Kỳ 2: Còn nhiều bất cập

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Mặc dù ngành chức năng và các địa phương quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhưng tình trạng rác thải vứt bừa bãi và chưa được xử lý đúng quy trình vẫn còn tồn tại gây ô nhiễm môi trường.
Rác thải tràn lan
Hiện nay, TP. Pleiku vẫn còn tồn tại các bãi rác thải tự phát hoặc vương vãi dọc 2 bên một số tuyến đường. Tại đường Nguyễn Trung Trực có 1 điểm tập kết rác tự phát đã tồn tại nhiều năm gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.
Ông Lê Văn Duyệt (tổ 5, phường Hội Phú) bức xúc: “Cứ sáng mở mắt ra là thấy rác tập kết ngay trước nhà. Riêng điểm tập kết rác đầu đường thì tồn tại đã lâu. Nhiều hôm, có hộ còn chở cả xe tải nhỏ tới đổ với đủ loại rác rất ô nhiễm. Mặc dù Công ty cổ phần Công trình đô thị Gia Lai nhiều lần cho xe tới chở rác đi nơi khác xử lý nhưng rồi đâu lại vào đó. Chúng tôi mong các ngành chức năng có phương án xử lý quyết liệt hơn hành vi đổ rác không đúng nơi quy định nhằm xử lý “điểm đen” rác thải này, giúp bà con có môi trường sống trong sạch hơn”.
Mặc dù đã được xử lý nhưng người dân vẫn lén đổ trộm rác tại đường Nguyễn Trung Trực gây ô nhiễm môi trường. Ảnh Hồng Thương
Người dân vẫn lén đổ trộm rác tại đường Nguyễn Trung Trực (TP. Pleiku) gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Quang Tấn
Tại ngã ba đường Nguyễn Bá Ngọc-Lý Chính Thắng cũng xuất hiện điểm tập kết rác tự phát khiến người dân nơi đây bức xúc. Ông Võ Hồng Khánh (63 Lý Chính Thắng) cho hay: “Người dân nơi khác tới đây đổ trộm rác rồi hình thành điểm tập kết tự phát. Dần dần, nơi đây nghiễm nhiên được xem là điểm tập kết thu gom rác của Công ty cổ phần Công trình đô thị nên tiếp tục tới đổ rác. Thậm chí, nhiều người còn vứt rác bừa bãi chứ không bỏ gọn vào một góc. Bản thân tôi mỗi sáng đi tập thể dục đều phải nhặt rác bỏ vào một bên đường để đỡ vương vãi gây mất vệ sinh”.
Hệ số phát thải chất thải rắn sinh hoạt trung bình ở khu vực các huyện là 0,35 kg/người/ngày; đối với khu vực thành phố, thị xã là 0,8 kg/người/ngày; ước tính lượng chất thải rắn sinh hoạt toàn tỉnh là 727,96 tấn/ngày. Tại các đô thị trung tâm của 17 huyện, thị xã, thành phố đều có đơn vị chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt, chất thải rắn phát sinh. Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom năm 2020 đạt 95%.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Ngà-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Công trình đô thị Gia Lai-cho biết: Để đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn TP. Pleiku, Công ty đã tăng cường thêm phương tiện kỹ thuật, xe máy để nâng cao năng lực thu gom, vận chuyển rác thải, hạn chế thời gian xe rác thu gom tập kết lâu trên đường phố; tổ chức kiểm tra chặt chẽ chất lượng công tác thu gom rác thải; phối hợp chặt chẽ hơn với UBND các xã, phường trong công tác tuyên truyền người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, giao rác đúng giờ và đúng nơi quy định.
Tuy nhiên, tình trạng vứt rác không đúng thời gian thu gom của Công ty vẫn xảy ra phổ biến, nhất là các tuyến đường có mật độ dân cư buôn bán đông đúc như: Hùng Vương, Phan Đình Phùng, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ… Một số tuyến đường khác cũng thường xuyên xảy ra tình trạng vứt rác bừa bãi dọc 2 bên đường gây ô nhiễm cục bộ và mất cảnh quan đô thị như: Lê Đại Hành, Lê Thánh Tôn, Lý Nam Đế, Lý Chính Thắng. Rác thải xây dựng nhà ở do các xe tải loại nhỏ thường xuyên đổ bừa bãi ở ven các tuyến đường như: Hoàng Sa, Trường Sa, cuối hẻm 220 Lê Duẩn giáp Nguyễn Chí Thanh, Cao Bằng…
Người dân vứt rác bừa bãi bên quốc lộ 14-đoạn qua xã Ia Băng (huyện Chư Prông). Ảnh: Hồng Thương
Người dân vứt rác bừa bãi bên quốc lộ 14-đoạn qua xã Ia Băng (huyện Chư Prông). Ảnh: Hồng Thương
Không chỉ ở khu vực thành thị, tại những vùng nông thôn, tình trạng vứt rác bừa bãi cũng đang là thực trạng đáng báo động. Dọc tuyến quốc lộ 14-đoạn qua địa bàn xã Ia Băng (huyện Chư Prông) không khó để bắt gặp những bãi tập kết rác thải sinh hoạt nằm ngay 2 bên lề đường. Đặc biệt là tại khu vực thôn Phú Mỹ, hàng ngàn túi ni lông, bao tải chứa đầy rác thải sinh hoạt, thậm chí cả xà bần, thủy tinh, chai thuốc trừ sâu, xác động vật… vương vãi khắp nơi.
Theo ông Trần Quyết Thắng-Chủ tịch UBND xã Ia Băng, nguyên nhân là do trên địa bàn chưa có đơn vị thu gom, xử lý rác thải. Những năm qua, xã đã vận động người dân tự đào hố chứa rác tại nhà để xử lý. Tuy nhiên, ở một số thôn có mật độ dân cư đông đúc như: Phú Mỹ, Phú Tân… không có đất để làm hố rác nên người dân đem rác sinh hoạt đổ ra các bãi tập kết trên quốc lộ 14.
“Đa phần người dân lén lút đem rác đổ vào ban đêm nên việc ngăn chặn và xử lý rất khó. Để xử lý ô nhiễm, thời gian qua, UBND xã huy động lực lượng tổ chức thu gom, xử lý bằng cách đốt tại chỗ nhằm hạn chế sự ùn ứ rác tại những điểm này. Về lâu dài, xã tuyên truyền, vận động người dân hợp đồng với Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển môi trường Viwaseen-Phương Hướng để tiến hành thu gom rác thải trên địa bàn xã”-Chủ tịch UBND xã Ia Băng cho hay.
Ngay ngã ba Phú Mỹ (xã Ia Băng, huyện Chư Prông) dù có bảng cấm đổ rác nhưng người dân vẫn vô tư bỏ rác tại đây gây ô nhiễm môi trường. Ảnh Quang Tấn
Ngay ngã ba Phú Mỹ (xã Ia Băng, huyện Chư Prông) dù có bảng cấm đổ rác nhưng người dân vẫn vô tư bỏ rác tại đây gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Quang Tấn

Ô nhiễm từ các bãi rác lộ thiên
Ông Lê Tấn Hiếu-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Prông-thông tin: Bãi rác của huyện rộng 0,7 ha nằm tại làng Phìn, thị trấn Chư Prông. Mỗi ngày, bãi rác này tiếp nhận 15 tấn rác. Bãi rác này đang nằm trong danh mục bãi rác lộ thiên gây ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân là rác chỉ được xử lý bằng phun chế phẩm sinh học và đốt nên vẫn gây mùi hôi ảnh hưởng tới môi trường. Bên cạnh đó, bãi rác không lót đáy nên tình trạng nước từ rác rỉ ra gây ô nhiễm môi trường đất và ô nhiễm nguồn nước. Hiện bãi rác này cũng sắp đầy. Vì thế, huyện đã quy hoạch 1 bãi rác rộng 2 ha nhưng chưa có kinh phí để xây dựng.
Thành phố Pleiku là một trong số ít địa phương có bãi rác xử lý bằng hình thức chôn lấp hợp vệ sinh tại xã Gào. Trung bình mỗi ngày, bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt này tiếp nhận khoảng 167 tấn rác thải. Tại đây, rác thải được chôn lấp, phun men vi sinh giúp đẩy nhanh quá trình phân hủy cũng như phun hóa chất chống ruồi, côn trùng. Tuy nhiên, bãi rác được đưa vào vận hành từ lâu nên đến nay tất cả các hố đã đầy.
Để xử lý khối lượng rác thải sinh hoạt khổng lồ, giữa năm 2020, thành phố tiến hành cải tạo hố chôn lấp số 2 để mở rộng phạm vi chôn lấp nhằm xử lý tạm thời. Mặt khác, bãi rác không có hệ thống xử lý nước rỉ từ rác mà chỉ dồn vào một hồ chứa lót bạt. Sau một thời gian hoạt động, nhất là khi trời mưa hồ chứa không đảm bảo khiến nước rỉ chảy tràn ra bên ngoài, gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Toàn tỉnh có 4 lò đốt rác trên địa bàn 3 huyện nhưng vẫn không thể đốt hết lượng rác phát sinh ở địa phương
Toàn tỉnh có 4 lò đốt rác nhưng vẫn không thể đốt hết lượng rác phát sinh. Ảnh: Hồng Thương
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 30 bãi rác. Các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chủ yếu xử lý theo hình thức chôn lấp, một số xử lý bằng lò đốt. Hầu hết là bãi rác lộ thiên, chưa được đầu tư, xử lý đúng quy trình nên gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Bà Lê Thị Hồng Quyên-Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho hay: Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường có nhận được một số phản ánh về tình trạng đổ bỏ rác thải không đúng quy định tại TP. Pleiku, dọc tuyến quốc lộ 14, đường Hoàng Sa, đồi thông Ia Dêr (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) và một số địa phương khác như Mang Yang, Ia Grai... Tuy nhiên, tỉnh ta đang gặp nhiều khó khăn về việc đầu tư kinh phí xử lý cải tạo, phục hồi môi trường các bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt, đầu tư các bãi chôn lấp hợp vệ sinh, lò đốt rác.
 
QUANG TẤN-HỒNG THƯƠNG