Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Kỳ 3: "Chín năm làm một điện biên..." (*)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Liên tục từ những năm 1950 trở về sau, trên khắp các chiến trường, chiến dịch trong nội địa cũng như biên giới, quân và dân ta đã giành thắng lợi to lớn, lực lượng vũ trang ngày một trưởng thành trong chiến đấu. Cùng với đó là cục diện chiến tranh ở Đông Dương thay đổi, tương quan so sánh lực lượng có lợi cho ta. Đảng ta quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954.

Quyết định trên là đúng đắn! Khắp các chiến trường, từ Lai Châu, Trung-Hạ-Thượng Lào, Đông Bắc Campuchia, Tây Nguyên... quân ta đồng loạt tấn công vào sào huyệt của giặc, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn, làm phá sản kế hoạch Nava. Xuất phát từ tình hình thuận lợi ấy, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ (ngày 6-12-1953). Và, giữa tháng 3-1954, sau nhiều tháng chuẩn bị, quân đội ta đã nổ súng mở đợt tiến công lần thứ nhất vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
 

Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp quyết định chủ trương tác chiến Đông Xuân. Ảnh tư liệu

17 giờ 30 phút, ngày 7-5-1954 ta đã chiếm được sở chỉ huy của địch, tướng Đờ-cát và toàn bộ Bộ tham mưu bị bắt giữ. Sau 56 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân dân ta đã đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Hàng chục ngàn tên giặc Pháp bị tiêu diệt và bắt sống, thu hàng vạn tấn vũ khí, quân trang, quân dụng, bắn rơi, phá hủy nhiều xe, pháo... Chiến thắng này đã giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh giữa ta và địch; đồng thời trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Chiến thắng Điện Biên Phủ-một chiến thắng vĩ đại, với tầm vóc quốc tế, nó góp phần lật nhào chế độ thực dân cũ trên toàn thế giới. Nhà thơ Tố Hữu trong "Hoan hô chiến sỹ Điện Biên"- “như reo lên” khi tin thắng trận bay về...

“Tin nửa đêm/Hỏa tốc hỏa tốc/Ngựa bay lên dốc/Đuốc cháy sáng rừng/Chuông reo tin mừng”...

 

Trong thắng lợi vẻ vang của dân tộc, quân đội ta đã góp phần xứng đáng như lời tuyên dương của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong phiên họp lần thứ tư (khóa I) năm 1955: “Quân đội nhân dân Việt Nam đã chiến đấu hết sức anh dũng trong những hoàn cảnh vô cùng gian khổ, đã lập được những chiến công rực rỡ, ghi vào lịch sử kháng chiến vĩ đại của dân tộc những trang sử oanh liệt nhất, do đó đã đưa cuộc kháng chiến của dân tộc ta đến thắng lợi to lớn ngày nay”.

Giương cao ngọn cờ “Quyết chiến, quyết thắng” mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao, quân đội ta cùng với toàn dân bước tiếp sang một chặng đường chiến đấu oanh liệt mới!

Cuộc kháng chiến chống giặc Pháp kéo dài ba ngàn ngày, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng sau 56 ngày đêm, bởi vậy nhà thơ Tố Hữu không quên nhắc lại bao ác liệt của đạn bom quân thù, bao gian lao mà anh dũng của chiến sĩ, đồng bào, sức hy sinh chịu đựng vô biên của những người lính Cụ Hồ...

... “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/Chiến sĩ anh hùng/Đầu nung lửa thép/Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng/Chí không mòn”...

Và khẳng định với kẻ thù rằng, không những chỉ với giặc Pháp trong mỗi trận Điện Biên Phủ và mỗi cuộc chiến tranh xâm lược này không thôi, mà đồng thời cũng khẳng định dân tộc Việt Nam, dân tộc luôn yêu chuộng hòa bình, nhưng cũng là một dân tộc không chấp nhận hòa bình mà không có độc lập, tự do, dân chủ thật sự, trọn vẹn...

... “Trời không của chúng bay/...Đất không của chúng bay/...Của ta trời đất đêm ngày/Núi kia, đồi nọ, sông này của ta/Chúng bay chỉ một đường ra/Một là tử địa, hai là tù binh”.

... “Thực dân, phát xít/Đã tàn rồi!/Tổ quốc chúng tôi/Muốn độc lập hòa bình trở lại/Không muốn lửa bom đổ xuống đầu con cái...”.

Rồi đây nữa, trong “Ba mươi năm đời ta có Đảng”, nhà thơ, nhà chính trị Tố Hữu lại tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bằng... thơ: “Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”!


*
Trong giai đoạn này, chúng ta cũng cần trở lại sự kiện chiến thắng Đak Pơ tại Gia Lai. Đây là một trận đánh được coi là trận Điện Biên Phủ ở miền Nam trong thời kỳ chống Pháp, góp phần quan trọng buộc Pháp nhanh chóng ký kết Hiệp định Giơnevơ. Theo một số tài liệu chúng tôi có được thì Binh đoàn cơ động 100 của Pháp rời căn cứ An Khê lúc 3 giờ ngày 24-6-1954 đi về hướng Pleiku. Đội hình Binh đoàn gồm tiểu đoàn dã chiến 43 đi đầu, tiểu đoàn khinh quân 520 đi cùng đại đội thiết giáp và cơ quan chỉ huy Binh đoàn, tiếp đó là Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 1 Triều Tiên. Mỗi tiểu đoàn đều được tăng cường 1 đại đội pháo 105 mm.

Về phía ta, Trung đoàn 96 triển khai xung quanh khu vực cây số 15 mở màn trận đánh lúc 14 giờ 20 phút bằng hỏa lực dữ dội của súng cối, không giật, phóng bom và súng máy bắn chính xác vào đội hình của Binh đoàn 100. Ngay trong những phút đầu, các xe thông tin và thiết giáp đã bị phá hủy và cả 3 sĩ quan cao cấp nhất của Binh đoàn 100 bị loại khỏi vòng chiến đấu. Không quân Pháp chi viện không hiệu quả vì khoảng cách hai bên quá gần nhau. Quân Pháp phải co cụm phòng thủ và tiếp tục bị hỏa lực và bộ binh Trung đoàn 96 của ta tấn công gây thêm nhiều thương vong. Đến khoảng hơn 19 giờ, ta đã hoàn toàn làm chủ trận địa và đập tan toàn bộ Binh đoàn cơ động 100 của địch. Tuy vậy, để làm nên chiến thắng lẫy lừng này, hơn 147 cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn 96 và các đơn vị của ta đã anh dũng hy sinh.


Chiến thắng Đak Pơ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Đánh và tiêu diệt gọn Binh đoàn cơ động 100 thuộc loại mạnh nhất của lực lượng viễn chinh Pháp ở Triều Tiên mới về là một trận vận động phục kích lớn, dũng cảm và linh hoạt với hiệu quả cao, đánh trúng vào chỗ yếu kém của địch, bồi thêm cho chúng một đòn thất bại nặng nề…”. Đặc biệt, chiến thắng Đak Pơ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi, Bác viết: “Các chú hoạt động có thành tích khá, Bác vui lòng thay mặt Chính phủ khen ngợi các chú…”.

(Còn nữa)
Bích Hà

* Thơ: Tố Hữu

Có thể bạn quan tâm