(GLO)- L.T.S: Mặc dù đã bước sang tuổi 90 nhưng đồng chí Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, cán bộ lão thành cách mạng, luôn quan tâm dõi theo sự phát triển của tỉnh Gia Lai. Trước thềm Xuân Đinh Dậu 2017, Báo Gia Lai trân trọng giới thiệu bài viết của nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy về những chặng đường phát triển của tỉnh nhà.
Tây Nguyên trong đó có Gia Lai là vùng đất giàu tài nguyên, có nhiều dân tộc cùng sinh sống, có bản sắc văn hóa độc đáo, là địa bàn chiến lược về phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của cả nước. Trải qua hơn 80 năm đô hộ (1858-1945), thực dân Pháp thực hiện chính sách ngu dân, duy trì chế độ lạc hậu để dễ bề bóc lột nhân dân ta. Trong thời kỳ này, ngoài sưu cao, thuế nặng, kể cả thuế thân, người dân không được học hành, không được khám-chữa bệnh, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, có nơi chết trụi cả làng. Chúng cướp đất lập nhiều đồn điền, mộ phu bắt làm xâu để bóc lột sức lao động. Chúng lập bộ máy cai trị từ làng xã đến huyện tỉnh, cùng với hệ thống đồn bốt để kiểm soát dân, lập nhiều nhà tù để giam cầm những ai chống lại chúng.
Ôn lại truyền thống cách mạng tại khu căn cứ cách mạng Krong sáng 16-3-2016. Ảnh: Hồng Thi |
Trước tháng 8-1945, Gia Lai tuy chưa có tổ chức Đảng, Mặt trận, nhưng có nhiều đảng viên Cộng sản bị Pháp bắt giam ở ngục Kon Tum. Một số bị Pháp truy bắt chạy lên lánh nạn ở các đồn điền như: Bàu Cạn, Biển Hồ, Đak Đoa. Số đảng viên này đã tuyên truyền đường lối cách mạng và hướng dẫn nhân dân đấu tranh chống lại sự áp bức bóc lột của thực dân Pháp. Ngoài ra, phong trào đấu tranh tự phát của nhân dân nhiều nơi rất mạnh như: phong trào chống Pháp của Ama Trang Lơng, phong trào Sâm Brâm, phong trào nước Xu, phong trào chống Pháp của Vua lửa (Pơtao Apui).
Tháng 3-1945, sau khi đón tiếp đoàn tù chính trị 72 người từ khu An Trí Đak Tô trên đường đi Quy Nhơn ghé lại Pleiku và An Khê, các anh Huỳnh Ngọc Huê, Lê Văn Hiến, Nguyễn Côn nói về cách mạng Việt Nam và việc Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945. Tháng 4-1945, Đoàn Thanh niên Pleiku, tiếp theo là Đoàn Thanh niên An Khê và Cheo Reo được thành lập. Đây là lực lượng nòng cốt trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 ở Pleiku và Gia Lai. Sau Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, ngày 23-8-1945, Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Gia Lai được thành lập. Ngày 7-11, ta thành lập lực lượng vũ trang tỉnh và ngày 10-12-1945 thành lập Đảng bộ tỉnh.
Nhân dân sống trong độc lập tự do chưa đầy 10 tháng, ngày 26-6-1946, thực dân Pháp tái chiếm Gia Lai và Tây Nguyên. Nhân dân Gia Lai phải chịu sự thống trị của Pháp và trải qua cuộc kháng chiến lâu dài gian khổ, ác liệt, để giành lại quyền độc lập tự do. Sau khi tái chiếm Gia Lai, thực dân Pháp thành lập lại bộ máy cai trị như cũ và nhiều đồn bốt để kiểm soát, dùng lực lượng quân sự, cùng với bọn gián điệp mật thám để truy lùng đánh phá tiêu diệt lực lượng Việt Minh. Trong thời kỳ này, Gia Lai gặp muôn vàn khó khăn, toàn bộ tỉnh do thực dân Pháp chiếm đóng, nhiều đơn vị, kể cả cơ quan lãnh đạo của tỉnh, phải đứng nhờ trên đất Bình Định để chỉ đạo các đội công tác trở lại hoạt động trên đất Gia Lai.
Sau năm 1950, tỉnh Gia Lai hình thành 2 vùng, vùng căn cứ gồm 4 huyện phía Đông là An Khê, Đak Bốt, Plei Kon và Kon Plông. Vùng bị chiếm phía Tây, có 4 đoàn vũ trang xây dựng (trước là Đội Vũ trang tuyên truyền) là đoàn 104, 107, 112 và 118. Mỗi đoàn có khoảng 40 cán bộ, chiến sĩ, trong đó 2/3 hoạt động chiến trường, 1/3 học tập nghỉ dưỡng ở Bình Định để lên thay thế cho số đang hoạt động. Trong thời kỳ này, sự liên lạc giữa Trung đoàn 120 và Tỉnh ủy Gia Kon với các đoàn vũ trang xây dựng chỉ bằng đường bộ 3 tháng 1 lần, riêng năm 1952 đứt liên lạc với đoàn vũ trang xây dựng 118 cả một năm. Đời sống anh em trong các đội vũ trang vô cùng khó khăn, cơm gạo xin trong dân, rau ăn hái trong rừng, cua cá bắt dưới suối, thịt chim thú trong rừng. Lúc địch đi càn, không liên lạc được với cơ sở thì sống bằng măng le, củ rừng. Anh em có mang theo một ít bạc Đông Dương nhưng sử dụng rất khó. Bởi lẽ đồng bào dân tộc thiểu số không sử dụng tiền. Cán bộ mang theo một số đồ trang sức và dụng cụ sản xuất để đổi gạo nhưng chỉ dành cho những nơi cơ sở quá yếu.
Trong thời kỳ này, đồng bào dân tộc thiểu số hầu hết không biết tiếng phổ thông và không biết chữ, nhiều từ liên quan đến cách mạng khó diễn đạt bằng tiếng dân tộc thiểu số. Những năm đầu, đội công tác tiếp xúc cơ sở và dân phải qua phiên dịch. Những năm sau, anh em tự học tiếng và chữ dân tộc thiểu số nên tự giao dịch, thuận lợi và nâng cao hiệu quả công tác. Từ chỗ biết tiếng dân tộc thiểu số, giao dịch với nhiều tầng lớp nhân dân nên nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của nhân dân, hiểu được phong tục tập quán, tạo được tình cảm gắn bó giữa nhân dân với cán bộ cách mạng. Để gần dân và chống lại sự phát hiện từ xa của địch, anh em trong đội vũ trang phải cải trang: mặc khố, mang gùi, có người cắt răng, xỏ tai, để tóc dài.
Về phương thức hoạt động, những năm đầu chưa có kinh nghiệm và rất ít người biết tiếng dân tộc thiểu số nên hoạt động theo phương thức vũ trang tuyên truyền, ban đêm đột nhập vào làng, tập trung nhân dân tại một địa điểm để tuyên truyền. Cách làm này không có chiều sâu, địch dễ phát hiện đánh phá, không phù hợp với phương thức vận động quần chúng vùng địch hậu. Chính phương thức này mà năm 1951-1952, cơ sở vùng Tây đường 14 bị vỡ hàng loạt, nhiều cán bộ, chiến sĩ ta hy sinh.
Từ bài học xương máu đó, đầu năm 1953, ta thay đổi phương thức và nội dung hoạt động, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, phát hiện những quần chúng tốt, xây dựng thành cơ sở mật và thông qua cơ sở để giáo dục tập hợp quần chúng. Theo đó, cán bộ ta rất ít vào làng, có vào cũng chỉ gặp gia đình cơ sở, trừ những làng cơ sở vững mới gặp rộng rãi nhân dân. Sau khi chuyển hướng phương thức hoạt động, phong trào cách mạng có cả chiều rộng, chiều sâu và phát triển vững chắc.
Cán bộ làm công tác vận động quần chúng vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải nắm vững đường lối, chủ trương chính sách, trong đó có chính sách dân tộc của Đảng, nắm vững phương thức hoạt động và có tác phong gần gũi quần chúng. Hiểu biết về tâm lý và phong tục tập quán từng vùng, đồng thời phải biết tiếng dân tộc thiểu số. Xem đó là điều kiện cần có, để làm tốt công tác vận động quần chúng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Quần chúng nhân dân luôn giữ vai trò quyết định, nhưng đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đội ngũ già làng có vai trò rất quan trọng, nắm được già làng là nắm được dân. Nói như vậy không có nghĩa chỉ cần vận động già làng là đủ mà thông qua già làng để tạo thuận lợi vận động nhân dân. Vai trò già làng chẳng những quan trọng trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập mà trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong thời kỳ này, ở Cheo Reo có nhiều nhân sĩ trí thức như cụ Nay Đer, Nay Phin, Rơ Chom Thép, Rơ Chom Briu... đã tham gia cách mạng nên tranh thủ được nhiều người khác cùng tham gia và dễ dàng vận động nhân dân. Ở huyện Chư Ty, thông qua ông Ksor Thăn, ta đã liên lạc được với các huyện trưởng. Cũng từ việc nắm được già làng và phó tổng nên ngày 15-7-1954 ta giải phóng huyện Chư Ty. Nhân lúc bọn lính đồn Chư Ty dao động, ta dùng lực lượng thanh niên bao vây, dùng phó tổng và chủ làng làm môi giới và đưa tối hậu thư buộc tên Đồn trưởng Chư Ty đầu hàng và giao nộp vũ khí. Thế là huyện Chư Ty được hoàn toàn giải phóng. Ta tổ chức mít tinh mừng chiến thắng, nhân dân vô cùng phấn khởi, trước khi Hiệp định Gienève được ký kết.
Sau Hiệp định Gienève 1954, số cán bộ được bố trí ở lại Gia Lai là 134 đồng chí, cùng với 500 đảng viên ở cơ sở. Trong thời kỳ này, Mỹ-Diệm thực hiện nhiều chính sách tàn bạo như: đôn quân bắt lính, lập nhiều đồn bốt, tăng cường hoạt động gián điệp biệt kích, di dân chiếm đất lập các dinh điền, đặc biệt là mở các chiến dịch tố cộng diệt cộng, bắt bớ, tra tấn, tù đày. Ta hoạt động trong điều kiện không có chính quyền và quân đội, chỉ dựa vào sức mạnh đại đoàn kết và đấu tranh chính trị của nhân dân để chống lại địch và bảo vệ lực lượng cách mạng.
Trong thời kỳ này, mỗi huyện chỉ có trên một chục cán bộ thoát ly, nhưng biết bám vào quần chúng, làm tốt công tác vận động cách mạng, phát triển được cán bộ, đảng viên, cốt cán người địa phương và phát động được phong trào đấu tranh chính trị chống địch sâu rộng và quyết liệt, làm thất bại nhiều âm mưu của địch, nhất là âm mưu chống cộng, bảo vệ được thực lực cách mạng.
Năm 1959, thực hiện Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tỉnh thành lập lực lượng vũ trang và kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Sau Nghị quyết 15, phong trào cách mạng ở Gia Lai phát triển rất mạnh. Toàn tỉnh có 6 trung đội vũ trang tập trung và mỗi huyện một trung đội và hàng ngàn du kích. Tỉnh tiến hành cuộc đồng khởi cuối năm 1960 thắng lợi lớn. Mở màn là trận tiêu diệt đồn Ka Nak đêm 23-10-1960, tiếp đến tiêu diệt đồn Plei Bông, ngã ba Kon Dơng, quận lỵ Lệ Thanh, buộc địch phải rút bỏ nhiều đồn bốt khác ở khu 3, 6, 7. Toàn tỉnh đã giành quyền làm chủ 1/2 đất đai, 1/3 dân số với nhiều mức độ khác nhau. Các huyện phía Tây đã hình thành vùng căn cứ lõm, tạo thế đứng chân cho cơ quan lãnh đạo huyện và lực lượng vũ trang.
Từ năm 1961 đến năm 1975, ta huy động cả nhân lực, vật lực và trí lực, nhất là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để giành chiến thắng. Phương châm đấu tranh “2 chân-3 mũi giáp công” được vận dụng linh hoạt sáng tạo để đánh bại các thủ đoạn chiến tranh của địch, tiến tới giải phóng hoàn toàn tỉnh nhà vào ngày 17-3-1975.
Cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ giành độc lập dân tộc là cuộc kháng chiến lâu dài nhất, ác liệt nhất, tổn thất nhiều nhất và thắng lợi to lớn vẻ vang nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Thắng lợi đó do sự lãnh đạo tài tình sáng suốt đầy bản lĩnh và trí tuệ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Sự chiến đấu anh dũng đầy sáng tạo của Quân đội nhân dân Việt Nam và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Kỳ 2: Vì mục tiêu dân giàu, tỉnh mạnh
Ngô Thành
nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy