Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Kỳ 1: Ra đời cùng toàn dân kháng chiến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- L.T.S: Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2014), kể từ số báo hôm nay chúng tôi trân trọng giới thiệu loạt bài viết và biên soạn theo chủ đề này dựa theo Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Lịch sử Đảng bộ Gia Lai và tài liệu tuyên truyền 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam do Tổng cục Chính trị phối hợp với Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành tháng 10-2014.

Sự ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân-đội quân chủ lực đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944)-một quân đội kiểu mới, quân đội của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục và rèn luyện.

 

Ngày 22-12-1944, tại Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân làm lễ thành lập.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930), Đảng ta đã quán triệt sâu sắc học thuyết Mác-Lênin về bạo lực cách mạng của giai cấp vô sản. Chính vì vậy, sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, ngày 22-12-1944, tại Nguyên Bình (Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập theo chỉ thị của Bác Hồ, với 34 người, biên chế thành 3 tiểu đội, do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng.
 

Luận cương chính trị của Đảng (tháng 10-1930) chỉ rõ: “Vũ trang cho công nông”, “lập quân đội cho công nông” và “tổ chức ra đội tự vệ công nông”. Trong phong trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô-viết-Nghệ Tĩnh, từ lực lượng khởi nghĩa của công-nông, Đội tự vệ công nông (Tự vệ Đỏ) đã ra đời. Đó là nền tảng đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam.

Đến tháng 4-1945, hợp nhất Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân và các tổ chức vũ trang khác thành lập Việt Nam giải phóng quân. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc đoàn, năm 1946 đổi thành Quân đội quốc gia Việt Nam; đến năm 1950, đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 22-12-1944 được lấy làm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thành lập chưa được bao lâu, quân đội ta đã đánh thắng hai trận đầu, làm nòng cốt cùng toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1944-1945. Lúc 17 giờ, ngày 25-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt và 7 giờ hôm sau, 26-12-1944 lại tiếp tục đột nhập vào đồn Nà Ngần (Nguyên Bình, Cao Bằng), diệt và bắt sống toàn bộ binh lính của địch (kể cả hai tên đồn trưởng), thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng. Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần đã mở đầu cho truyền thống đánh chắc, thắng chắc, đánh thắng ngay trận đầu ra quân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tháng 8-1945, chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn cuối, thời cơ để nhân dân Việt Nam vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền đã đến. Theo chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ, Việt Nam giải phóng quân cùng lực lượng vũ trang các địa phương và nhân dân cả nước triệu người như một tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 19-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang thủ đô cùng với hơn 10 vạn nhân dân Hà Nội xuống đường đấu tranh, tổ chức mít tinh, khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền thắng lợi.

Giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội đã cổ vũ và thúc đẩy mạnh mẽ quân và dân các địa phương trong cả nước nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân. Trong một thời gian ngắn, chính quyền do nhân dân làm chủ đã được thành lập từ trung ương đến các địa phương. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình-Hà Nội, 50 vạn nhân dân Hà Nội đã mít tinh chào mừng Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, mở đầu một kỷ nguyên mới-kỷ nguyên độc lập dân tộc Việt Nam.

Chúng ta vô cùng tự hào có một quân đội anh hùng, của một dân tộc anh hùng, chỉ mới ra đời chưa được bao lâu, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng đã vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng trong điều kiện vô cùng khó khăn trên nhiều lĩnh vực… thế mà đã cùng với nhân dân, làm chỗ dựa cho nhân dân, làm nên cuộc khởi nghĩa Tháng Tám long trời lở đất, lật đổ chế độ cũ, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

Chúng ta đã biết, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân, đế quốc trong gần một thế kỷ, lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế mấy ngàn năm, nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập tự do và dân chủ. Đảng ta từ hoạt động bí mật, bất hợp pháp trở thành một đảng cầm quyền. Thắng lợi này có sự đóng góp to lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam, một đội quân vừa thành lập đã anh dũng hy sinh chiến đấu và tuyệt đối trung thành với nhân dân, với Đảng!

(Còn nữa)
Bích Hà

Có thể bạn quan tâm