Pháp luật

Tin tức

Kỳ 1: Ẩn họa khôn lường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Càng gần đến Tết, tình trạng buôn bán, vận chuyển và sử dụng trái phép pháo nổ trên địa bàn tỉnh Gia Lai diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, ngành chức năng và chính quyền các địa phương, đặc biệt là các huyện biên giới tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm.
Mặc dù đã đẩy mạnh tuyên truyền, kiên quyết xử lý các hành vi liên quan đến pháo nổ, nhưng tình trạng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo nổ trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra phức tạp. Hoạt động này tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người.
Ám ảnh vì tiếng pháo
Đã 3 năm từ khi con trai bị chấn thương vùng mắt do pháo nổ, anh Đ.V.T. (SN 1986, trú tại huyện Đak Đoa) vẫn còn ám ảnh và dằn vặt. Đêm Giao thừa năm 2018, anh chuẩn bị vài quả pháo hoa để đốt nhân dịp năm mới. Thấy cha đốt pháo, cháu Đ.Q.M. (SN 2016) cũng háo hức đứng cạnh để chờ xem ánh sáng rực rỡ sắc màu. Tuy nhiên, quả pháo không bay thẳng lên trời mà rơi về phía cháu M. rồi phát nổ, khiến mắt cháu bị thương. “Nhìn con mà tôi hối hận vô cùng. Cũng may mắt cháu không bị tổn thương quá nặng. Từ đó đến nay, tôi không dám đụng đến pháo nữa”-anh T. giãi bày.
Hiện nay, một bộ phận người dân vẫn có tâm lý sử dụng pháo nổ để giải trí, thậm chí để… xả xui. Anh B.V.H. (SN 1993, trú tại tổ 3, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) vừa bị xử phạt hành chính 1,5 triệu đồng về hành vi sử dụng pháo trái phép. Anh H. bày tỏ: “Tối 31-12-2020, tôi cùng bạn bè ngồi nhậu. Trong lúc nhậu, mọi người đề nghị đốt thử một quả pháo hoa cho vui. Khi tôi vừa bỏ pháo hoa ra chuẩn bị đốt thì bị lực lượng Công an bắt quả tang. Tôi phải nộp phạt 1,5 triệu đồng vì lỗi vi phạm của mình”.
Một trường hợp nhập viện vì pháo nổ. Ảnh: Văn Ngọc
Một trường hợp nhập viện vì tai nạn pháo nổ. Ảnh: Văn Ngọc
Bác sĩ Dương Thái Thuấn-Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chia sẻ: “Hầu như dịp Tết năm nào cũng có trường hợp nhập viện do pháo nổ. Những năm gần đây, tình trạng chấn thương do pháo có phần gia tăng. Các trường hợp nhập viện đa phần bị chấn thương, gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc dẫn đến cụt tay, mù mắt hoặc nhẹ thì giảm thị lực. Đáng chú ý, không ít trường hợp bị thương là trẻ em. Pháo nổ có sức công phá cao và chính làn khói tỏa ra từ pháo cũng rất độc”.
Theo bác sĩ Thuấn, các trường hợp nhập viện liên quan đến pháo nổ đều tỏ ra rất hối hận vì hành vi của mình. Một số bất ngờ vì pháo lại gây tổn thương lớn đến như vậy. “Ngày 29 Tết năm vừa rồi, chúng tôi đã cứu chữa cho 1 nam thanh niên 29 tuổi bị pháo nổ trong lòng bàn tay gây chấn thương rất phức tạp. 3 ngón tay của bệnh nhân bị cụt hoàn toàn, bàn tay cũng bị biến dạng. Chúng tôi cố gắng chữa trị nhưng bệnh nhân vẫn bị tàn tật suốt đời”-bác sĩ Thuấn cho biết thêm.
Đừng vi phạm vì thiếu hiểu biết
Theo thống kê của Sở Y tế, trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, toàn tỉnh có 19 trường hợp nhập viện do pháo nổ.

Trước tình trạng mua bán và sử dụng pháo diễn ra ngày càng phức tạp, ngày 27-11-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo (Nghị định 137). Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 11-1-2021. Theo Thượng tá Lưu Đình Cảnh-Phó Trưởng Công an TP. Pleiku, hiện nay, một bộ phận người dân vẫn chưa hiểu đúng về các quy định tại Nghị định 137. Trong đó, phần lớn có sự nhầm lẫn giữa quy định về pháo nổ, pháo hoa nổ và pháo hoa.

Nghị định 137 quy định rõ, pháo nổ bao gồm pháo nổ và pháo hoa nổ. Trong đó, pháo nổ là loại pháo có chứa thuốc nổ, khi sử dụng gây ra tiếng nổ. Còn pháo hoa nổ là loại pháo có chứa thuốc nổ, thuốc phóng, thuốc pháo hoa, khi sử dụng sẽ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo hoa nổ thường do lực lượng quân đội sử dụng để bắn vào các ngày lễ, Tết, sự kiện lớn của đất nước và được Chính phủ quy định riêng.

“Loại pháo hoa mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng vào các dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm… thì Nghị định 137 quy định là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp. Khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ. Như vậy, sự khác biệt lớn nhất của pháo hoa so với pháo hoa nổ là không gây ra tiếng nổ, tiếng rít”-Thượng tá Cảnh giải thích.

Lực lượng chức năng đã đẩy mạnh đấu tranh với tội phạm liên quan đến pháo lậu Ảnh Văn Ngọc
Lực lượng Công an đã đẩy mạnh đấu tranh với tội phạm buôn bán, vận chuyển pháo lậu. Ảnh: Văn Ngọc
Từ ngày 15-12-2020 đến nay, Công an TP. Pleiku phối hợp với UBND các xã, phường tổ chức tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh và xe loa lưu động được 260 lượt; tổ chức vận động tập trung thông qua các buổi họp dân được 40 buổi với hơn 5.700 lượt người tham dự; in phát hơn 21.000 tờ rơi tuyên truyền phát tận các hộ dân. Đồng thời, tổ chức ký cam kết không sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, đốt pháo nổ trái phép đến 166 tổ dân phố, thôn, làng, cơ quan, đơn vị, trường học với gần 10.000 gia đình và 10.700 cán bộ, công nhân viên tham gia.
Ông Trần Xuân Thăng-Tổ trưởng tổ dân phố 1 (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) cho hay: “Việc phát tờ cam kết không sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, đốt pháo nổ trái phép đã hoàn thành cách đây khoảng 10 ngày. Ngoài việc cam kết, tổ còn đến các gia đình có người đi làm ăn xa ở vùng biên giới, người làm ăn ở Campuchia, Lào và những gia đình có nam thanh niên để tuyên truyền các quy định liên quan đến Nghị định 137 nhằm giúp người dân hiểu đúng quy định của Chính phủ và không vi phạm”.
Theo ông Lê Hồng Hà-Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh), những vụ việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ trái phép trên địa bàn thời gian vừa qua chủ yếu xảy ra ở khu vực biên giới. Trong kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết, Cục đặc biệt chú trọng đến việc nắm bắt tình hình mặt hàng pháo nổ để cùng phối hợp với các ngành chức năng kịp thời phát hiện và ngăn chặn, không để pháo nổ tuồn ra thị trường. 
Cũng theo ông Hà, người dân cần phân biệt khái niệm pháo hoa và pháo hoa nổ để tránh bị nhầm lẫn. Các loại pháo hoa được phép đốt gồm loại pháo que, pháo phụt, pháo điện… Người dân phải mua pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, còn mua pháo hoa lén lút bán trên thị trường như hiện nay là không đúng quy định của pháp luật.
VŨ THẢO-VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm