Du lịch

Hành trang lữ hành

“Kỳ tích sông Hàn” - Những điều mắt thấy, tai nghe

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tiết trời rất đẹp, trời trong xanh, nắng chan hòa, không khí se se lạnh, không gian nhuộm một màu trắng hồng rực rỡ, tinh khôi, thánh thiện của hoa anh đào.

Ai cũng tranh thủ chọn cho mình những khung cảnh, góc nhìn để có được những bức hình đẹp nhất, lung linh và tươi tắn nhất.

Với diện tích chỉ hơn 100 ngàn km2, không nhiều tài nguyên thiên nhiên, đất đai cằn cỗi, 70% diện tích lãnh thổ là đồi núi nên người Hàn Quốc có câu “mở mắt thấy đồi, mở nồi thấy kim chi”.

Những năm 1960, khi vừa thoát ra khỏi chiến tranh, đời sống người dân vô cùng khó khăn, vậy mà chỉ trong hơn ba thập niên, Hàn Quốc đã hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, trở thành một cường quốc kinh tế.

Đến năm 2020, Hàn Quốc có quy mô nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới, thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 34.000 USD. Hàn Quốc được ngợi ca là “kỳ tích sông Hàn”, là một trong bốn “con rồng châu Á”.

Ưu tiên bảo vệ môi trường

Song song với phát triển kinh tế, người dân và Chính phủ Hàn Quốc đang dành sự ưu tiên cho vấn đề môi trường, chiến lược phát triển dựa trên nền tảng xanh và chi phí cho chương trình này tiêu tốn gần 2% GDP.

Sân bay quốc tế Incheon, một trong những sân bay lớn nhất, nhộn nhịp nhất thế giới, chỉ riêng sảnh quốc tế có đến 270 cửa, hành khách di chuyển bằng hệ thống tàu điện.

Tôi quan sát thấy ở rất nhiều vị trí đẹp nhất người ta bày biện những tiểu cảnh cây xanh, những ô vuông cây cảnh đẹp mắt và nơi hành khách chờ ra máy bay là những dãy dài hoa phong lan nhiều màu sắc.

Thùng đựng rác được đặt khắp nơi, gồm có hai ngăn làm bằng chất liệu nhựa trong suốt, một thùng chữ màu xanh cho rác tái chế được, một thùng chữ màu đỏ cho loại rác không tái chế.

Công viên Yeouido Hagang (thủ đô Seoul, Hàn Quốc).

Công viên Yeouido Hagang (thủ đô Seoul, Hàn Quốc).

Với những chai đựng nước, Chính phủ quy định không được có bọc nhựa ở nắp, không có miếng nhựa quấn quanh chai nước nhằm làm giảm lượng rác thải ra môi trường.

Tất cả thông tin đều phải được ghi rõ trong chai khi sản xuất để người dùng biết. Uống hết nước, có thể sử dụng chai đi lấy nước ở cột nước để sử dụng nhiều lần.

Ngay cả dầu gội đầu và sữa tắm trong khách sạn cũng không hề có những gói được đóng sẵn mà được đựng trong những chai thủy tinh lớn để khách dùng nhiều lần.

Đường phố sạch sẽ, phong quang, không tìm thấy một túi ni lông hay bất cứ một loại rác thải nào ngoài môi trường. Ai vi phạm, hệ thống camera công cộng sẽ ghi lại và bị xử phạt nghiêm minh.

Hóa ra người Hàn Quốc đề ra mục tiêu rất lớn nhưng lại bắt đầu từ những việc rất nhỏ.

Ưu tiên phương tiện công cộng và người đi bộ

Chính phủ và người dân Hàn Quốc coi giao thông như mạch máu con người, mạch máu lưu thông thông suốt thì cơ thể mới khỏe mạnh.

Chính vì vậy, từ những năm 1960, dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng Chính phủ Hàn quốc đã cho xây dựng một tuyến cao tốc nối thủ đô Seoul với Busan ở phía nam dài 428 km.

Cao tốc Gyeongbu này đã tạo một “cú huých” mạnh mẽ như bắt đầu của một đường băng cho Hàn Quốc cất cánh.

Bây giờ ở Hàn Quốc, hệ thống giao thông đã khá hoàn chỉnh gồm cả đường hàng không, đường thủy và đường bộ.

Hàn Quốc có quy định dành làn ưu tiên cho xe buýt và những phương tiện chuyên chở từ 7 người trở lên góp phần chống ùn tắc giao thông.

Trạm chờ xe buýt được thiết kế đặt ở giữa các làn đường để tạo sự an toàn, thuận tiện cho người sử dụng phương tiện công cộng này.

Tại các cột đèn giao thông có một hệ thống để người đi bộ xin đường bằng cách bấm vào nút tròn. Khi có tín hiệu xanh dành cho người đi bộ, tất cả các phương tiện đều dừng lại nhường cho người đi bộ qua đường.

Nếu người đi bộ chưa qua hết đường mà tín hiệu đã chuyển sang màu đỏ, tôi quan sát thấy các phương tiện ô tô ở chiều ngược lại vẫn dừng chờ cho người đi bộ đi qua mà không hề có một tiếng còi xe giục giã.

Tôn vinh truyền thống, xem văn hóa là “sức mạnh mềm”

Cung điện Gyeongbokgung của triều đại Joseon từ thế kỷ 14 là điểm du lịch thu hút rất đông du khách.

Ai cũng phải xếp hàng lần lượt vào cổng; song những du khách mặc trang phục truyền thống Hanbok sẽ được theo lối đi ưu tiên để vào bên trong cung điện.

Điều đó thể hiện sự trân quý khi du khách mặc bộ trang phục mà người dân Hàn Quốc xem là “quốc bảo”.

Trang phục dân tộc Hanbok của người Hàn Quốc (tại cung điện Gyeongbok).

Trang phục dân tộc Hanbok của người Hàn Quốc (tại cung điện Gyeongbok).

Những ngày ở Hàn Quốc, đoàn chúng tôi còn được xem một show diễn khá thú vị có tên là Painters. Có người dịch là “những chàng họa sĩ”, còn tôi hiểu theo nghĩa là “những anh thợ sơn” rất tài hoa, vui nhộn.

Suốt 75 phút của show diễn, những “anh thợ sơn” áo quần nhem nhuốc đủ màu sơn này vừa biểu diễn những điệu nhảy hiphop điêu luyện, vừa vẽ rất nhanh những nét vẽ nguệch ngoạc tưởng như không ăn nhập gì với nhau.

Nhưng khi cả bốn bức ghép lại thì đó là chân dung những nghệ sĩ nổi tiếng, những phong cảnh, con thú vô cùng sinh động.

Điều đặc biệt là nhóm bốn “anh thợ sơn” này có những màn tương tác với khán giả, kéo khán giả cùng tham gia những bức vẽ ngẫu hứng. Một show diễn mà khán giả cùng vỗ tay theo điệu nhảy, cùng cười sảng khoái với diễn viên.

Có thể thấy, văn hóa đã trở thành một sản phẩm đặc sắc của Hàn Quốc; xuất khẩu văn hóa được Hàn Quốc thực hiện rất thành công.

Trong suốt những thập niên vừa qua, âm nhạc, điện ảnh, phim truyền hình, thời trang, công nghệ giải trí… được Hàn Quốc tập trung đẩy mạnh, trở thành một trong 10 quốc gia xuất khẩu văn hóa hàng đầu thế giới.

Ví dụ, khi nói về ban nhạc BTS trong top 10 nhóm nhạc nổi tiếng nhất thế giới, người ta nghĩ ngay về đất nước Hàn Quốc; khi nghe MV sôi nổi, cuốn hút đến độ lạ kỳ "Gangnam Style" với 3,5 tỷ lượt người xem, lập kỷ lục top 5 MV có lượt người xem nhiều nhất thế giới, người ta cũng nghĩ ngay đến xứ sở kim chi chứ không phải đất nước nào khác.

Văn hóa đã trở thành kinh tế. Nhưng trên hết nó nâng tầm lên thành “sức mạnh mềm” của một quốc gia để góp phần làm nên “Kỳ tích sông Hàn”.

Có thể bạn quan tâm