Sống trẻ - Sống đẹp

Hoạt động Đoàn - Hội - Đội

Cán bộ Đoàn: Trăn trở từ cơ sở

Kỳ cuối: Gỡ “nút thắt” để cán bộ Đoàn yên tâm cống hiến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực tiễn công tác cán bộ Đoàn cơ sở hiện nay đòi hỏi cấp ủy, chính quyền địa phương và Đoàn cấp trên cần nhìn nhận, đánh giá thực chất công tác Đoàn, phong trào thanh niên trong bối cảnh mới. Đồng thời, xây dựng lộ trình tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng và luân chuyển cán bộ phù hợp để giúp họ yên tâm công tác, cống hiến.

Khơi thông “đầu ra”

Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc tạo nguồn và luân chuyển cán bộ Đoàn cơ sở sau khi hết độ tuổi, ông Đoàn Bảy-nguyên Bí thư Huyện ủy Chư Păh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh Đoàn-cho rằng, cấp ủy, chính quyền địa phương phải xác định cán bộ Đoàn là nguồn kế cận tin cậy của Đảng, chính quyền và Mặt trận, đoàn thể. Từ đó, chú trọng quy hoạch, định hướng từ sớm để cán bộ Đoàn tự tin phát huy năng lực, sở trường và cũng tạo động lực, niềm tin cho thế hệ kế cận tiếp tục rèn luyện, phấn đấu. Cùng với quy hoạch là công tác đào tạo. Trung ương Đoàn, Tỉnh Đoàn cần rà soát và dựa trên đặc thù của từng địa phương để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, chú trọng kỹ năng tập hợp ĐVTN, xử lý tình huống thay vì lý thuyết suông.

Cũng liên quan đến giải pháp, ông Đoàn Bảy nêu thêm đề xuất về việc tăng kinh phí cho hoạt động Đoàn với lý do: “Công tác Đoàn, phong trào thanh niên cần những hoạt động bề nổi để tập hợp, thu hút đoàn viên, thanh niên”. Hiện nay, mức khoán kinh phí cho hoạt động Đoàn cơ sở chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng. Số tiền ấy chỉ để duy trì một số hoạt động thường xuyên, còn muốn tổ chức các hoạt động giao lưu giữa các chi đoàn, Đoàn xã phải đề xuất, tham mưu cấp ủy hoặc vận động các nguồn lực. Không duy trì các hoạt động phong trào đồng nghĩa với việc đoàn viên, thanh niên không có môi trường tốt để rèn luyện và cấp ủy, chính quyền địa phương cũng khó đánh giá, xây dựng cán bộ kế cận.

Nhóm cựu cán bộ Đoàn cơ sở TP. Pleiku kết nối, gặp gỡ tổ chức chương trình tặng quà cho học sinh khó khăn ở phường Thắng Lợi. Ảnh: Phan Lài

Nhóm cựu cán bộ Đoàn cơ sở TP. Pleiku kết nối, gặp gỡ tổ chức chương trình tặng quà cho học sinh khó khăn ở phường Thắng Lợi. Ảnh: Phan Lài

Về phía mình, nhiệm kỳ 2017-2022, tổ chức Đoàn các cấp trong tỉnh đã đề xuất để 484 cán bộ được cử đi đào tạo về chuyên môn, 444 cán bộ được cử đi đào tạo về lý luận chính trị; 8.879 lượt cán bộ Đoàn được tham gia các lớp bồi dưỡng công tác Đoàn-Hội-Đội. Thông qua đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ Đoàn đã từng bước chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Đến cuối tháng 2-2023, toàn tỉnh có 211 bí thư Đoàn cấp xã, trong đó 115 người có trình độ trung cấp lý luận chính trị, 49 người có trình độ sơ cấp lý luận chính trị. Về chuyên môn, 2 người có bằng thạc sĩ, 115 người tốt nghiệp đại học, 27 người tốt nghiệp cao đẳng, 63 người có bằng trung cấp và 4 người tốt nghiệp THPT.

Cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức Đoàn cấp trên đã quan tâm, bố trí cán bộ Đoàn là người dân tộc thiểu số. Trong số 93 bí thư Đoàn cấp xã là người dân tộc thiểu số thì 35 người có trình độ đại học, 11 người có trình độ chuyên môn cao đẳng, 44 người có trình độ chuyên môn trung cấp và 3 người tốt nghiệp THPT.

Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Thị Giang Thảo (ở giữa) trao đổi, lắng nghe ý kiến của cán bộ Đoàn các cấp. Ảnh: Phan Lài

Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Thị Giang Thảo (ở giữa) trao đổi, lắng nghe ý kiến của cán bộ Đoàn các cấp. Ảnh: Phan Lài

Theo Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Thị Giang Thảo, để đảm bảo nguồn cán bộ Đoàn cơ sở kế cận, thời gian tới, Tỉnh Đoàn tiếp tục chỉ đạo các tổ chức Đoàn chủ động tạo nguồn, phát hiện các nhân tố tích cực thông qua phong trào xung kích tình nguyện. Trong đó, đặc biệt chú trọng nguồn kế cận là đối tượng sinh viên sau tốt nghiệp trở về địa phương; cán bộ trẻ đang công tác trong các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp; quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự; đoàn viên ưu tú trong phong trào của Đoàn…

Trao đổi về việc khuyết các chức danh bí thư Đoàn xã cũng như “đầu ra” cho cán bộ Đoàn cơ sở, Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết: “Tỉnh Đoàn đã chủ động tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy quan tâm, chỉ đạo cấp ủy cơ sở tạo điều kiện luân chuyển công việc cho cán bộ Đoàn sau khi trưởng thành. Các tổ chức Đoàn đã và đang tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền, các ngành chức năng trong tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, luân chuyển, điều động, nhận xét, đánh giá, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ Đoàn các cấp, đặc biệt quan tâm giải quyết “đầu ra” cho cán bộ Đoàn chuyên trách đã hết tuổi”.

Tại huyện Ia Pa, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Minh Trưởng thông tin: Huyện ủy đã chỉ đạo cấp ủy địa phương chú trọng công tác quy hoạch, tuyển chọn để bồi dưỡng, tạo nguồn kế cận cán bộ Đoàn cơ sở. Đồng thời, chủ động sắp xếp, bố trí “đầu ra” từ trước để theo dõi, nhận xét, đánh giá, bảo đảm phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn.

Thúc đẩy phong trào, tạo nguồn kế cận

Trong lúc chờ đợi những giải pháp căn cơ nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách đối với cán bộ Đoàn cơ sở thì một số tổ chức Đoàn đã và đang nỗ lực đổi mới nội dung, hình thức thúc đẩy phong trào Đoàn, tạo nguồn cán bộ kế cận.

Với suy nghĩ “học hỏi cái tốt của nhau và giúp nhau khắc phục những hạn chế, khuyết điểm để cùng tiến bộ”, năm 2020, anh Nguyễn Như Quang-Phó Bí thư Huyện Đoàn Ia Grai, chủ nhân Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2022 đã thành lập Câu lạc bộ “Cán bộ Đoàn nòng cốt ở xã Ia Sao”.

Đúng như tên gọi, 10 thành viên của Câu lạc bộ gồm Bí thư, Phó Bí thư Đoàn xã; bí thư các chi đoàn và một số là đảng viên, bộ đội xuất ngũ có tâm huyết với Đoàn. Định kỳ hàng tháng, Câu lạc bộ tổ chức họp để trao đổi, thống nhất về chương trình, hoạt động cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai công tác Đoàn-Hội-Đội tại địa phương.

“Ý kiến đóng góp của các thành viên giúp ích rất nhiều trong triển khai, thực hiện các phong trào Đoàn tại địa phương. Sắp tới, Huyện Đoàn tổ chức cho cán bộ Đoàn các xã, thị trấn đến tham gia sinh hoạt cùng Câu lạc bộ để trải nghiệm và vận dụng nhân rộng”-anh Quang chia sẻ.

Đội ngũ cán bộ Đoàn khi tham gia các trại huấn luyện đều phải trải qua nhiều thử thách vào ban đêm. Ảnh: Phan Lài

Đội ngũ cán bộ Đoàn khi tham gia các trại huấn luyện đều phải trải qua nhiều thử thách vào ban đêm. Ảnh: Phan Lài

Tại huyện Kbang, đầu năm 2023, Huyện Đoàn chỉ đạo các tổ chức Đoàn trực thuộc phụ trách, kết nghĩa với chi đoàn thuộc các Đoàn xã, thị trấn để hướng dẫn, tạo sự kết nối và qua đó trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Đồng thời, phân công, giao nhiệm vụ cho các Ủy viên Ban Chấp hành Huyện Đoàn hỗ trợ các chi đoàn yếu kém từ việc tổ chức, duy trì 1 buổi sinh hoạt cho đến hoạt động giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao; hướng dẫn, góp ý giúp các bí thư chi đoàn xử lý khó khăn, vướng mắc; kết nối các nguồn lực để hỗ trợ nhau...

“Các hoạt động được triển khai theo hình thức “1 kèm 1” nhằm tạo mối quan hệ lâu dài, bền chặt và có chiều sâu giữa các đơn vị. Hoạt động này góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt của các chi đoàn cũng như kỹ năng của các “thủ lĩnh” thanh niên”-chị Đinh Thị Toại-Bí thư Huyện Đoàn Kbang-cho hay.

Để thúc đẩy công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, nhiệm kỳ 2022-2027, Tỉnh Đoàn đã đặt ra các nhiệm vụ và giải pháp như: tiếp tục triển khai thực hiện chủ trương 1+2 (mỗi cán bộ Đoàn đi cơ sở ít nhất 2 tháng/năm) gắn với thực hiện “Ngày cơ sở” đối với cán bộ Đoàn các cấp; cử cán bộ tham gia tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đoàn-Hội-Đội hàng năm; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn có bản lĩnh chính trị, năng lực, đạo đức, tiền phong, gương mẫu, trung thực, trách nhiệm.

Đặc biệt, đội ngũ cán bộ trưởng thành từ Đoàn với tâm huyết, trách nhiệm vẫn luôn đồng hành, sẵn sàng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với đội ngũ cán bộ Đoàn. Ông Nguyễn Giang Nam-Phó Chủ tịch UBND phường Phù Đổng, nguyên Bí thư Đoàn phường Thống Nhất, Trưởng nhóm cựu cán bộ Đoàn cơ sở TP. Pleiku-thông tin: “Dù đã thôi tham gia công tác Đoàn nhưng tinh thần, nhiệt huyết vẫn rực cháy trong tim 28 thành viên của nhóm. Chúng tôi luôn sẵn sàng “tiếp nhận” những cán bộ Đoàn cơ sở đang công tác và góp ý, trao đổi, đề xuất các giải pháp cũng như hướng dẫn người trẻ có thêm kỹ năng để cùng chung tay xây dựng, phát triển tổ chức Đoàn-Hội ngày càng lớn mạnh”.

Cùng với đó, công tác bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở cũng được đẩy mạnh. Theo thầy Huỳnh Toàn-Trưởng khoa Công tác Đội (Trường Đoàn Lý Tự Trọng, TP. Hồ Chí Minh), thành viên Hội đồng Huấn luyện Trung ương: “Hoạt động Đoàn ở mỗi địa phương không giống nhau, trình độ cán bộ Đoàn cũng khác nhau cho nên trước khi tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, giảng viên thường nghiên cứu, tìm hiểu kỹ để biết cán bộ Đoàn nơi đó đang cần gì, yếu chỗ nào để khắc phục ngay, tránh sa vào lý thuyết và giảng dạy chung chung”.

Cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên lắng nghe thầy Huỳnh Toàn-Trưởng khoa Công tác Đội Trường Đoàn Lý Tự Trọng (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ những kỹ năng làm việc nhóm. Ảnh: Phan Lài

Cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên lắng nghe thầy Huỳnh Toàn-Trưởng khoa Công tác Đội Trường Đoàn Lý Tự Trọng (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ những kỹ năng làm việc nhóm. Ảnh: Phan Lài

“Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ trẻ đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới” đang là vấn đề được các tổ chức Đoàn từ trung ương đến cơ sở quan tâm, chú trọng. Đây cũng là chủ đề buổi tọa đàm do Ban Tổ chức Trung ương và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 16-3 vừa qua.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh: Để xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ trẻ đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng trong xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ trẻ. Đổi mới công tác quy hoạch, tạo đột phá trong công tác tạo nguồn và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ; gắn với trách nhiệm của cấp ủy Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc phát hiện, tạo nguồn cán bộ trẻ. Cần hoàn thiện cơ chế, thu hút, tạo nguồn, tuyển dụng, trọng dụng cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ có triển vọng; giao nhiệm vụ thử thách, rèn luyện lớp cán bộ kế cận. Đồng thời, cấp ủy động viên cán bộ trẻ tự giác, tích cực, chủ động phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ, có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Hy vọng rằng, với sự quan tâm kịp thời, đúng mức cùng với những giải pháp cụ thể, những “nút thắt” trong công tác cán bộ Đoàn sẽ sớm được tháo gỡ. Có như vậy, cán bộ Đoàn cơ sở mới được tạo điều kiện thuận lợi để yên tâm công tác, tiếp tục cống hiến đưa phong trào Đoàn ngày một đi lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Có thể bạn quan tâm