-bà Ksor Mrui là điển hình của sự thay đổi ở nơi đây. Ông bà có 4 người con, đều đã có gia đình; có 10 đứa cháu nội, ngoại đều đang tuổi đến trường. Ngồi tiếp chuyện chúng tôi, bà Mrui chia sẻ: “Hồi trước, vợ chồng mình nuôi nhiều heo, bò lắm. Giờ già rồi, chia cho con cháu, chỉ để lại 8 con bò với 1 con heo nái để nuôi. Mình thiếu thứ gì thì các con chu cấp thêm”.

Chỉ căn nhà xây khang trang phía trước, bà cho biết: Trước kia, chỗ đó là cái lò sấy thuốc lá. Năm 2013, lò sấy bị cháy, may mà không cháy lan sang ngôi nhà sàn này. Từ đó, ông bà không làm thuốc lá nữa mà xây lên căn nhà này “để cho tụi thanh niên nó tới hát hò trong ấy”. Quả vậy, trong căn nhà xây là dàn karaoke hiện đại mà lúc nào rảnh, con cháu bà lại vào mở máy hát.

Ăn, ở và sinh hoạt chính vẫn là ngôi nhà sàn truyền thống với những hàng cột gỗ vững chãi, vách bằng vỏ cây rừng, mái lợp tranh rất dày hoặc có nhà lợp ngói. Trong đó là bếp lửa hồng cháy quanh năm, ngay trên bếp lửa là cái gác bếp truyền thống với bò khô để dành mỗi khi có khách mang xuống nướng, xé ra chấm với muối kiến, uống với rượu cần thơm đến tận trời xanh…

Tôi theo bà Mrui ra chuồng cho bò ăn. Hôm nay, bà cho bò ăn rau khoai lang tự trồng. Bên cạnh chuồng bò là kho chứa rơm đã được cuộn tròn, dành cho mùa khô thiếu cỏ. Ngay bên cạnh nhà, bà trồng một vạt cỏ cũng để cho bò ăn. “Mùa này trên núi thiếu thức ăn nên thả bò muộn, ở nhà cho ăn thêm. Chiều về cũng cho ăn thêm cỏ và uống nước”-bà Mrui nói.

“Nhờ vào chính sách đúng đắn”

Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Khắc Dương-Chủ tịch UBND xã Phú Cần. Xã có 4 buôn người Jrai với 971 hộ/4.395 khẩu và 2 thôn người Kinh với 613 hộ/2.330 khẩu. Theo ông Dương thì từ những chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, cụ thể là chương trình xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy, UBND xã cùng các đoàn thể đã tuyên truyền sâu sát đến người dân, được bà con tiếp nhận với sự đồng thuận cao.

Theo Chủ tịch UBND xã Phú Cần: Ban đầu, việc đưa các chủ trương, chính sách đến người dân cũng gặp một số khó khăn bởi bà con chưa hiểu biết hết. Theo đó, xã đã tuyên truyền, vận động đến từng thôn buôn, từng hộ gia đình, kết hợp việc bà con nghe đài, xem ti vi, thấy người dân vùng phía Bắc có cuộc sống khấm khá nên dần dà làm theo. “Với đồng bào, phải cầm tay chỉ việc, phải có người làm mẫu. Khi thấy được kết quả, bà con mới tin”-ông Dương cho hay.

Cũng theo ông Dương, phải lấy ngay cán bộ là người địa phương làm nòng cốt. Như trường hợp ông Ksor Quyên-công chức Văn hóa xã trồng 1 ha dưa hấu, lãi khoảng 200 triệu đồng/năm. Hay như trường hợp ông Rơ Châm Loan-nguyên Công an viên trồng thuốc lá vàng cho thu nhập cao… Từ đó, bà con mới tin tưởng và làm theo.

Bên cạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, xã còn triển khai chương trình an sinh xã hội thông qua việc mua bò cấp không cho hộ nghèo. Khi bò sinh sản, bà con bán bớt để trang trải cuộc sống, lo cho con ăn học. Hay như chương trình của huyện hỗ trợ giống cây mì kháng bệnh cho bà con đã mang lại hiệu quả thiết thực, xóa được đói, giảm được nghèo và giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu.

Tác giả (bìa phải) trao đổi với người dân Krông Pa về cách thức giảm nghèo bền vững. Ảnh: Lam Giang

Tác giả (bìa phải) trao đổi với người dân Krông Pa về cách thức giảm nghèo bền vững. Ảnh: Lam Giang

Việc chuyển tải các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân, thực hiện chủ trương “Cán bộ phải gần dân, hiểu dân, lắng nghe dân nói” đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Nếu như năm 2015, xã Phú Cần có trên 50% hộ thuộc diện thiếu đói thì đến năm 2018, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn xã hiện chỉ còn 9% hộ thuộc diện nghèo.

Cũng ở buôn Bluk, bà Rcom Nuy kể: “Ban đầu, cán bộ xuống tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới, mình chưa hiểu nhiều bởi trước giờ quen sống, canh tác theo phong tục địa phương. Sau đó, thấy nhiều hộ canh tác theo phương pháp mới cho năng suất cao, thu về nhiều tiền hơn nên mình bắt chước làm theo”. Bây giờ, nhà bà có 9 con bò, ngoài ra còn trồng mì, thuốc lá nên cuộc sống đã khấm khá hơn nhiều. Con gái của bà đang học năm thứ 3 ngành Sư phạm Mầm non tại Trường Đại học Quy Nhơn.

Tất cả sự đổi thay ấy của người dân đều nhờ vào chính sách đúng đắn. Trên hết là nhờ vào một chính quyền thân thiện với người dân, biết chuyển tải những chính sách đúng đắn ấy đến với người dân, làm cho người dân tiếp nhận một cách tự nguyện, vui vẻ.

Từ chính sách đến cuộc sống

Năm 2023, huyện Krông Pa phấn đấu xã Chư Gu đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2024 phấn đấu xã Chư Rcăm đạt chuẩn và năm 2025 có xã Ia Rsươm, Chư Drăng đạt chuẩn nông thôn mới.

Sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ về nguồn lực của cấp trên cũng như được người dân đồng thuận hưởng ứng, bộ mặt của huyện vùng sâu Krông Pa đã đổi thay từng ngày. Kết quả huy động nguồn lực trong 10 năm qua đạt hàng trăm tỷ đồng bao gồm cả ngân sách trung ương, tỉnh, huyện và các nguồn khác. Đến năm 2023, huyện đã có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15,6%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 43,5 triệu đồng.

Thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn của huyện đã khởi sắc, sạch đẹp hơn, khang trang hơn. Hệ thống kết cấu hạ tầng, kinh tế-xã hội phát triển, thu nhập của người dân được nâng lên. Lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ, nhiều thiết chế văn hóa được đầu tư khá đồng bộ, chất lượng giáo dục-đào tạo tiếp tục được nâng lên, an sinh xã hội được thực hiện tốt. Bên cạnh đó, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố, kiện toàn và hoạt động có hiệu quả; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Chủ tịch UBND huyện Krông Pa Hồ Văn Thảo cho biết: Tất cả chủ trương, chính sách của Đảng, đặc biệt là các chính sách trên lĩnh vực nông nghiệp, người dân đều tiếp nhận một cách phấn khởi. Bởi đây đều là những chính sách gần với dân, có lợi cho dân.

Có thể bạn quan tâm