Chính trị

Tin tức

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Võ Trung Thành (1924-2024): Một đời cống hiến cho Đảng, cho dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Đồng chí Võ Trung Thành là một cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, có một quá trình tham gia cách mạng kháng chiến liên tục từ cơ sở đến cấp huyện, cấp tỉnh, cấp trung ương. Các lớp cán bộ, đảng viên và người dân Gia Lai, Gia Lai-Kon Tum luôn ghi nhớ công lao của đồng chí.

Theo tài liệu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai trong cuốn sách Tôn vinh cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, cán bộ ở lại miền Nam sau 20-7-1954 xuất bản năm 2012, đồng chí Võ Trung Thành (Năm Vinh) sinh ra trong một gia đình trung nông lớp dưới ở thôn Thủy Thạch, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Là người con của vùng quê giàu truyền thống cách mạng nên đồng chí sớm giác ngộ, tham gia phong trào Việt Minh từ tháng 3-1945.

Những chặng đường đi qua

Đồng chí Võ Trung Thành (ảnh tư liệu).

Đồng chí Võ Trung Thành (ảnh tư liệu).

Thị xã Đức Phổ nằm về phía Nam TP. Quảng Ngãi, dọc theo tuyến quốc lộ 1A, giáp với phường Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), có biển xanh, cát trắng, có núi đồi trập trùng, rừng bãi, ruộng đồng bao la. Đặc biệt, Đức Phổ có bãi biển Sa Huỳnh nổi tiếng. Ở đó, bầu không khí trong lành, nước biển trong xanh cùng bãi cát trắng mịn màng; là nơi nhà cách mạng Nguyễn Nghiêm-người chiến sĩ cộng sản kiên trung bất khuất, Bí thư đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (tháng 3-1930) và sau này, có một thời trong kháng chiến chống Mỹ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm từng công tác và hy sinh để lại những câu chuyện không thể nào quên trong cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm: “Hãy rèn giũa phẩm chất của một người đảng viên nghe Th. (tức là Thùy, Đặng Thùy Trâm tự xưng). Cuộc đời Th. là một cuốn sổ, những dòng chữ ghi trên đó đẹp như một bài ca nhỏ. Xin Th. hãy ghi tiếp những dòng xứng đáng. Hãy hứa trước tòa án lương tâm đi Th. nhé. Th. sẽ giữ trọn tất cả những gì cao quý của một người đảng viên, một người trí thức…”. Truyền thống cách mạng của người Đức Phổ nối truyền cho nhau qua các thế hệ là thế. Sinh ra và lớn lên trên quê hương Đức Phổ, đồng chí Năm Vinh mang trong mình dòng máu yêu nước, cách mạng, suốt cuộc đời cống hiến cho Đảng, cho dân.

Trải qua nhiều vị trí công tác ở địa phương, đồng chí Năm Vinh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Vì vậy, ngày 20-7-1946, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Hai năm sau, vào tháng 1-1948, đồng chí Năm Vinh được bầu làm Phó Bí thư, rồi Bí thư Huyện ủy Đức Phổ. Đến tháng 9-1949, đồng chí được cấp trên điều động và giao phụ trách công tác tuyên huấn của tỉnh Quảng Ngãi. Được học hành tử tế, với sự thông minh vốn có, đồng chí Năm Vinh khi được tiếp thu tư tưởng cách mạng từ những đồng chí đi trước truyền cho đã nhanh chóng trưởng thành vượt bậc và xứng đáng đảm nhiệm những công việc quan trọng ở địa phương. Và sau này, khi nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng hơn nữa, đồng chí Năm Vinh cũng đã xuất sắc hoàn thành, được tín nhiệm cao từ cấp trên và để lại trong lòng cấp dưới bao bài học trên chặng đường cách mạng, cũng là điều hiển nhiên!

Cuối năm 1949, đồng chí được phân công lên Kon Tum, giữ chức vụ Phó Bí thư Ban cán sự Đảng tỉnh. Khi 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai sáp nhập (tháng 3-1950) thành tỉnh Gia Kon, đồng chí Năm Vinh giữ chức Ủy viên Thường vụ Ban cán sự Đảng tỉnh, phụ trách Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy. Tháng 5-1951, đồng chí lại được cấp trên điều động lên công tác ở Văn phòng Khu ủy Khu 5. Ít lâu sau, tháng 11-1952, đồng chí Năm Vinh lại được điều về Tỉnh ủy Gia Lai, giữ chức Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, cho đến khi sáp nhập Tỉnh ủy Gia Lai với Trung đoàn 120 thì giữ chức Chủ nhiệm Chính trị. Sau Hiệp định Genève tháng 7-1954, đồng chí Năm Vinh được Khu ủy Khu 5 bố trí ở lại miền Nam công tác với chức danh là Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, đến tháng 12-1954 là Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành liên tỉnh ủy 4 (gồm 3 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk). Đồng chí Năm Vinh là đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9-1960), sau đó về công tác ở Liên Khu ủy 5.

Cũng theo tài liệu đã dẫn, thời kỳ đầu kháng chiến chống Mỹ ở Gia Lai, với cương vị Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Năm Vinh đã có nhiều sáng kiến cùng cấp ủy chỉ đạo giữ vững cơ sở và phát triển phong trào từng bước tiến lên vững chắc. Tuy có lúc khó khăn nhưng phong trào cách mạng ở Gia Lai không có thời kỳ thoái trào. Đồng chí sớm đề xuất chủ trương phát động liên tiếp 2 lần vận động xây dựng Đảng: lần thứ nhất (1956-1957), lần thứ hai (1958-1959) với nội dung “Thương dân, yêu nước đứng lên làm cách mạng-3 yêu, 3 ghét” nhằm nâng cao giác ngộ ý thức dân tộc, tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ. Từ đó, Gia Lai đã phát động được các phong trào cách mạng rộng lớn, mang tính quần chúng rộng rãi: phong trào thanh niên hăng hái tham gia kháng chiến, phong trào học văn hóa, diễn văn nghệ, dùng thuốc Nam chữa bệnh...

Trong chỉ đạo đấu tranh với kẻ thù, đồng chí Năm Vinh cũng rất nhạy bén, phát hiện tình hình kịp thời, vận dụng khéo léo các hình thức và mức độ đấu tranh phù hợp, đã dấy lên các phong trào đấu tranh lớn như: đấu tranh đòi Mỹ-Diệm thi hành Hiệp định Genève, thực hiện hiệp thương tổng tuyển cử, chống tố cộng, diệt cộng, bảo vệ cơ sở cách mạng; chống lấn chiếm đất đai lập dinh điền, tiến tới phong trào đồng khởi, giải phóng từng phần vùng nông thôn, mở rộng vùng căn cứ cách mạng của tỉnh. 5 năm đầu đấu tranh chống Mỹ-Diệm, đồng chí Năm Vinh đã cùng cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng cơ sở vững chắc cho các bước tiếp theo đấu tranh chống các chiến lược chiến tranh thâm độc của địch như chiến lược chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh.

Từ tháng 2-1962, đồng chí Năm Vinh là Khu ủy viên Khu ủy Khu 5, làm Trưởng ban Miền núi Khu ủy 5. Từ năm 1967 đến 1968, đồng chí được điều về lại Gia Lai làm Bí thư Tỉnh ủy, tăng cường chỉ đạo chiến trường Gia Lai trong việc chuẩn bị tiến tới tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Trong thời kỳ này, chiến trường Gia Lai rất ác liệt. Mỹ-ngụy ra sức đánh phá, càn quét nống lấn ra vùng giải phóng và căn cứ của ta khiến tình hình trở nên hết sức phức tạp. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo của Khu ủy Khu 5 và Tỉnh ủy, phong trào cách mạng vẫn được giữ vững, khí thế cách mạng của Nhân dân không hề suy giảm. Vì vậy, cuộc vận động chuẩn bị cho Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân được Nhân dân đồng tình ủng hộ và giành được những thắng lợi to lớn, làm tiền đề cho cuộc tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau Tết Mậu Thân, đồng chí Năm Vinh với cương vị Khu ủy viên được Khu ủy giao làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chính ủy Mặt trận Bình Định (gồm Sư đoàn 3, Tỉnh đội và Tỉnh ủy Bình Định), rồi chuyển qua làm Bí thư kiêm Chính ủy Mặt trận Trung Tây Nguyên. Sau các chiến dịch, đồng chí trở về làm Trưởng ban Miền núi Khu ủy 5.

Từ tháng 5-1969 đến tháng 9-1972, đồng chí vẫn là Khu ủy viên, được điều động về làm Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk. Tháng 10-1972, vì lý do sức khỏe, đồng chí được ra Bắc chữa bệnh, đến tháng 10-1974 thì trở lại chiến trường tham gia Ban Thường vụ Đảng ủy Mặt trận Tây Nguyên, cùng Đảng ủy khẩn trương chuẩn bị cho Chiến dịch Tây Nguyên giải phóng Buôn Ma Thuột và cả Tây Nguyên vào mùa xuân năm 1975.

Tháng 9-1975, đồng chí Năm Vinh trở về Gia Lai-Kon Tum làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đến năm 1979. Đồng chí đã cùng Tỉnh ủy đề xuất các chủ trương khắc phục hậu quả chiến tranh, giải quyết vấn đề đói, bệnh tật, giáo dục, giãn dân, khai hoang phục hóa, sản xuất lương thực chống-cứu đói cho dân, ổn định tình hình chính trị, giải quyết vấn đề FULRO, bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội...

Ghi nhớ công lao của đồng chí Năm Vinh

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12-1976), đất nước ta bước vào thời kỳ phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Cũng như cả nước, Gia Lai-Kon Tum bấy giờ cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đồng chí Năm Vinh với cương vị lãnh đạo của mình đã cùng tập thể Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đưa ra nhiều quyết sách, giải quyết những vấn đề mới phát sinh, ổn định tình hình an sinh xã hội, truy quét bọn phản động FULRO, giữ vững và bảo vệ từng tấc đất biên cương, giúp nước bạn Campuchia chống chế độ diệt chủng Pol Pot. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng 3-1982), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được điều động về làm Bí thư Tỉnh ủy Nghĩa Bình (Bình Định và Quảng Ngãi ngày nay).

Đồng chí Năm Vinh là một cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, có một quá trình tham gia cách mạng kháng chiến liên tục từ cơ sở đến cấp huyện, cấp tỉnh, cấp trung ương, là một cán bộ có trình độ, năng lực, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đề xuất sáng kiến, phát hiện nhân tố mới, đưa ra ý tưởng mới trong lãnh đạo thời chiến cũng như thời bình. Các lớp cán bộ, đảng viên và người dân Gia Lai, Gia Lai-Kon Tum luôn ghi nhớ công lao của đồng chí với phong trào địa phương. Do bệnh nặng, dù đã được các thầy thuốc trong và ngoài nước, gia đình và bạn bè, đồng chí tận tình cứu chữa, chăm sóc nhưng đồng chí Năm Vinh không qua khỏi, từ trần ngày 12-7-1982 tại Hà Nội.

Ghi nhận công lao cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của đồng chí Năm Vinh, tại TP. Buôn Ma Thuột và TP. Pleiku hiện nay đều có đường phố mang tên Võ Trung Thành. Đồng chí Năm Vinh được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất (2 lần) và nhiều huân-huy chương khác. Trong ký ức của nhiều cán bộ, đảng viên và người dân Gia Lai luôn nhớ về đồng chí Năm Vinh, người luôn gần gũi với cán bộ, chiến sĩ, với bà con các dân tộc anh em, biết được nhiều ngôn ngữ (ngoài tiếng Pháp còn có tiếng Jrai, Ê Đê, Xê Đăng) và luôn chăm lo xây dựng khối đoàn kết, giáo dục, đào tạo đội ngũ cán bộ, động viên khuyến khích chuyện học hành, rèn luyện phấn đấu trong chiến đấu và công tác.

Có thể bạn quan tâm