(GLO)- Đọc và nghe nói về ông Kostas Sarantidis đã nhiều nhưng tôi chưa từng dám nghĩ tới một ngày có cơ hội gặp người nước ngoài duy nhất được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, lại mang cái tên Việt Nam Nguyễn Văn Lập. Cho đến một ngày cuối tháng 6-2017, nhân chuyến sang Hy Lạp, tôi nhận chuyển giúp từ Hà Nội đến ông một cuốn sách thì giấc mơ xa vời ấy bỗng trở thành hiện thực.
Do địa chỉ ghi trên bì thư không thật rõ nên chiếc taxi chở tôi phải loanh quanh khá lâu ở ngoại ô thủ đô Athens trước khi tìm được con người đặc biệt này. Trời nóng như rang, tôi gõ cửa nhà ông-một căn hộ bình thường trong một chung cư nhỏ, đơn sơ. Theo thói quen, trước một cụ già tóc bạc chưa từng gặp, lại không hẹn trước, tôi có chút e dè nên nói tiếng Anh chậm rãi và rõ ràng, đại ý: Xin chào ông, tôi đến từ Việt Nam. Tôi được nhờ chuyển tới ông một món quà từ một người bạn của ông ở Hà Nội, tên là… Mới nói đến đó thì ông đã cười vang mừng rỡ và ôm chầm lấy tôi, đáp bằng một thứ tiếng Việt rất sõi: Cháu vào nhà đi!
Chúng tôi ngồi cạnh nhau, trước mặt là một cái bàn uống nước giản dị. Ở phòng bên cạnh là vợ ông và người con gái. Sau khi nhận quà, nói qua về người bạn cao niên đã gửi cho mình cuốn sách này, ông hỏi tôi nhiều về tình hình Việt Nam. Tôi trả lời và tranh thủ phỏng vấn người lính chống Pháp về cuộc sống hiện tại của ông bà và quan sát căn phòng được bài trí hệt như nơi sinh hoạt của một cựu chiến binh Việt Nam. Những việc nào đã biết, kiểu như ông sinh năm 1927, chưa đủ 17 tuổi đã bị bắt đi lao động phục vụ quân đội phát xít Đức, kết thúc chiến tranh, trôi dạt sang Ý…, tôi chỉ hỏi để xác nhận lại. Việc quan trọng như tháng 2-1946, sang Sài Gòn trong đội quân xâm lược, bằng cách nào ông đã trốn sang hàng ngũ Việt Minh để trở thành người lính da trắng của Bác Hồ, tôi hỏi kỹ hơn.
Ký ức như ùa về, ông nói khá nhiều về cảm xúc, sự phẫn uất của mình-một chàng trai trẻ khi đó-nhưng tôi nhớ nhất câu: Người Việt Nam hiền lành, họ có tội gì đâu mà đem súng đạn sang đây bắn giết? Tôi lại hỏi: Khi đó, ông chưa biết Việt Minh là gì, làm sao lại dám theo họ? Ông trả lời: “Ban đầu thì chưa nhưng sau thì tôi có biết một chút qua các tù binh bị lính Pháp bắt. Đó là những chiến sĩ kiên cường và sống có lý tưởng. Tôi cũng tình cờ gặp được một nữ điệp viên trẻ tuổi nhưng xinh đẹp, tài giỏi của Việt Minh và người con gái ấy đã khiến tôi quyết định rời bỏ đơn vị Lê dương (Légion étrangère). Ngày 6-4-1946, tôi và một người bạn (ông Santo Merinos, người Tây Ban Nha) đã giải thoát cho 25 tù nhân và mang theo vũ khí cùng họ chạy về phía bộ đội”.
Tác giả và ông Kostas Sarantidis-Nguyễn Văn Lập tại nhà riêng ở Hy Lạp. Ảnh: Nguyễn Trang |
Kostas Sarantidis xuất thân từ một gia đình nghèo, cuộc sống khó khăn luôn bủa vây, đặc biệt là đã trải qua thời gian chiến tranh thế giới khủng khiếp. Vì vậy, khi sang Việt Nam, ông hiểu rõ nỗi đau khổ của những người dân mất nước. Họ không chỉ thiếu thốn đủ bề mà còn luôn bị cuộc chiến hành hạ từ nhiều phía. Những con người ấy không đáng bị đối xử tàn tệ hơn nữa. Ngay từ đầu, ông đã nghĩ như vậy và tìm cách trốn khỏi hàng ngũ lính đánh thuê. Khi sang bên này chiến tuyến, dù đời sống vật chất khó khăn hơn nhưng được những người lính Cụ Hồ giúp đỡ tận tình, thông qua truyền đơn, thư từ, loa đài, ông đã làm tốt nhiệm vụ binh vận, lôi kéo được nhiều người lính có suy nghĩ như mình trở về với lực lượng cách mạng.
Anh Bộ đội Cụ Hồ Nguyễn Văn Lập vẫn còn nhớ mãi một kỷ niệm trên chiến trường Liên khu 5. Đó là vào một mùa giáp hạt trước năm 1954, hành quân mà đói quá, hai đầu gối run cầm cập, chân ông muốn khuỵu xuống. Thấy vậy, người chỉ huy bảo: Đồng chí Lập, vào rẫy bẻ 2 cái bắp. Ông đã từ chối. Người chỉ huy nghiêm giọng: Tôi ra lệnh cho đồng chí vào rẫy… Chiến sĩ Nguyễn Văn Lập vẫn từ chối và nhỏ nhẹ đáp lời người sĩ quan rất thương lính của mình: Quân đội không được lấy của dân từ cây kim sợi chỉ, Bác Hồ đã dạy như vậy… Chưa đầy 3 năm sống và chiến đấu bên cạnh những người nông dân mặc áo lính, chiến sĩ quốc tế Kostas Sarantidis-Nguyễn Văn Lập đã được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đó là dịp sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh 19-5-1949, ngày mà ông Lập bảo mình không bao giờ quên.
Như nhiều cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 803 (Liên khu 5), ông tập kết ra Bắc sau Hiệp định Genève 1954. Xuất ngũ năm 1956, theo sự phân công của tổ chức, ông đã hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ khác nhau, có lúc là phiên dịch, lại có khi là lái xe, thậm chí đóng phim… Năm 1958, ông lấy vợ, một người Hà Nội. Năm 1965, gia đình Kostas Sarantidis-Nguyễn Văn Lập trở về Hy Lạp, nơi người mẹ già đã chờ đợi ông suốt 20 năm. Ông kể, hệt như miền Bắc Việt Nam, những năm tháng đó, ông đã phải làm khá nhiều việc để mưu sinh trên chính quê hương mình. Vợ chồng ông có 4 người con, tất cả đều mang họ tên Việt.
Năm 2010, ông được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận là công dân Việt Nam. Năm 2013, ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Bất chấp tuổi 86, ông đã bay từ Athens sang Hà Nội để đón nhận vinh dự này. Ông nói vui: Trước khi đi, tôi đã viết di chúc dặn cả nhà rồi, nếu có mệnh hệ gì thì cứ để mình nằm ở Việt Nam.
Tôi hỏi: Có khi nào ông và bà định trở lại nơi ông từng sống thời trẻ không? Ông đáp ngay là có, rằng ông bà vẫn luôn nghĩ về việc đó. Theo Kostas Sarantidis, bề ngoài ông là người Hy Lạp, nhưng trái tim, tâm hồn ông từ lâu đã thuộc về Việt Nam. Được sống những ngày cuối đời ở đó là một niềm hạnh phúc.
Nhưng bây giờ thì mong ước chân thành ấy của ông đã không thể thực hiện. Trái tim nhân hậu của người chiến sĩ cộng sản quốc tế đã ngừng đập tối 25-6 (giờ Việt Nam). Nhớ về Kostas Sarantidis-Nguyễn Văn Lập, tôi vẫn đinh ninh mãi lời hẹn hôm nào khi ông tiễn tôi ra xe: Chúng ta sẽ gặp lại ở Việt Nam!
NGUYỄN QUANG TUỆ