Kinh tế

Kỳ I: Tìm nguồn giải cơn khát năng lượng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chưa bao giờ cuộc chiến giữa năng lượng với môi trường trên toàn cầu lại quyết liệt như hiện nay. Việt Nam- quốc gia đang phát triển cũng không ngừng “nóng” lên các luồng quan điểm cần khai thác thêm năng lượng hay nhất quyết nói “không” để bảo vệ môi trường. Bởi, sự đánh đổi nào cũng phải trả giá.

Tranh giành “máu” cho nền công nghiệp

Lịch sử ghi nhận nhiều vùng đất và thềm lục địa dồi dào trữ lượng dầu mỏ từng trở thành bãi chiến trường tàn khốc vì cơn khát năng lượng giữa những thế lực đối đầu.

Đề phòng sự lệ thuộc vào nguồn cung cấp, giá cả lên xuống thất thường, nguy cơ cạn kiệt của than đá, dầu mỏ, từ lâu nhiều quốc gia đã đầu tư những khoản kinh phí khổng lồ để nghiên cứu, phát minh, khai thác các nguồn năng lượng mới. Mục tiêu là tạo ra mặt hàng vừa “lành” vừa rẻ, nên từng loại năng lượng không ngừng bị soi chiếu mọi chiều dưới mắt các nhà nghiên cứu, nhà đầu tư và người làm chính sách.   

 Điện gió chờ lên lưới ở ninh thuận. Ảnh: H.T.N
Điện gió chờ lên lưới ở ninh thuận. Ảnh: H.T.N
Điện hạt nhân (ĐNH) trở thành đỉnh cao của công nghệ năng lượng thế giới với nhà máy đầu tiên ra đời tại thành phố Obninsk (Liên Xô cũ) vào năm 1954, công suất 5 MW, dùng nhiên liệu urani tự nhiên. Rất nhanh sau đó, công nghệ ĐHN với ưu điểm có thể làm ra loại điện giá rẻ, sản lượng cực lớn liên tục được cải tiến, ứng dụng tại nhiều quốc gia có nền công nghiệp tiên tiến như: Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhật… và ngày càng có vị trí quan trọng trên cán cân năng lượng thế giới. Tuy nhiên trữ lượng urani toàn cầu có hạn, và sự cố cháy nổ rò rỉ phóng xạ ĐHN, điển hình như Chernobyl xảy ra tháng 4-1986 tại Ukraina, Fukcushima tháng 3-2011 tại Nhật Bản với sức tàn phá kinh hoàng đủ cho loài người thấy rõ vấn đề chưa có hướng ra của ĐHN là giải quyết chất thải hạt nhân cho trái đất như thế nào?


Nhiều thập niên qua, các nhà nghiên cứu luôn cố gắng tìm hướng tiếp cận với những nguồn năng lượng có khả năng tái tạo, bền vững, an toàn hơn cho con người và môi trường như gió, ánh sáng mặt trời, thủy triều, sóng biển. Ngay tại Việt Nam hiện cũng đã có những dự án quang điện, điện gió, điện địa nhiệt, điện tận dụng phế phẩm và khí bioga được triển khai. Tuy nhiên các dự án này đều đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách.

Những loại điện chờ… hạ giá

Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP. Hồ Chí Minh cho biết: Đến nay, tại TP. Hồ Chí Minh mới chỉ có xã Thiềng Liềng, huyện Cần Giờ, xây dựng được một trạm phát điện công suất 100 kW từ năng lượng mặt trời, dù thành phố phương Nam này hầu như nắng quanh năm và đã dành cả ngàn ha đất để xây bãi chôn lấp trên 6.000 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày, nhưng việc ủ lượng rác này để lấy khí phát điện mới chỉ thực hiện thí điểm được ở bãi Gò Cát.

Đến đầu tháng 8-2011, Tập đoàn Điện lực Việt Nam còn nợ tiền mua điện 10 ngàn tỷ đồng, chủ yếu do phải mua điện giá cao từ các nhà máy nhiệt điện, khí-điện-đạm và điện nhập khẩu từ nước ngoài rồi bán điện giá thấp, để hạn chế tình trạng thiếu điện.
Tháng 6-2010, dự án xây dựng Nhà máy điện Địa nhiệt đầu tiên tại Việt Nam được cấp phép đầu tư tại huyện Đak Rông, tỉnh Quảng Trị, do Tập đoàn Tài chính SVA triển khai với công suất 25 MW, tổng vốn gần 1 ngàn tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2013. Khai thác nhiệt lượng trong lòng đất để tạo năng lượng là cách thế giới từ lâu đã làm với kết quả đáng khích lệ, kể cả một số nước láng giềng của Việt Nam có đặc thù kiến tạo nằm trên vành đai núi lửa như Philippin, Indonesia, Malaysia. Nếu dự án thành công sẽ đạt điểm cộng về diện tích bao chiếm nhỏ, với giá điện sản xuất được dao động dưới mức 10 cent Mỹ/kWh. Còn thất bại, nếu khoan sâu vài km không đạt yêu cầu có thể khiến những luồng khí độc hại phun trào, ô nhiễm rất nghiêm trọng tới môi trường và khí quyển.


Giá bán điện luôn là bài toán khó giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với các nhà đầu tư. Nguyên nhân là trình độ công nghệ sản xuất ra các loại năng lượng tương đối thân thiện với môi trường đến nay chưa đủ hạ giá thành điện xuống mức phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân Việt. Còn bù giá tới 50% để khuyến khích đẩy mạnh sản xuất năng lượng sạch như ở một số cường quốc năng lượng là điều Chính phủ ta chưa đủ sức.

Hội thảo về nguồn cung năng lượng do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu và Cục Xúc tiến Thương mại tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 12-7-2011, ông Gavin Smith- Giám đốc Quỹ Phát triển sạch của Dragon Capital so sánh: Trong khi tại Thái Lan giá điện gió là 18 cent Mỹ/kWh vẫn hòa lưới thuận lợi thì ở Việt Nam từ ngày 20-8-2011 Chính phủ mới cho phép EVN mua điện gió với giá 1.614 đồng/kWh, tương đương 7,8 cent Mỹ/kWh, liệu doanh nghiệp nào dám mạo hiểm đầu tư ?

Mỗi giờ thiếu điện sẽ gây tổn thất đối với kinh tế-xã hội và cuộc sống của người dân. Trong cơn khát năng lượng của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, cách lựa chọn và mức trả giá nào có thể chấp nhận được là điều những người có quyền quyết định phải sáng suốt cân nhắc.
 Hoàng Thiên Nga

Có thể bạn quan tâm