(GLO)- Nhiều người gọi chị Hoàng Thị Nga (48 tuổi), dân tộc Tày, sống ở xã Lơ Ku, huyện Kbang) là “kỳ nhân” khi chị dùng những cây thuốc có sẵn trong rừng chữa bệnh giúp người, trong đó có cả những bệnh nguy hiểm.
Trong lúc hái những lá rau thơm trong vườn nhà làm món ăn đãi khách, chị Nga tình cờ nhắc đến tác dụng của các loại rau thơm như một loại dược thảo tốt đối với sức khỏe con người. Chưa hết, chị còn kể đến tác dụng kỳ diệu của các loại cây mọc trong rừng mà chị thường sử dụng chữa bệnh cho người dân quanh vùng.
Chị Hoàng Thị Nga. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Lương duyên với thuốc Nam
Cho đến nay, các bài thuốc Nam sử dụng nguyên liệu là những loại cây cỏ mọc trong rừng nhiệt đới, vẫn như là vùng thiêng mà y học hiện đại chưa giải mã hết công dụng. Nhưng đội ngũ thầy lang chữa bệnh từ cây thuốc vẫn được y khoa xem trọng. Theo lời chị Nga, ông nội và bố chị đều là những ông lang giỏi. Chị kể: “Từ nhỏ, tôi đã được ông cho theo vào rừng hái lá nên biết “nhận mặt” hầu hết các loại lá thuốc. Sau này bố tôi chỉ rõ tác dụng của từng loại lá trong việc chữa bệnh cho con người”.
Chị Nga cho rằng, trong tâm thức của bố, chưa bao giờ ông nghĩ sẽ truyền nghề lại cho con gái. “Đây là một nghề cực kỳ vất vả, cực nhọc. Từ thời ông nội, tôi đã chứng kiến những buổi băng rừng, lội suối của ông để tìm hái cho được những lá thuốc quý mọc tận rừng sâu, phải đối mặt với vô vàn nguy hiểm.
Nhưng trả công cho những mạng người được cứu sống, hầu như cả ông lẫn bố tôi đều không lấy tiền, ai có gì cho nấy. Tôi là con gái nên các cụ chẳng ai muốn truyền lại nghề nhiều vất vả, nguy hiểm này. Bố chỉ nói, ông dạy tôi về tác dụng của các loại lá thuốc để sau này biết cách chữa bệnh cho mình và người thân trong gia đình”- chị Nga nói.
Nhưng nghiệp làm thuốc cứu người vận vào chị lúc nào chẳng hay. Chị kể: “Khi bố tôi mất (năm 2005), ngày nào cũng có người bệnh tìm đến nhà, hầu hết là người nghèo. Từ chối thì mang tội, còn nhận lời thì càng khó hơn vì tôi không có thời gian lẫn sức khỏe để vào rừng hái lá. Có một điều làm tôi trăn trở là ở vùng đất này, do thời tiết và điều kiện vệ sinh không đảm bảo, đa số chị em bị viêm nhiễm phụ khoa, có trường hợp rất nặng. Bài thuốc này bố dạy tôi từ thời con gái để biết cách bảo vệ mình, gồm có lá của 12 loại cây, trong đó có những loại lá chỉ có mọc sâu trong rừng, sắc lên lấy nước để vệ sinh. Có người đi nhiều bệnh viện lớn vẫn không khỏi nhưng chỉ ba thang thuốc của tôi là khỏi hoàn toàn, vì thế chị em tìm đến tôi ngày càng đông”.
Giúp hàng ngàn phụ nữ khỏi bệnh, những chuyến đi rừng của người phụ nữ Tày cũng dày lên. Chị cho biết: “Các loại cây thuốc chữa bệnh ở vùng này phong phú vô cùng, như lá thuốc chữa đau răng, sỏi thận, sỏi mật, viêm xoang, rắn độc cắn, các vết thương hở bị nhiễm trùng… cứ thấy là tôi lại hái về”. Việc gắn bó với thuốc Nam cứ đến với chị như một lẽ tự nhiên.
Nghề gian truân
Chị Nga không nhớ đã chữa trị cho bao nhiêu người từ thuốc Nam, có lẽ con số đã lên tới hàng ngàn. Chị bộc bạch: “Nhiều trường hợp bệnh nhân bị bệnh khá nặng tìm đến nhưng tôi từ chối, khuyên đi bệnh viện ngay vì rất nguy hiểm tính mạng. Tuy vậy có người thà chết chứ không đi bệnh viện, thực ra vì họ nghèo quá, không có tiền để điều trị. Lúc ấy, buộc mình phải cứu chữa dù biết rõ bệnh nhân cần phải đến cơ sở y tế có đầy đủ trang-thiết bị mới đảm bảo tính mạng, sức khỏe”.
Chị Nga nhớ khá rõ một cụ ông ở tận An Khê được người nhà đưa đến nhờ chị cứu chữa trong tình trạng sốt cao, co giật toàn thân vì nhiễm trùng do giẫm phải đinh. Chị kể: “Lật bàn chân ông cụ lên thấy chiếc đinh xuyên qua gan bàn chân, vết thương nhiễm trùng khá nặng, tấy đỏ lên cả bắp chân. Trong lúc tỉnh lúc mê, cụ nói nguyện vọng là được tôi cứu chữa, nếu không thì hãy để cụ chết. Tôi vội vàng chạy đi hái một vài loại lá sẵn có xung quanh, sơ chế rồi đắp vào vết thương.
Thật kỳ lạ, độ 15-20 phút sau thấy cụ hạ sốt, tôi đắp thêm một đợt lá nữa, đến đêm thì máu mủ chỗ vết thương nơi bàn chân bắt đầu tuôn ra xối xả, chiếc đinh theo đó cũng tuột ra ngoài. Gần một tuần đắp lá liên tục, ông cụ hoàn toàn bình phục”. Một trường hợp tương tự là người em họ của chị đi rừng, bất cẩn nên va phải đá, bị thương rất nặng ở mắt cá chân. Một tuần ở rừng vết thương bị nhiễm trùng nặng, mắt cá sưng to như quả bưởi. Sau 2-3 lần đắp lá để rút máu mủ từ vết nhiễm trùng, cậu em họ mới hết sốt và dần bình phục.
Cứu được một người là thêm một niềm vui đối với người phụ nữ sống ở nơi thâm sơn này. Tuy vậy, cũng không tránh khỏi những kỷ niệm buồn. Chị kể “Bố tôi từng chữa bệnh cho rất nhiều người. Có lần ông cứu một chàng thanh niên người Nùng bị rắn cạp nong cắn trong rừng, đưa về tới đây đã xuất huyết khá nặng, nhiều tĩnh mạch bị phá hủy. Vì quá hoảng sợ, người nhà thấy con mình thổ huyết tưởng anh ta sẽ chết nên trách mắng bố tôi. Vì chuyện đó mà ông buồn nhiều năm sau”.
Kể câu chuyện đã xảy ra cách đây hơn 10 năm, gương mặt lúc nào cũng như cười của người phụ nữ Tày đột nhiên nghiêm trang: “Đã là thầy thuốc thì ai cũng muốn cứu người, một lời trách móc cũng khiến chúng tôi tổn thương nghề nghiệp, nhất là khi chúng tôi cứu người không phải vụ lợi”. Để lấy thuốc, bước chân của chị đã rảo qua hầu hết các cánh rừng ở vùng Kbang hiểm trở. Chị đơn độc với chiếc gùi trên lưng. Thỉnh thoảng nhờ được con gái hoặc người bà con đi theo để gùi lá giúp chị nhưng hầu như không ai chịu nổi sự vất vả khi lang thang cả ngày trong rừng. Mỗi lần chữa khỏi cho một người bệnh, thù lao chị nhận chỉ vài chục ngàn đồng.
Việc người bệnh tìm đến chị ngày càng đông không phải là niềm vui với người phụ nữ này, nó đồng nghĩa với sự vất vả và gian truân sẽ nhiều thêm…
Hoàng Ngọc