Chính trị

Tin tức

Kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về ATK Thái Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tối 19-5, tại Trung tâm tổ chức sự kiện - Khu du lịch Hồ Núi Cốc (xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên), tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về ATK Thái Nguyên lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; 122 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt cho Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; các vị Bí thư Trung ương Đảng: Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội; Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã dự buổi lễ.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến dâng hương tại nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở khu di tích lịch sử Định Hóa (Thái Nguyên).
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến dâng hương tại nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở khu di tích lịch sử Định Hóa (Thái Nguyên).

Đọc diễn văn tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên Dương Ngọc Long nêu rõ ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Việt Nam đã phải bước vào một cuộc chiến đấu mới chống sự tái chiếm của thực dân Pháp.

Với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán được âm mưu, hành động của những kẻ xâm lược. Người đã chỉ đạo trở lại Việt Bắc xây dựng An toàn khu kháng chiến lâu dài. Người khẳng định: “Cách mệnh đã do Việt Bắc mà thành công thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”.

Cùng với Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên vinh dự được Trung ương Đảng, Bác Hồ và Chính phủ chọn làm nơi xây dựng căn cứ địa cách mạng, là Thủ đô trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

Ngày 20-5-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới ở và làm việc tại đồi Khau Tý, xóm Điềm Mặc, nay là xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa. Với vị trí “tiến có thể đánh, lui có thể giữ” và là “nơi có nhân dân tốt, có cơ sở chính trị tốt”, ATK Định Hóa - Thái Nguyên là nơi chủ yếu mà cơ quan của Đảng và Chính phủ làm việc và trở thành “ATK tuyệt mật - Trung tâm Thủ đô kháng chiến của cả nước”.

Từ ATK Thái Nguyên, nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng quyết định vận mệnh dân tộc đã ra đời như Quyết định Chiến dịch Thu Đông 1947, Chiến dịch Biên giới 1950, Quyết định thành lập Hội đồng Quốc phòng tối cao, quyết định triệu tập Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 2 của Đảng, Đại hội thống nhất Mặt trận Liên Việt - Việt Minh, Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất...

Đặc biệt, đầu tháng 12-1953, tại lán Tỉn Keo, dưới chân Đèo De, núi Hồng thuộc xã Phú Đình, Bác Hồ cùng Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ - trận chiến quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc Việt Nam.

Trong suốt cuộc trường kỳ kháng chiến đó, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thái Nguyên luôn làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng là xây dựng, chiến đấu, bảo vệ Thủ đô kháng chiến, bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não của Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Đến nay, tỉnh Thái Nguyên có 63 xã được công nhận là xã ATK trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với nhiều di tích lịch sử, trong đó riêng ATK Định Hóa có 128 điểm di tích lịch sử cách mạng, ghi đậm dấu ấn của thời kỳ cách mạng đó.

Đúng 65 năm sau ngày Bác Hồ về ATK lãnh đạo kháng chiến, ATK Định Hóa được đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng này thêm một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt của ATK Định Hóa trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của dân tộc Việt Nam.

Phát huy truyền thống cách mạng, từ một tỉnh miền núi, với nền sản xuất tự cấp tự túc, trình độ canh tác lạc hậu, đời sống vật chất của các tầng lớp nhân dân còn nghèo nàn, đến nay, kinh tế của tỉnh Thái Nguyên đã phát triển nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng chiếm 41,77% và tỷ trọng dịch vụ chiếm gần 40% trong GDP; đưa tỉnh ra khỏi tình trạng kém phát triển và trở thành một tỉnh công nghiệp, có mức tăng trưởng GDP bình quân 10 năm qua đạt hơn 10% mỗi năm...

Tiếp tục truyền thống vẻ vang của quê hương cách mạng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thái Nguyên phấn đấu cùng cả nước đẩy mạnh Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; gắn với triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh phồn vinh, giàu mạnh, trở thành “một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta” như Bác Hồ đã căn dặn.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ vui mừng được cùng đồng chí, đồng bào dự Lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về An toàn khu (ATK) lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt của ATK Định Hóa.

Chúc mừng Đảng bộ và nhân dân Định Hóa, Thái Nguyên về niềm vui và vinh dự to lớn, Chủ tịch nước khẳng định, kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về ATK Định Hóa lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là dịp để ôn lại và tăng thêm lòng tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang, hào hùng của Đảng, nhân dân, của Đảng bộ và nhân dân Thái Nguyên; đồng thời để củng cố, tăng thêm niềm tin, quyết tâm kế thừa và phát huy truyền thống đó trong thời kỳ cách mạng mới.

Trong gần 30 năm đổi mới vừa qua, nhất là trong 15 năm từ ngày tái lập tỉnh, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, thủ đô kháng chiến, cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã nỗ lực phấn đấu giành được những thành tựu quan trọng, đưa Thái Nguyên ra khỏi tình trạng tỉnh nghèo, kém phát triển, trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo của các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.

Chủ tịch nước đề nghị trong những năm tới, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, các tiềm năng, thế mạnh, nỗ lực phấn đấu, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, để đến năm 2020 góp phần đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Chủ tịch nước nêu rõ Thái Nguyên cần đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang dần phát triển theo chiều sâu, trên cơ sở tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, phát triển kinh tế của tỉnh nhanh, bền vững, làm đầu tàu, tạo sức lan tỏa ra các tỉnh trong khu vực.

Cùng với phát triển kinh tế, Thái Nguyên cần quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, thông tin truyền thông, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường hài hòa với phát triển kinh tế, thực hiện tốt chính sách với người có công, đồng bào các dân tộc vùng ATK và các đối tượng chính sách xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong tỉnh, đảm bảo công bằng xã hội.

Đồng thời, Thái Nguyên cần quan tâm củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.

Chủ tịch nước cho rằng điều có ý nghĩa quyết định để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị nêu trên là Đảng bộ và nhân dân Thái Nguyên phải tập trung làm tốt công tác xây dựng các tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao; đặc biệt là triển khai thực hiện nghiêm túc, có kết quả việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên theo Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Trên cơ sở đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực sự là công bộc của nhân dân, các cơ quan trong bộ máy nhà nước thực sự là của dân, do dân, vì dân, quản lý có hiệu lực, hiệu quả cao; thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh.

Chủ tịch nước tin tưởng phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, Đảng bộ và nhân dân Thái Nguyên nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tiếp tục có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đưa Thái Nguyên trở thành một tỉnh giầu có, phồn thịnh như mong ước của Bác Hồ.

Theo TTXVN
 

Có thể bạn quan tâm