Chính trị

Tin tức

Nhân sự

Kỷ luật xóa tư cách chức vụ, chức danh với cán bộ đã nghỉ việc, nghỉ hưu được thực hiện thế nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách chức vụ, chức danh thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử, bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh cao nhất ra quyết định xử lý kỷ luật.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Nghị định quy định rõ về nguyên tắc xử lý kỷ luật. Theo đó, xử lý kỷ luật phải đảm bảo khách quan, công bằng; công khai, minh bạch; nghiêm minh, đúng pháp luật.

Mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần bằng một hình thức kỷ luật. Trong cùng một thời điểm xem xét xử lý kỷ luật, nếu cán bộ, công chức, viên chức có từ 2 hành vi vi phạm trở lên thì bị xử lý kỷ luật về từng hành vi vi phạm và áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm nặng nhất, trừ trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức bãi nhiệm, buộc thôi việc; không tách riêng từng nội dung vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức để xử lý kỷ luật nhiều lần với các hình thức kỷ luật khác nhau.

 

 Ông Vũ Huy Hoàng là trường hợp cán bộ nghỉ hưu bị kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016.
Ông Vũ Huy Hoàng là trường hợp cán bộ nghỉ hưu bị kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016.



Nghị định quy định đối với cán bộ có 4 hình thức xử lý kỷ luật gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm.

Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có 4 hình thức xử lý kỷ luật gồm:  Khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; buộc thôi việc.

Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có 5 hình thức xử lý kỷ luật gồm: Khiển trách; cảnh cáo; giáng chức; cách chức; buộc thôi việc.

Một điểm mới đáng chú ý của Nghị định là quy định về thẩm quyền và trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu.

Cụ thể, thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu được quy định như sau:

Trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách chức vụ, chức danh thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử, bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh cao nhất ra quyết định xử lý kỷ luật (trừ trường hợp người giữ chức vụ, chức danh trong cơ quan hành chính nhà nước do Quốc hội phê chuẩn. Trường hợp này Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xử lý kỷ luật). Trong trường hợp này, cấp có thẩm quyền quyết định việc xử lý đối với các chức vụ, chức danh khác có liên quan.

Đối với trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử, bổ nhiệm vào chức vụ, chức danh ra quyết định xử lý kỷ luật (trừ trường hợp người giữ chức vụ, chức danh trong cơ quan hành chính nhà nước do Quốc hội phê chuẩn. Trường hợp này Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xử lý kỷ luật)

Về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu: Căn cứ vào quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền, cơ quan tham mưu về công tác cán bộ của cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật đề xuất hình thức kỷ luật, thời điểm xử lý kỷ luật và thời gian thi hành kỷ luật.

Trường hợp thuộc thẩm quyền xử lý kỷ luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thì cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng đề xuất hình thức kỷ luật, thời điểm xử lý kỷ luật và thời gian thi hành kỷ luật.

Trường hợp thuộc thẩm quyền xử lý của Thủ tướng Chính phủ thì đề xuất được gửi đồng thời tới Bộ Nội vụ để thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

https://danviet.vn/ky-luat-xoa-tu-cach-chuc-vu-chuc-danh-voi-can-bo-da-nghi-viec-nghi-huu-duoc-thuc-hien-the-nao-20200923101419985.htm

Theo PVCT (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm