Kinh tế

Giá cả thị trường

Kỷ nguyên "Made in China" đã chấm dứt?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 “Thế giới không còn bằng phẳng” Bonnie Tu, chủ tịch công ty sản xuất xe đạp hàng đầu thế giới Giant nói. Và giờ đây họ đã sẵn sàng chuyển các đơn đặt hàng khỏi Trung Quốc – nơi từ lâu được coi là công xưởng giá rẻ của thế giới. 
Công ty sản xuất xe đạp hàng đầu thế giới Giant đã nhìn thấy tương lai của Trung Quốc từ sớm. Công ty này đã bắt đầu chuyển sản xuất các đơn đặt hàng tại Hoa Kỳ ra khỏi các cơ sở ở Trung Quốc, đến cơ sở tại Đài Loan ngay khi nghe tin ông Donald Trump đe dọa đánh thuế vào tháng Chín năm ngoái.
“Năm ngoái, tôi nhận thấy rằng thời đại hàng hóa Made In China trên toàn cầu đã kết thúc”, Bonnie Tu, Chủ tịch Giant đã nói.
Giant là một phần của một số lượng lớn các công ty toàn cầu đang xoay vòng sản xuất ra khỏi Trung Quốc để phản ứng với mối quan hệ thương mại đang ngày càng thù địch giữa hai siêu cường kinh tế thế giới.
Tập đoàn Intel trong tuần này đã nói rằng họ đang xem xét chuỗi cung ứng toàn cầu của mình, đặc biệt là tại Trung Quốc, trong khi Li & Fung Ltd, nhà cung cấp hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới, cho biết cuộc chiến thương mại đang thúc đẩy công ty rời khỏi Trung Quốc.
Nhà sản xuất xe đạp leo núi Giant đã đóng cửa một nhà máy ở Trung Quốc vào cuối năm 2018 và chuyển hầu hết các đơn đặt hàng của Hoa Kỳ ra khỏi đất nước. Giant đã thông báo vào tháng 7 năm ngoái rằng họ đang thiết lập một nhà máy ở Hungary, vì việc sản xuất gần với thị trường tiêu thụ đang là xu hướng.
Giant hiện có một nhà máy ở Đài Loan và Hà Lan, và vẫn còn năm nhà máy ở Trung Quốc. Trang web của nhà máy tại Đài Loan cho biết công ty sẽ làm việc gấp đôi năng suất để theo kịp các đơn đặt hàng di dời. Công ty cũng cho biết họ đang tìm kiếm một đối tác ở Đông Nam Á.
 
Dây chuyền lắp ráp tại cơ sở sản xuất xe đạp Giant ở Đài Trung, Đài Loan. Ảnh Maurice Tsai / Bloomberg
"Thế giới không còn bằng phẳng", Bonnie Tu nói, mượn từ trong cuốn sách có tiêu đề “Thế giới phẳng” của Thomas Friedman, nhằm ẩn dụ rằng thế giới là một sân chơi bình đẳng cho các công ty và tập đoàn thương mại. “Khái niệm này giờ không còn đúng ở mọi nơi”.
CEO Spencer Fung, giám đốc điều hành của Li & Fung, cũng đồng ý với quan điểm của của Bonnie Tu, nói rằng “Trung Quốc trong quá khứ trở thành công xưởng của thế giới vì sản xuất hàng hóa rất hiệu quả. Tìm nguồn cung ứng cũng đặc biệt dễ dàng”
“Họ chỉ cần bỏ tất cả trứng vào giỏ Trung Quốc vì người Trung Quốc có khả năng làm rất tốt”, ông Fung nói. “Giờ đây, cuộc chiến thương mại về cơ bản buộc chúng tôi phải suy nghĩ lại về toàn bộ chiến lược tìm nguồn cung ứng trên toàn cầu và đa dạng hóa, dần rời khỏi Trung Quốc”.
Cổ phiếu của Giant đã tăng 9,8% vào thứ Hai, mức tăng lớn nhất từ ​​trước đến nay, sau khi công ty cho biết họ dự kiến ​​một phần tư doanh thu của mình trong năm nay đến từ xe đạp điện tử. Cổ phiếu của Li & Fung cũng đã tăng 7,3%, nhiều nhất trong ba tháng gần đây, tại Hồng Kông hôm thứ ba.
Giant giờ đây sẵn sàng nhanh chóng chuyển các đơn đặt hàng khỏi Trung Quốc – nơi từ lâu được coi là công xưởng giá rẻ của thế giới.
“Nhận thức về mối đe dọa về thương hiệu toàn cầu và sản xuất linh hoạt là chìa khóa để Giant tránh các rủi ro thuế quan”. Các nhà phân tích của Daiwa, Helen Chien và Anita Li đã viết trong một báo cáo ngày 5/6, trong đó cũng đề cập tới rằng mức độ bao phủ các mặt hàng của Giant đã tăng vượt trội.
Thuế quan đang thêm trung bình 100 USD vào mỗi xe đạp sản xuất tại Trung Quốc và xuất khẩu sang Hoa Kỳ, so với những chiếc được sản xuất ở khu vực không bị đánh thuế, Tu nói, giải thích lý do căn bản cho việc chuyển sang sản xuất tại Đài Loan.
Chuyển đổi, tuy nhiên, đi kèm với chi phí cao hơn cho lương nhân viên, tự động hóa và không tiếp cận được gần hơn với nền kinh tế quy mô lớn như Trung Quốc. Ông Tu cũng nói rằng doanh thu hiện tại của công ty đang rất tốt, nhưng công ty sẽ làm tốt hơn nữa nếu không có cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Đó là lý do tại sao Giant vẫn giữ nguyên cửa mở để hoàn nguyên sản xuất tại Trung Quốc, nếu Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể thực hiện thỏa thuận thương mại. “Nếu nước Mỹ quyết định loại bỏ mức thuế 25%, chúng tôi sẽ chuyển sản xuất trở lại Trung Quốc”, ông Tu nói.
Vũ Huy Hoàng (Dân trí/Theo Bloomberg)

Có thể bạn quan tâm