Kinh tế

Kỳ 2: Phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phát triển ngành công nghiệp chế biến được xác định là 1 trong 3 trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh Gia Lai. Đây là giải pháp tối ưu nhằm nâng cao giá trị, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương; qua đó, thúc đẩy việc hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ phát triển bền vững.
Thu hút nhiều dự án chế biến nông sản
Gia Lai có lợi thế phát triển các loại cây nông nghiệp với quy mô lớn như: cà phê diện tích hơn 97.000 ha, cao su hơn 88.000 ha, hồ tiêu hơn 14.000 ha, mì 77.000 ha, cây ăn quả 18.500 ha, điều gần 20.000 ha, mía 34.000 ha, lúa 74.000 ha, bắp 49.000 ha… Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến của tỉnh.
Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã có nhiều chính sách, giải pháp tích cực thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến phục vụ cho xuất khẩu nông sản như: xây dựng các cơ chế chính sách thu hút đầu tư để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, đổi mới công nghệ sơ chế, bảo quản, chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị cho hàng nông sản địa phương. 
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng lãnh đạo tỉnh Gia Lai phát lệnh xuất phát xe chở hàng xuất khẩu cà phê sang thị trường châu Âu theo Hiệp định EVFTA. Ảnh: Đức Thụy
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng lãnh đạo tỉnh Gia Lai phát lệnh xuất phát xe chở hàng xuất khẩu cà phê sang thị trường châu Âu theo Hiệp định EVFTA. Ảnh: Đức Thụy
Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: “Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh xác định sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hình thành các vùng cây trồng tập trung đã tạo nguồn nguyên liệu ổn định để các nhà máy chế biến phát huy công suất thiết kế, tạo ra các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Việc phát triển công nghiệp chế biến nông sản đã góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành nhiều mô hình phát triển theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm như chuỗi sản xuất cà phê, mía đường, mì, rau quả... Hiện đã có các nhà máy chế biến nông sản với công suất lớn đi vào hoạt động, phát huy được công suất thiết kế, tạo ra các sản phẩm chủ lực”.
Hiện nay, hầu hết các loại cây trồng chủ lực đều gắn với các nhà máy chế biến. Ví dụ như vùng nguyên liệu mía gắn với 2 nhà máy đường với tổng công suất 24.000 tấn mía cây/ngày; cà phê gắn với 82 cơ sở sản xuất, chế biến cà phê có tổng công suất 5.800 tấn/năm; hồ tiêu gắn với 3 nhà máy và các cơ sở chế biến, sơ chế có tổng công suất trên 10.000 tấn/năm; điều gắn với 5 nhà máy chế biến hạt điều nguyên liệu có tổng công suất 15.600 tấn nguyên liệu/năm; mì gắn với 5 nhà máy chế biến tinh bột mì có tổng công suất 950 tấn thành phẩm/ngày; cao su gắn với 15 cơ sở, nhà máy sản xuất chế biến mủ có tổng công suất 88.000 tấn/năm; cây ăn quả và rau gắn với 1 trung tâm chế biến rau quả công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm…
Bên cạnh đó, một số nhà máy chế biến gạo, chế biến thực phẩm sắp đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết ổn định đầu ra cho sản xuất cũng như gia tăng giá trị cho sản phẩm qua chế biến, tạo ra các thương hiệu nông sản chủ lực của địa phương. 
Gia tăng giá trị cho nông sản
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên: “Việc nâng cao giá trị gia tăng cho hàng nông sản thông qua con đường chế biến sẽ giúp ngành nông nghiệp địa phương tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã tạo cơ hội cho mặt hàng nông sản chinh phục thị trường EU-một thị trường yêu cầu rất khắt khe về chất lượng sản phẩm. Đây là cơ hội cũng như thách thức không nhỏ cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất và chế biến”.

Các nhà máy chế biến nông sản đi vào hoạt động từng bước hình thành mối liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp với người dân thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã, nông hội; góp phần ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Gia đình ông Lê Hữu Anh (thôn Tân Lập, xã Trang, huyện Đak Đoa) có 7 ha cà phê đã tham gia liên kết sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C qua tổ hợp tác xã Trang được hơn 3 năm. Lợi ích và hiệu quả kinh tế mang lại thấy rõ khi năng suất cà phê tăng vượt trội.

“Khi vào tổ hợp tác, tôi được tham gia rất nhiều lớp tập huấn về canh tác cà phê 4C, như được hướng dẫn quy trình sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất và chất lượng; được hỗ trợ vật tư, phân bón; sau thu hoạch sản phẩm được bao tiêu đầu ra với giá cao hơn giá thị trường. Tham gia vào chuỗi liên kết, người sản xuất còn biết cách sử dụng vật tư, phân bón đúng cách, tránh lãng phí và giảm thiểu thuốc bảo vệ thực vật gây hại cho người trực tiếp sản xuất và môi trường”-ông Lê Hữu Anh nói.

Ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-cho hay: Lợi thế lớn nhất của doanh nghiệp là liên kết được với nông dân và hợp tác xã sản xuất cà phê bền vững, trách nhiệm, thân thiện môi trường. Hiện doanh nghiệp đang cùng các tổ hợp tác và nông dân sản xuất cà phê chất lượng cao có chứng nhận quốc tế như 4C, Rainforest, UTZ. Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp sản xuất cà phê Organic đầu tiên tại Việt Nam được các tổ chức Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc công nhận. 
Sơ chế bắp tại Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy
Sơ chế bắp tại Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy
Theo ông Đinh Cao Khuê-Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), doanh nghiệp là đơn vị tiên phong có mối liên kết gắn bó với người nông dân từ sản xuất nông nghiệp, đến công nghiệp chế biến và xuất khẩu rau quả. Qua 1 năm hoạt động trên địa bàn, các tổ hợp nhà máy chế biến với dây chuyền hiện đại bậc nhất Việt Nam đã sản xuất ra một lượng lớn sản phẩm chế biến với nhiều dòng, nhiều loại sản phẩm khác nhau. Sản phẩm của công ty đã có mặt trên hơn 60 quốc gia, chinh phục được các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và đặc biệt là thị trường châu Âu.
Ông Khuê cho biết: “Công ty kỳ vọng sẽ mang về kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 100 triệu USD/năm, tổng doanh thu hàng năm đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 100-150 tỷ đồng/năm. Qua đó, sẽ xây dựng và hình thành chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; tạo thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn lao động tại địa phương”.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đánh giá, ngoài một số doanh nghiệp lớn có nhà máy chế biến hiện đại thì ngành công nghiệp chế biến nông sản ở tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế như: hầu hết các cơ sở chế biến quy mô nhỏ lẻ, mới chỉ sơ chế và xuất bán nguyên liệu thô, chưa đi vào chế biến sâu nên giá trị gia tăng chưa cao, tổn thất trong nông nghiệp còn nhiều; mối liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản được thực hiện chưa nhiều, thiếu tính đồng bộ nên chưa mang tính bền vững.
“Sắp tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục rà soát những diện tích cây trồng kém hiệu quả để chuyển dần sang trồng cây ăn trái và dược liệu, trong đó kết hợp trồng xen giữa cây dài ngày và ngắn ngày để nâng cao hiệu quả thu nhập trên một đơn vị diện tích. Mũi nhọn của ngành nông nghiệp vẫn là thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu; đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến kết hợp với các biện pháp về tổ chức sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho hàng nông sản”-ông Đoàn Ngọc Có cho biết thêm. 
Với định hướng phát triển giai đoạn 2021-2025, ngành chức năng sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách trong triển khai đồng bộ những giải pháp đảm bảo vùng nguyên liệu để các nhà máy chế biến hoạt động ổn định và phát huy công suất thiết kế; cải thiện môi trường đầu tư; mở rộng hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ.
Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho hay, ngành công thương sẽ tiếp tục nâng cao giá trị và đưa những sản phẩm chủ lực vào các thị trường lớn để xuất khẩu; đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng cao hiệu quả công tác thông tin, dự báo về các thị trường xuất khẩu trọng điểm để đưa hàng hóa nông sản đã qua chế biến thâm nhập vào các thị trường lớn.
NHÓM PHÓNG VIÊN

Có thể bạn quan tâm