Chính trị

Tin tức

Kỳ I. Ghi nhận bước đầu sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hệ thống chính trị về mặt lý luận chung, được hiểu là một bộ phận kiến trúc thượng tầng xã hội, bao gồm các tổ chức, thiết chế có quan hệ với nhau về mặt mục đích, chức năng trong việc thực hiện, tham gia thực hiện quyền lực chính trị hoặc đưa ra các quyết định chính trị. Hệ thống này bao gồm các tổ chức, thiết chế với tư cách là chủ thể của các quyết định chính trị.

Hiểu như trên thì các chủ thể trong hệ thống chính trị có tính vật chất, có bộ máy, có tư cách pháp lý và quan hệ mật thiết với nhau nhưng có vai trò, vị trí khác nhau trong sự vận hành của các quá trình chính trị, thể hiện ở các cấp khác nhau: trung ương, địa phương và cơ sở. Tuy nhiên, giữa các bộ phận cấu thành ấy, bao giờ cũng có một bộ phận giữ vai trò nòng cốt, hạt nhân làm động lực thúc đẩy, dẫn dắt cả hệ thống vận động theo một mục tiêu hoặc một phương hướng xác định.

 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Đấy là bộ phận hạt nhân lãnh đạo cả hệ thống chính trị. Và hạt nhân đó ở ta, chính là vai trò, vị trí của Đảng mà tại cơ sở là của cấp ủy đảng. Hệ thống chính trị (HTCT) cơ sở là một bộ phận cấu thành HTCT xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Hệ thống chính trị cơ sở có vai trò có thể nói là đặc biệt quan trọng trong việc tổ chức và vận động nhân dân thực hiện quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tăng cường đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Hệ thống chính trị cơ sở trực tiếp lãnh đạo, quản lý và huy động mọi nguồn lực ở địa phương để phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, tổ chức và chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; tạo ra tiềm lực vật chất, văn hóa tinh thần, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp cùng toàn Đảng, toàn dân, để bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Cụ thể hơn nữa là HTCC ở cơ sở bao gồm tổ chức đảng-vừa là thành viên trong hệ thống, vừa là người lãnh đạo; chính quyền (HĐND và UBND) và mặt trận, các đoàn thể chính trị, chính trị-xã hội. Hệ thống này ở cơ sở với vai trò, vị trí của mình như đã nói trên, biết phát huy đúng mức sẽ tạo cho guồng máy hoạt động ở đấy mạnh lên, và điều tất yếu các phong trào xây dựng và phát triển kinh tế, ổn định xã hội, bảo đảm an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội sẽ có những chuyển biến vươn lên mạnh mẽ, lòng dân sẽ an và lòng tin của họ vào Đảng, chính quyền sẽ ngày càng vững chắc, nếu không sẽ ngược lại.

Báo cáo của Tỉnh ủy về 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn và Nghị quyết 10 (khóa XII) về công tác cán bộ của hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn- nêu: “… Hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn có hiệu quả hơn. Đã hoàn thiện hệ thống quy chế hoạt động, quy chế phối hợp giữa tổ chức đảng với chính quyền và các đoàn thể; khắc phục tình trạng bao biện làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng (ở đây là cấp ủy). Công tác tư tưởng luôn được quan tâm.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ được tăng cường…, nội dung và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở được đổi mới, chất lượng và hiệu quả được nâng lên…”. Đánh giá như vậy là khách quan, đúng thực tế. Chúng ta chứng kiến sự phát triển đi lên khá toàn diện về các mặt kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn tỉnh trong nhiều năm liên tục vừa qua và cho đến nay, cho dù thực tiễn tình hình trong mấy năm lại đây có nhiều khó khăn, bất lợi cho nền kinh tế; điều đó nói lên rằng sự hoạt động, điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu cấp trên giao và công tác vận động, tập hợp quần chúng, đề ra các biện pháp thực hiện và kiểm tra, giám sát, phối hợp giữa lãnh đạo, điều hành ngay từ cơ sở của hệ thống chính trị là có hiệu quả.

Để đạt được kết quả đó, không thể không nói đến sự trưởng thành của “người” cầm trịch-sự lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng. Nếu so sánh sự trưởng thành từ các số liệu thống kê của vai trò lãnh đạo của các cấp ủy cơ sở địa phương (giai đoạn 2002-2011), chúng ta thấy rõ: Năm 2002 có 425/1.003 chi bộ, thì đến năm 2011 có 1.590/2.828 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở cấp xã đạt loại trong sạch vững mạnh (Báo cáo của Tỉnh ủy đã nói ở trên).

Cũng với những con số “biết nói” như thế, cả hệ thống chính trị, từ cấp ủy, chính quyền đến Mặt trận và các đoàn thể chính trị, chính trị xã hội ở cơ sở đều có bước trưởng thành vượt bậc rất đáng khích lệ. “Đáp số” của bài toán “trưởng thành” này cho ta niềm tin vào một tương lai đương nhiên của sự ngày càng được củng cố và hoàn thiện của “bộ máy”  hệ thống chính trị ở cơ sở tại Gia Lai.

Tuy nhiên, có thể nói hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở còn nhiều nơi chưa thật sự đi vào ổn định vững chắc, đặc biệt là những nơi còn nhiều khó khăn trên các mặt kinh tế, đời sống và văn hóa xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đa số là đồng bào dân tộc thiểu số (điều này vẫn có những ý kiến khác nhau khi đánh giá vấn đề cơ sở, nhưng sự yếu kém tại các địa phương có điều kiện khó khăn như vừa nêu là sự thật, không thể không nói lên sự thật đó), ở những nơi ấy hiện còn nhiều vấn đề đặt ra cho chúng ta suy nghĩ đến những giải pháp có hiệu quả để nâng dần sự đồng đều trên bình diện phát triển của hệ thống chính trị trên toàn tỉnh.

Trước thực trạng đó, tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 10 (khóa XIV) ngày 19-10-2012, đồng ý kiến của hai Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nguyễn Mộng Hoàng-Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy và Phan Xuân Trường-Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy rằng hiện tại tình hình hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở tại một số địa phương “có vấn đề”. Bởi vậy, nhiệm vụ đặt ra là phải tiếp tục rà soát, củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở đó vững mạnh về tư tưởng, chính trị và tổ chức, cán bộ. Đặc biệt quan tâm, lưu ý nhiều hơn là vấn đề giáo dục chính trị và lãnh đạo công tác tư tưởng.

Bích Hà

Có thể bạn quan tâm