(GLO)- Bên cạnh việc quy hoạch lại vùng nguyên liệu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đưa cây thuốc lá nâu vào thay thế dần cây thuốc lá vàng hiện nay, di dời các lò sấy thuốc lá ra khỏi khu dân cư… thì các ngành và địa phương cần quyết liệt tìm kiếm nguồn nguyên liệu làm chất đốt thay thế cho các lò sấy thuốc lá. Đây chính là những điều kiện cần thiết để cây thuốc lá phát triển bền vững, trở thành cây trồng chủ lực đem lại thu nhập cao cho người dân vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai.
Tìm nguồn nguyên liệu thay thế
Bước vào mỗi vụ thu hoạch, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các chủ lò sấy ký cam kết không sử dụng củi rừng tự nhiên để sấy thuốc lá cũng như xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thì cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng khuyến khích nông dân chuyển đổi nhiên liệu đốt. Một trong những giải pháp được chính quyền địa phương, các doanh nghiệp đưa ra là trồng rừng lấy củi.
Chị Nguyễn Thị Bình (buôn Lúk, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) tiên phong trong việc đưa cây bạch đàn trồng xung quanh bờ rào và đất đồi dốc để lấy củi phục vụ lò sấy thuốc lá. “Cách đây 4 năm, tôi đã quyết định đầu tư trồng hơn 5 sào bạch đàn quanh vườn nhà. Nhờ vậy, vụ thuốc lá này, tôi không phải chạy đôn chạy đáo tìm kiếm củi cho lò sấy thuốc lá. Vụ này, tôi chỉ tốn khoảng 5 triệu đồng mua 3 tấn than củi ép từ vỏ trấu để đốt kèm với củi bạch đàn sẵn có”-chị Bình cho hay.
Theo ông Trần Thế Chanh-Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Cần, trên địa bàn xã hiện có khoảng 300 ha thuốc lá vàng. Để chủ động nguồn nhiên liệu cho lò sấy thuốc lá, nhiều hộ dân đã đầu tư trồng cây bạch đàn tại khu vực hàng rào, bờ ao, triền dốc...
Cây bạch đàn trồng khoảng 4-5 năm thì có thể thu hoạch làm chất đốt. Cây sau khi chặt vẫn mọc lại nên chỉ cần đầu tư trồng một lần là có thể sử dụng lâu dài. Do đó, người trồng thuốc lá vàng nên đầu tư trồng rừng lấy nguyên liệu làm chất đốt nhằm giảm chi phí đầu tư, nhất là trong điều kiện nguồn củi rừng tự nhiên bị cấm sử dụng.
Than củi ép từ vỏ trấu là nguyên liệu thích hợp để người dân sử dụng sấy thuốc lá thay thế cho củi rừng tự nhiên. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
3 năm trở lại đây, ông Ksor Thuyên (buôn Jứ, xã Ia Broăi, huyện Ia Pa) chọn than củi ép từ vỏ trấu được sản xuất tại thị xã Ayun Pa để làm chất đốt cùng với củi điều, thay thế nguồn nguyên liệu củi rừng tự nhiên như trước đây.
Ông Thuyên chia sẻ: “Việc sử dụng than củi ép từ vỏ trấu đốt xen với củi điều không những giảm chi phí so với củi gỗ tự nhiên mà thuốc lá sau khi sấy có màu vàng đẹp hơn. Than củi cháy rất mạnh nên khi đốt chung với củi điều (tỷ lệ 60% than củi, 40% củi điều), nhiệt độ vẫn giữ ổn định không khác gì củi gỗ tự nhiên. 3 vụ sấy vừa rồi, gia đình tôi không còn sử dụng củi gỗ rừng tự nhiên nữa mà chuyển hẳn sang dùng loại than củi này và củi điều có sẵn nên chi phí sản xuất giảm đáng kể, lợi nhuận tăng lên”.
Ông Đào Hồng Tư-Giám đốc Công ty cổ phần Hòa Phú Gia Lai-cho biết: Cơ sở sản xuất than củi từ vỏ trấu của Công ty bước đầu mang lại hiệu quả, phù hợp với các địa phương có nguồn nguyên liệu phế phẩm nông nghiệp lớn ở vùng Đông Nam tỉnh. Lượng than củi làm ra của Công ty đã phần nào giải quyết được vấn đề nhiên liệu tại chỗ, thay thế cho củi rừng tự nhiên, nhất là tại các lò sấy thuốc lá trên địa bàn, góp phần bảo vệ môi trường. Trong năm 2020, Công ty đã cung cấp khoảng 670 tấn than củi làm từ vỏ trấu cho người dân vùng Đông Nam tỉnh sấy thuốc lá.
“Than củi làm từ vỏ trấu khi đốt không gây ô nhiễm môi trường và không gây hại đến sức khỏe con người. Loại than này có giá thấp hơn so với nguyên liệu truyền thống như: than đá, củi. Đồng thời, sản phẩm này còn giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính”-ông Tư thông tin.
Than củi ép từ vỏ trấu của Công ty cổ phần Hòa Phú Gia Lai (thị xã Ayun Pa) là một trong những giải pháp góp phần bảo vệ rừng và môi trường. Ảnh: Quang Tấn |
Bên cạnh việc tìm nguồn nhiên liệu thay thế, việc tuyên truyền, vận động người dân di dời các lò sấy thuốc lá ra khỏi khu dân cư cũng là một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Theo ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa, để xây dựng vùng nguyên liệu đốt thay thế thì cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động người trồng thuốc lá, doanh nghiệp đầu tư trồng cây phân tán.
Còn ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện thì cho biết: “Huyện đang tuyên truyền, vận động người dân không xây mới các lò sấy thuốc lá trong khu dân cư, đồng thời di dời các lò sấy cũ ra xa. Về phía Phòng, chúng tôi tham mưu UBND huyện tính toán quy hoạch khu xây dựng lò sấy tập trung ở xa khu dân cư để tiện cho việc quản lý, hạn chế ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, ngành cũng sẽ làm việc với các doanh nghiệp thuốc lá đầu tư cho nông dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học nguy hại, khuyến khích sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhằm bảo vệ tốt hơn sức khỏe của người dân cũng như môi trường, nguồn nước”.
Khuyến khích phát triển cây thuốc lá nâu
Nhiều người trồng thuốc lá ở khu vực Đông Nam tỉnh cho rằng, trồng cây thuốc lá vàng đòi hỏi kỹ thuật canh tác cao, vốn đầu tư lớn. Trong khi đó, trồng thuốc lá nâu không đòi hỏi nhiều vốn, không tốn củi, lò sấy và công chăm sóc cũng đơn giản hơn. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa mặn mà với cây thuốc lá nâu.
Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện, cây thuốc lá nâu chiếm 10% tổng diện tích thuốc lá. Nếu trồng thuốc lá vàng thì phải mất 40 triệu đồng tiền củi sấy/ha/vụ, chi phí xây lò sấy khoảng 100 triệu đồng, ngoài ra còn công tưới nước, canh lò sấy… nên chi phí lớn hơn việc trồng thuốc lá nâu. Chúng tôi khuyến khích nông dân trồng loại thuốc này để giảm chi phí, hạn chế ô nhiễm môi trường và tình trạng chặt củi rừng để đốt lò.
Trồng thuốc lá nâu góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
2 năm trở lại đây, ông Trần Trọng Hiếu-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp-Dịch vụ Phú Cần đã chuyển sang trồng thuốc lá nâu. Ông Hiếu chia sẻ: Hiện nay, Hợp tác xã có 24 thành viên, đa phần là người dân tộc thiểu số, diện tích thuốc lá nâu là 20 ha. So với trồng thuốc lá vàng thì loại thuốc này không mất nhiều công chăm sóc, thu hoạch và sấy, không đòi hỏi kỹ thuật cao, diện tích lớn hay nhỏ đều trồng được. Cùng với đó, chúng tôi đã ký hợp đồng bán sản phẩm cho các đối tác với giá 33-35 ngàn đồng/kg. Mỗi héc ta thu được 3-4 tấn nên nông dân lãi 70-90 triệu đồng/vụ. Khi thu hoạch, các gia đình có thể tranh thủ nhân công xâu ghim để phơi khô nên giảm chi phí rất nhiều.
Ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Để giải quyết vấn đề nguyên liệu đốt cho các lò sấy thuốc lá, Sở đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ lò sấy hiện đại sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng điện. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, nhiều công ty thu mua thuốc lá đã ký hợp đồng cung cấp cây giống, phân bón và hỗ trợ các hộ 5 triệu đồng để trồng thuốc lá nâu. Sản phẩm người dân làm ra sẽ được công ty bao tiêu. Tuy nhiên, tại vùng Đông Nam tỉnh mới chỉ có gần 300 ha thuốc lá nâu, chiếm gần 10% diện tích cây thuốc lá.
Những năm gần đây, cây thuốc lá nâu được các doanh nghiệp khuyến khích người dân trồng vì không ảnh hưởng đến môi trường, chi phí đầu tư thấp. Cùng với đó, nếu trồng thuốc lá vàng, người dân phải trồng tối thiểu 1 ha để đảm bảo nguyên liệu cho lò sấy. Còn với thuốc lá nâu, người dân có thể trồng từ 1 sào trở lên vì chỉ cần phơi khô là có thể đem bán. Chính vì thế, cây thuốc lá nâu đang được nông dân lựa chọn.
Anh Ksor Phí (buôn Suối Cẩm, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa) chia sẻ: “Do không đủ vốn và kỹ thuật để trồng thuốc lá vàng nên mình trồng 1 ha thuốc lá nâu. Đến thời điểm này, diện tích thuốc lá đã bắt đầu thu hoạch. Dự kiến, với 1 ha thuốc lá nâu, mình sẽ lãi hơn 75 triệu đồng. Năm sau, mình sẽ tiếp tục trồng loại thuốc lá này vì cho thu nhập khá hơn nhiều loại cây trồng khác”.
Để cây thuốc lá phát triển ổn định, bền vững và không ảnh hưởng đến môi trường, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã có những định hướng. Ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Đối với địa bàn Đông Nam tỉnh, thuốc lá vẫn là cây trồng khá quan trọng. Tuy nhiên, chúng tôi đã khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích.
Cùng với đó, Sở cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân và các doanh nghiệp thu mua thuốc lá cần triển khai các giải pháp để bảo vệ môi trường, tuyệt đối không dùng củi rừng tự nhiên để sấy thuốc lá. Đồng thời, chỉ đạo ngành chuyên môn các địa phương tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi sang trồng các cây khác có hiệu quả kinh tế cao như: cây dược liệu, cây ăn quả gắn với tiêu thụ sản phẩm.
VĨNH HOÀNG-QUANG TẤN