(GLO)- Phố núi Pleiku có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Tuy nhiên, để ngành “công nghiệp không khói” của địa phương cất cánh, cần phải có sự đầu tư mạnh mẽ và đúng hướng.
Nhắc đến du lịch Pleiku, không ít người thường liên tưởng, so sánh với một số địa phương trong nước và khu vực Tây Nguyên. Thế nhưng, cho dù nơi đâu có những danh thắng nổi tiếng thì tôi vẫn luôn tự hào rằng, Pleiku vẫn có những nét độc đáo của riêng mình với ngọn núi lửa sừng sững Chư Hdrông, hồ Tơ Nưng mênh mông nước biếc.
Với địa thế chiến lược quan trọng, Pleiku không chỉ trấn giữ cửa ngõ khu vực Bắc Tây Nguyên thông với các tỉnh đồng bằng duyên hải miền Trung mà còn án ngữ cả một vùng rộng lớn Đông Bắc Campuchia và Nam Lào.
Sau ngày giải phóng miền Nam-thống nhất đất nước, Pleiku tiếp tục khẳng định vị trí chiến lược quan trọng, đặc biệt là hệ thống giao thông, từ đường hàng không với Sân bay Pleiku nối với nhiều sân bay trong cả nước, đến đường bộ với quốc lộ 25, 19, 14 (nay là đường Hồ Chí Minh), đường 14B và mới đây thêm đường Trường Sơn Đông. Pleiku thực sự là tâm điểm về giao thông của toàn vùng Bắc Tây Nguyên và của cả khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.
Đường Lê Duẩn (TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy |
Sau nhiều thập niên không ngừng xây dựng, mở rộng và chỉnh trang đô thị, Phố núi ngày nay đã hoàn toàn khác xưa. Trước đây, Pleiku là một thị xã nhỏ bé, đầy đất đỏ, quanh đi quẩn lại vài con đường “đi dăm phút đã về chốn cũ”. Xe cộ qua lại hầu hết là xe quân đội và xe lam 3 bánh. Trên con phố “xương sống” Hoàng Diệu (nay là đường Hùng Vương) chỉ có đoạn từ ngã ba Diệp Kính lên đến Bưu điện tỉnh là đông đúc và sầm uất.
Tôi còn nhớ lần đầu lên đây vào tháng 1-1977, Pleiku hãy còn khá hoang sơ. Ấn tượng đầu tiên là con dốc cao hai đầu Hội Phú bồng bềnh trong làn sương chiều và hàng cổ thụ tỏa bóng mát trên đường Trần Hưng Đạo. Đường Lý Thái Tổ vẫn còn hoa dã quỳ ngả bông vàng trên những vạt cỏ dại mọc um tùm hai bên.
Bây giờ thì các con đường: Lê Duẩn, Trường Chinh, Trần Phú, Hai Bà Trưng, Quang Trung, Phạm Văn Đồng… như những đại lộ rộng, thoáng, xanh cây hai bên đường và trên dải phân cách. Thêm con phố mới Nguyễn Tất Thành hiện đại, cũng mắc võng hai đầu nối ngã ba Phù Đổng với ngã ba Hoa Lư. Những khu đất hoang vắng mọc đầy cỏ đuôi chồn ngày xưa giờ là các khu dân cư sầm uất như khu vực đường Lương Định Của, Chu Mạnh Trinh, Lê Quý Đôn, Nguyễn Trung Trực, Ngô Thì Nhậm…
Những năm gần đây, chính quyền thành phố đã cho trồng nhiều cây xanh trên các trục đường, trong công viên và trên các khu đất trống. Tuy nhiên, cần đưa vào các chủng loại cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và tiểu vùng khí hậu của cao nguyên như: sao xanh, xà cừ, long não và nhất là thông 3 lá để không gian đô thị có màu xanh ổn định hơn.
Chưa kể đến các công trình kiến trúc vừa có giá trị thẩm mỹ, vừa phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân như: Quảng trường Đại Đoàn Kết, Công viên Diên Hồng, Công viên Đồng Xanh, bờ kè suối Hội Phú, nét độc đáo mà hiếm nơi nào có được chính là sự hiện diện của những thung lũng-cánh đồng và các ngôi làng đồng bào dân tộc thiểu số trong lòng thành phố như những điểm nhấn đặc biệt của đô thị Pleiku.
Đi từ ngã tư Biển Hồ vào trung tâm thành phố theo 3 trục đường: Phạm Văn Đồng, Lê Đại Hành, Ngô Quyền, chúng ta gặp các cánh đồng: cầu số 3, cánh đồng phường Tây Sơn phía dưới đường Phan Đình Phùng, cánh đồng Cầu Sắt, Cách Mạng Tháng Tám, cánh đồng phía đường Nguyễn Thiếp, cánh đồng Trà Bá, cánh đồng Trà Đa... với ruộng lúa, vườn rau xanh, cây ăn quả, hoa… tạo khoảng không gian xanh mát cho khu dân cư ken dày bê tông, xe cộ qua lại ồn ào bên trong. Các làng đồng bào nằm trong lòng thành phố như: làng Ốp, Pleiku Roh, Kép, Bruk Ngol, Chuét 1 và 2, Ngol Tă… là một phần quan trọng trong cấu trúc của không gian đô thị và tạo cho Phố núi một sắc thái riêng, ấy là sự giao thoa giữa các nền văn hóa với nhau.
Từ nhiều thập kỷ qua, trong các ngày lễ hội, âm thanh cồng chiêng, đàn t’rưng vẫn vang lên rộn ràng cả không gian Phố núi. Người dân Pleiku quen với hình ảnh những người phụ nữ Jrai, Bahnar hàng ngày đeo gùi vào chợ hoặc thi thoảng dạo trên các con phố bán những sản phẩm làm ra từ vườn của mình như rau xanh các loại, gia cầm và mua các mặt hàng phục vụ sinh hoạt gia đình và sản xuất nông nghiệp.
Pleiku là một đô thị có bề dày lịch sử đang trên đà phát triển, năng động mà vẫn không quá ồn ào, náo nhiệt. Điều đáng yêu nhất của Pleiku là Phố núi chập chùng vẫn mưa triền miên mùa hè mà luôn yên ả những sáng cuối thu, chiều đông, hàng phố ẩn hiện trong mù sương lãng đãng làm biết bao lữ khách không khỏi xao xuyến bước chân khi có dịp đến đây.
THANH PHONG