Xã hội

"Kỳ lân Châu Á" Sao la: Loài thú được coi là "báu vật" ở Việt Nam khiến nhiều người tò mò

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sao la được chọn làm linh vật SEA Games 31 và được mệnh danh là "Kỳ lân châu Á". Quá trình tìm thấy loài động vật quý hiếm được coi là "báu vật" của Việt Nam này khiến nhiều người tò mò.

Sao La có tên khoa học là Pseudoryx nghetinhensis, thuộc nhóm thú sừng rỗng, giống loài Linh Dương. Đây là loài thú quý hiếm có tên trong sách đỏ thế giới và sách đỏ Việt Nam.


 

 



Vào tháng 5/1992, Sao la được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới tại Vườn quốc gia Vũ Quang, Hà Tĩnh, nằm gần biên giới Việt - Lào. Khi ấy, các nhà khoa học thuộc Bộ Lâm nghiệp Việt Nam cũ (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đã phát hiện loài thú quý hiếm này.
 

 



Khi ấy, nhóm chuyên gia đã tìm thấy một hộp sọ với cặp sừng kỳ lạ trong nhà của một thợ săn. Khi nhìn thấy nó, họ cho rằng đó có thể là của một loài thú mới thuộc họ bò (Bovidae) chưa được khoa học biết đến. Sau đó, họ đặt tên cho loài động vật bí ẩn đó một tên tạm thời là “dê sừng dài”. Sự việc này mở đầu cho khám phá quan trọng về sao la của các nhà khoa học.
 

 



Đến đầu năm 1993, nhiều cặp sừng của loài “dê sừng dài” tiếp tục được các chuyên gia phát hiện ở huyện Con Cuông và huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Giới nghiên cứu dành nhiều thời gian để tìm hiểu về loài thú mới này.

 

 



Trong khi đó, người dân địa phương gọi loài động vật bí ẩn trên là “sao la”. Nguyên do là vì sừng của nó giống 2 cọc đứng của bàn quay sợi mà tiếng Thái gọi là “sao la”.

 

 



Đến giữa năm 1993, tạp chí Nature số 363 (ngày 2/6/1993) đăng tải bài viết về việc các tác giả Vu Van Dung, Pham Mong Giao, Nguyen Ngoc Chinh, Do Tuoc, P. Arctander và John MacKinnon (Anh) chính thức công bố loài thú mới: Sao la.

 

 



Các chuyên gia đặt tên khoa học cho Sao la là Pseudoryx nghetinhensis. Theo họ, việc đặt tên loài mới theo tiếng Latin này phải gắn luôn địa danh nơi phát hiện loài đó.

 

 



Riêng cụm từ Pseudoxyt là tên gốc, được đặt tên theo giống một loài thú là con oxyt có nhiều nét tương đồng như Sao la nhưng kích thước lớn hơn rất nhiều và được tìm thấy ở vùng Trung Đông từ lâu.

 

 



Theo các nhà khoa học, Sao la thuộc họ sừng rỗng nhưng trông giống loài Linh dương. Loài động vật này hiếm khi được nhìn thấy và được nhận diện với cặp sừng song song, nhọn dần về phía cuối và có thể dài tới 50cm.

 

 


Con Sao la trưởng thành có chiều dài cơ thể từ 1,3 - 1,5m, cao 0,9m, nặng khoảng 100 kg và có bộ lông màu nâu sẫm. Chúng có sừng dài và mảnh dẻ, hướng về phía sau hơn 50 cm để tự vệ.

 

 



Tại Việt Nam, lần cuối cùng một cá thể Sao la được nhìn thấy trong tự nhiên là vào năm 1998. Theo ước tính của các chuyên gia, hiện chỉ còn khoảng vài chục cá thể Sao la có thể được tìm thấy ở các cánh rừng rậm dọc biên giới Việt - Lào.



https://danviet.vn/ky-lan-chau-a-sao-la-loai-thu-duoc-coi-la-bau-vat-o-viet-nam-khien-nhieu-nguoi-to-mo-20220512162207115.htm

Theo Anh Nguyên (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm