(GLO)- Lập gia đình và ra ở riêng với hai bàn tay trắng nhưng nhờ cần cù lao động, đến nay, vợ chồng chị Ksor Kríu đã vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá ở làng Breng 3 (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai). Không những thế, với cương vị là Chủ tịch Hội Nông dân xã, chị Kríu còn gương mẫu thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và cống hiến nhiều cho công tác Hội và phong trào nông dân ở cơ sở.
Đi đầu trong phát triển kinh tế
Một ngày cuối tháng 7, chúng tôi có dịp ghé thăm gia đình chị Ksor Kríu. Đưa chúng tôi dạo quanh vườn tiêu và cà phê của gia đình, chị Ksor Kríu vui vẻ giới thiệu: “Vườn tiêu này có tổng cộng 700 trụ được trồng từ năm 2014. Với tình hình tiêu phát triển tốt như thế này, mình ước thu bói sẽ đạt trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, nhà mình còn 2 sào cà phê và 400 trụ tiêu trồng từ năm 2009 đến năm 2012 cũng cho năng suất khá cao, mỗi năm lãi trên 150 triệu đồng”. Để có được thành quả này, chị Kríu đã trải qua rất nhiều vất vả. “Ngày mới ra riêng, vợ chồng mình chẳng có gì ngoài 3 sào lúa rẫy. Để đảm bảo cuộc sống, vợ chồng mình vừa trồng lúa rẫy vừa khai hoang được 4 sào đất. Sau đó, vợ chồng mình vay mượn trồng được 2 sào cà phê, 2 sào còn lại thì bỏ không. Thế nhưng, do không có điều kiện chăm sóc nên năng suất cà phê rất thấp, mỗi năm chỉ thu lãi được 5-6 triệu đồng”-chị Kríu chia sẻ.
Lúc rảnh rỗi, chị Kríu truyền đạt kinh nghiệm trồng tiêu cho hội viên ngay tại vườn cà phê của hội viên. Ảnh: H.T |
Năm 2009, từ 10 triệu đồng vay ngân hàng, chị quyết định đầu tư vào trồng 200 trụ tiêu. Nhờ áp dụng kinh nghiệm sản xuất học được từ các buổi tập huấn, hội thảo đầu bờ, 3 năm sau, 200 trụ tiêu của chị phát triển tốt và cho thu bói 70 triệu đồng. Vợ chồng chị dồn hết số tiền này và vay thêm 15 triệu đồng đầu tư trồng tiếp 200 trụ tiêu. Thấy tiêu phát triển tốt và cho hiệu quả rõ rệt, năm 2014, chị khai hoang thêm 3,5 ha đất và trồng mới 700 trụ tiêu. Giờ đây, vườn tiêu 1.100 trụ của gia đình chị đã cho thu nhập ổn định. Chị Kríu cho biết: “Hồi mới đưa cây tiêu về trồng, dân làng ai cũng nói đất làng mình trồng cây tiêu không hợp và dễ bị bệnh. Bên cạnh đó, bản thân cũng chưa có kinh nghiệm chăm sóc tiêu nên mình lo lắm. Vậy mà giờ đây, vợ chồng mình đã có một vườn tiêu xanh tốt”.
Theo kinh nghiệm của chị Kríu để tiêu phát triển tốt, ít dịch bệnh, cần phải chọn giống tiêu tốt và sử dụng phân vi sinh thay cho phân hóa học. Hơn nữa, cần làm rãnh cho tiêu để tránh được tình trạng lây lan dịch bệnh lúc trời mưa. Học những kinh nghiệm này của chị, nhiều nông dân trong làng cũng bắt tay trồng tiêu. Từ một làng quê quanh năm thiếu đói vì chỉ biết trồng lúa rẫy, đến nay, làng Breng 3 đã có hơn 5 ha tiêu cùng hàng trăm ha cà phê cho năng suất cao.
Nhiệt huyết với công tác hội
Với cương vị Chủ tịch Hội Nông dân xã, chị Kríu tích cực chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho các hội viên, nông dân và vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời, chị vận động hội viên, nông dân mạnh dạn vay vốn từ ngân hàng để đầu tư vào sản xuất. Năm 2015, chị còn kêu gọi hội viên góp quỹ 12.000 đồng/tháng để giúp đỡ hội viên khó khăn về vốn sản xuất. Sau hơn 1 năm triển khai, Hội đã gây quỹ được 45,5 triệu đồng, giúp cho 5 hộ vay đầu tư mua cây, con giống và phân bón sản xuất. Nhờ đó, nhiều hội viên đã khắc phục được khó khăn trước mắt về vốn để đầu tư vào sản xuất có hiệu quả, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Chị Kríu phấn khởi nói: “Toàn xã có 1.447 hội viên nhưng hội viên sản xuất kinh doanh giỏi có đến 250 hộ với mức thu nhập sau khi trừ chi phí đạt 80-300 triệu đồng/năm; hội viên nghèo chỉ còn 101 hộ (chiếm 6,98%)”.
Khi đời sống của hội viên, nông dân được nâng cao, chị Kríu lại vận động mọi người tích cực tham gia các phong trào thi đua do Hội Nông dân các cấp phát động. Theo chia sẻ của chị, để hội viên, nông dân tích cực tham gia các phong trào, cần phải nói cho hội viên, nông dân hiểu được lợi ích mà phong trào mang lại. Bằng lời lẽ tuyên truyền hợp tình, hợp lý, từ năm 2014 đến nay, chị đã vận động hội viên, nông dân trong xã hiến 6.250 m2 đất cùng hàng trăm ngày công lao động và 135 triệu đồng làm đường bê tông nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng. Ông Ksor Dur (làng Blang 2) đã hiến 100 m2 đất ở để bê tông con đường từ trung tâm hành chính xã về làng, chia sẻ: “Thấy chị Kríu vận động hợp tình, hợp lý nên tất thảy bà con đều nghe theo. Từ khi con đường được bê tông, việc đi lại và vận chuyển nông sản của bà con thuận lợi nên ai cũng phấn khởi”.
Với những đóng góp đó, năm 2015, chị Kríu đã được Hội Nông dân tỉnh tặng bằng khen. Nhưng với chị, điều vui nhất là sự tin tưởng của hội viên, nông dân và sự ghi nhận của chính quyền địa phương. “Chị Kríu là một cán bộ Hội năng động, sáng tạo, nhiệt tình và có năng lực trong thực hiện nhiệm vụ công tác Hội. Hàng năm, chị vận động hội viên vào Hội vượt kế hoạch và vận động hội viên, nông dân tham gia các phong trào thi đua có hiệu quả. Chị cũng luôn nỗ lực trong lao động sản xuất, vươn lên làm giàu, xứng đáng là tấm gương sáng cho cán bộ, hội viên và nông dân trên địa bàn học tập”-ông Phan Đình Thắm-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ia Grai, nhận xét.
Hồng Thương