Kinh tế

Kỳ cuối: Siết chặt quản lý nguồn giống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến “đại dịch” tiêu chết như: người dân thâm canh quá mức, sử dụng phân bón kém chất lượng… Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất hiện nay là nguồn gốc, chất lượng cây giống đang bị thả nổi. Có đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cơ sở kinh doanh giống tiêu nhưng đến nay ngành nông nghiệp vẫn còn đang loay hoay thống kê, rà soát.

Quản lý nguồn giống

Trước thực trạng nguồn giống trôi nổi tràn lan, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ban ngành, đặc biệt là Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường quản lý nhà nước về giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp; tập trung triển khai kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo đó, trước ngày 30-3, Sở Nông nghiệp và PTNT phải thống kê đầy đủ các cơ sở sản xuất, mua bán giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với cơ sở sản xuất, mua bán; nêu rõ cơ sở nào đã được cấp phép, chưa cấp phép; số lượng cơ sở vi phạm, biện pháp xử lý.

 
 Ông Lê Ngọc Dũng (thôn Phú Bình, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) thuê người đào hố trồng lại tiêu ngay trên mảnh đất vừa có tiêu chết. Ảnh: M.N
Ông Lê Ngọc Dũng (thôn Phú Bình, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) thuê người đào hố trồng lại tiêu ngay trên mảnh đất vừa có tiêu chết. Ảnh: M.N

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên, hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện về chuyên môn, kỹ thuật vẫn tiến hành sản xuất kinh doanh giống cây trồng đã đưa ra thị trường giống cây trồng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng gây thiệt hại cho người dân. Nguyên nhân là do công tác quản lý, kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh giống cây trồng của ngành Nông nghiệp và PTNT còn thả lỏng, mức xử phạt chưa cao.

Do vậy, sau khi kiểm tra tình hình vườn hồ tiêu chết tại huyện Chư Pưh và làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ cùng các phòng ban chuyên môn, ngày 20-3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên đã chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường quản lý nhà nước về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các vật tư nông nghiệp khác; tuyệt đối không để giống hồ tiêu kém chất lượng, nhiễm bệnh gây hại cho nông dân.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT cử cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn người dân thu gom, vệ sinh vườn, tiêu hủy toàn bộ cây tiêu bị chết, tiến hành cày, xử lý đất để tiêu diệt mầm mống sâu bệnh gây hiện tượng vàng lá, chết nhanh, chết chậm do các tuyến trùng trên cây hồ tiêu; chuyển đổi loại đất này sang trồng cây ngắn ngày. Đối với vườn tiêu đang có dấu hiệu bị vàng lá, chết nhanh, chết chậm, chết do tuyến trùng thì cần hướng dẫn ngay biện pháp phòng trừ đặc hiệu, xử lý ngăn chặn, tiêu diệt mầm mống sâu bệnh, tuyệt đối không để lây lan sang vườn tiêu khác.

Tạo nguồn giống chất lượng

Bên cạnh công tác quản lý nguồn gốc giống, UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT nhanh chóng phối hợp với các đơn vị nhân giống hồ tiêu sạch bệnh để cung ứng cho nông dân; tuyển chọn xây dựng vườn cây giống đầu dòng, vườn nhân giống đầu dòng, tổ chức vườn ươm giống sạch bệnh cung ứng cho sản xuất.

Trao đổi với P.V Báo Gia Lai, ông Trần Tuấn Khải-Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật cho biết: Sở Nông nghiệp và PTNT vừa có Tờ trình số 45/TTr-SNN đề nghị UBND tỉnh ban hành tiêu chí vườn ươm, quy trình chứng nhận vườn ươm và tiêu chuẩn cây giống xuất vườn của một số loại cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm trên địa bàn tỉnh. Trước đó, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng ban hành quy định về tiêu chí cây hồ tiêu đầu dòng, vườn hồ tiêu đầu dòng trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở rà soát, tổng hợp đề nghị công nhận cây hồ tiêu đầu dòng của các địa phương, Chi cục đã tham mưu cho Sở thành lập hội đồng bình tuyển, xét chọn 48 cây hồ tiêu của các huyện Chư Pưh, Chư Sê, Chư Prông, Đak Đoa… để tiến tới thẩm định và công nhận cây đầu dòng. Đây là những cây có năng suất ổn định trong nhiều năm, thậm chí có nhiều trụ đạt đến 25 kg/vụ. Ông Khải cũng cho biết, Sở Nông nghiệp và PTNT đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện dự án “Điều tra khảo sát, bình tuyển giống tiêu. Xây dựng vườn tiêu đầu dòng và sản xuất hom giống tiêu sạch bệnh virus, các mô hình sản xuất tiêu bền vững” ở các vùng chuyên canh tiêu như Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Đak Đoa… để người dân tiếp cận được cây giống tốt, đồng thời nhân rộng mô hình, sản xuất đại trà.

Theo quy hoạch, đến năm 2020, toàn tỉnh có 18-20 ngàn ha hồ tiêu, năng suất 42,5 tạ/ha, sản lượng 72.000 tấn. Định hướng đến năm 2030 ổn định diện tích 20 ngàn ha, năng suất 45 tạ/ha, sản lượng 80.000 tấn.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm