Chính trị

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Thảo luận hai dự án luật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sáng 24/5, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Quang cảnh phiên họp chiều 23/5. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Quang cảnh phiên họp chiều 23/5. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Công tác xây dựng pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm của ngày làm việc thứ 3, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Sáng 24/5, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan bám sát mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật để hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng: Rà soát, chỉnh lý phạm vi, đối tượng áp dụng luật, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa quy định của Luật Đấu thầu với các luật có liên quan.

Đồng thời, rà soát quy trình, giảm thời gian đấu thầu, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, đặc biệt là vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế thời gian qua.

Dự thảo Luật quy định rõ các hành vi bị cấm, các ưu đãi đối với doanh nghiệp trong nước, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu; luật hóa những nội dung đã được quy định ở văn bản dưới luật đã thực hiện ổn định; quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, bên mời thầu, bên dự thầu, góp phần hạn chế thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đấu thầu.

Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương, 99 điều (giữ nguyên số chương, tăng thêm 1 điều) so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.

Trong phiên họp sáng cùng ngày, Quốc hội nghe Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Chiều 24/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Dự thảo Luật trình Quốc hội gồm 7 chương, 57 điều, Những nội dung lớn của dự thảo Luật gồm: phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự; Chính sách của Nhà nước trong phòng thủ dân sự; Về các dạng thảm họa, sự cố; đánh giá mức độ rủi ro về thảm họa, sự cố và cấp độ phòng thủ dân sự; thẩm quyền ban bố, công bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự; lực lượng phòng thủ dân sự; Quỹ phòng thủ dân sự; bảo hiểm rủi ro do thảm họa, sự cố; trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng thủ dân sự...

Trong phiên họp chiều 24/5, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022; Tờ trình về việc quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận (tức Dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay-Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) và Báo cáo thẩm tra về các nội dung này.

Có thể bạn quan tâm