Ký ức chợ Pleiku xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Không đơn thuần là nơi giao thương, mua bán, chợ Pleiku xưa (nay là Trung tâm Thương mại Pleiku) đối với nhiều người con Phố núi còn là nơi neo giữ một phần ký ức. Để rồi, mỗi lần nhắc chuyện xưa, trong lòng họ lại bồi hồi xúc cảm về một thời đáng nhớ...
1. Một ngày tháng 8, mưa thôi rả rích. Những tia nắng vén màn mây chiếu rọi xuống phố phường. Nơi ki ốt góc ngã ba đường Ngô Gia Tự-Duy Tân, bà Phạm Thị Hồng Hà (66 tuổi) cặm cụi gỡ mấy tấm ni lông che mưa bên hiên quầy, để lộ sạp hàng với những chiếc chăn, ga, gối, đệm đầy màu sắc. “Mùa mưa ở Pleiku đến rồi, buôn bán cũng bắt đầu cực và thưa khách hơn”-bà Hà cảm thán.
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, sau khi nghỉ việc nhà nước vì mất sức lao động, bà Hà quyết định ra chợ Pleiku buôn bán quần áo may sẵn và đồ bảo hộ lao động để mưu sinh. Trong ký ức của bà, khi ấy, khu chợ còn có tên gọi là chợ Lớn, chợ Mới, không khí bán mua rất nhộn nhịp, sôi động. Trên khuôn đất rộng hình chữ nhật chỉ có một mái che hình vòm lợp bằng tôn kẽm với những trụ bê tông làm cột đỡ, 4 phía để trống không thưng bít. Tiểu thương ngồi trong lồng chợ theo từng ô phân sẵn (mỗi ô khoảng 9 m2), tự đóng sạp gỗ hình khối vuông hay chữ nhật để trưng hàng bán. Riêng những mặt hàng tươi sống như thịt, cá... thường được bày trên những chiếc bàn gỗ thấp hình chữ nhật mà mọi người quen gọi là phản. Bên ngoài nhà lồng có một nơi dành cho đồng bào dân tộc thiểu số hay những người “chạy chợ” bán mua các sản vật tự nuôi trồng được theo mùa.
“Vì không gian buôn bán khá nhỏ nên tôi không trữ quá nhiều hàng mà hết đâu nhập đó. Thường thì tầm 1 tuần đến 10 ngày, tôi sẽ theo xe vào Sài Gòn lấy hàng 1 lần. Các tuyến đường bao quanh chợ như Thi Sách (A1), Ngô Gia Tự (A2) thời điểm trước chỉ là những con hẻm nhỏ. Do đó, mỗi khi hàng về, chúng tôi đều phải tự khuân vác hoặc thuê người đưa hàng từ đầu đường chính vào chứ xe không thể chở đến tận nơi”-bà Hà kể.
Dọc tuyến đường Ngô Gia Tự, việc kinh doanh, mua bán khá nhộn nhịp. Ảnh: Mộc Trà
Dọc tuyến đường Ngô Gia Tự, việc kinh doanh, mua bán khá nhộn nhịp. Ảnh: Mộc Trà
Cách quầy bà Hà không xa là sạp hàng bán đồ truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số bản địa của bà Thân Thị Ngọc Lan (74 tuổi). Vừa sắp xếp lại hàng hóa, bà Lan vừa bồi hồi nhắc nhớ về hành trình gần nửa thế kỷ gắn bó với chợ Pleiku. Buổi đầu ra chợ, bà chỉ bán vải, sau đó chuyển sang kinh doanh quần áo may sẵn và đồ thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Bahnar, Jrai. “Mặc dù buôn bán có lúc thăng trầm, song tôi chưa bao giờ có ý định bỏ chợ. Cả 7 đứa con của tôi cũng dần lớn lên và trưởng thành theo những ngày cùng mẹ ra chợ bán hàng. Bởi vậy, nơi đây vừa là thói quen, vừa là niềm vui cũng như ngôi nhà thứ hai của cả gia đình”-bà Lan bộc bạch.
Cũng theo bà Lan và một số tiểu thương lớn tuổi, chợ Pleiku ra đời vào khoảng những năm 1957-1958, tọa lạc ở vị trí Trung tâm Thương mại Pleiku ngày nay nhưng diện tích nhỏ hơn. Chợ nhóm họp hầu như cả ngày và quanh năm, hoạt động khá sầm uất. Đến đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, trong chợ xuất hiện nhiều hiệu buôn lớn, nhà xây kiên cố bán nông sản, rượu, bia, nước ngọt, bánh kẹo hay kinh doanh vàng bạc, nữ trang. Phần đông là của người Hoa như: Cần Thành, Hiệp Lợi, Chí Bát Chành, Tân Thành…; chỉ có một số ít của cư dân địa phương như: hiệu buôn Minh Phát, tiệm vàng Vĩnh Thạnh.
Bà Thân Thị Ngọc Lan (bìa phải) và bà Phạm Thị Hồng Hà cùng nhắc nhớ về hoạt động của chợ Pleiku xưa. Ảnh: Mộc Trà
Bà Thân Thị Ngọc Lan (bìa phải) và bà Phạm Thị Hồng Hà cùng nhắc nhớ về hoạt động của chợ Pleiku xưa. Ảnh: Mộc Trà
Chia sẻ với tôi, bà Nguyễn Thị Thu Yến-quản lý tiệm vàng Kim Thành (đường Nguyễn Thiện Thuật), con gái của ông chủ hiệu buôn Minh Phát Nguyễn Đức Á nổi tiếng một thời ở khu vực chợ Pleiku-cho hay: Ngày trước, ba tôi mở hiệu buôn ngay vị trí góc cổng Trung tâm Thương mại Pleiku trên đường Trần Phú bây giờ, nhập hàng từ những người Hoa ở Sài Gòn về bán sỉ lẫn lẻ. Đến tháng 3-1975, khi thị xã Pleiku giải phóng, nhiều tiểu thương ở chợ đã bỏ mặc tài sản để di tản. Không ít thành phần hôi của, cướp hàng hóa ở các gian hàng rồi châm lửa đốt khiến chợ bị cháy. Hiệu buôn của gia đình tôi khi đó cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Hòa bình lập lại, ba tôi sửa tạm nhà ở rồi tiếp tục bán tạp hóa nhưng khá chật vật. Mãi đến năm 1989, khi Trung ương có quyết định về việc cho phép hộ kinh tế cá thể kinh doanh vàng bạc, đá quý, ba tôi mới rẽ hướng sang mở tiệm vàng để tôi cùng ông quản lý. 
Không chỉ các tiểu thương buôn bán cố định, chợ Pleiku còn là nơi neo giữ ký ức tuổi thơ của con dân Phố núi. Sinh ra và lớn lên tại Pleiku, bà Nguyễn Thị Hoa (tổ 14, phường Phù Đổng) còn nhớ như in những ngày bé theo mẹ lên chợ Mới. Không khí bán mua rộn ràng với đầy đủ thức vị khiến cô bé vùng ven mỗi lần lên trung tâm chẳng thể rời mắt. Thời gian dần trôi, cùng với sự phát triển của Phố núi, các cửa hàng tiện lợi, siêu thị hay chợ xã, phường mọc lên khắp chốn. Thế nhưng, bà Hoa vẫn giữ thói quen đi lên chợ Lớn để mua sắm mỗi dịp lễ, Tết hay khi gia đình tổ chức sự kiện quan trọng. 
Hiệu buôn Minh Phát trước giải phóng (ảnh nhân vật cung cấp).
Hiệu buôn Minh Phát trước giải phóng (ảnh nhân vật cung cấp).
Còn với anh Đinh Trọng Toàn (tổ 9, phường Hoa Lư), ký ức về chợ Pleiku lại gắn liền với những ngày giáp Tết. Anh kể, những năm cận trước và sau giải phóng, xóm 10 (khối phố 55, thị xã Pleiku) nơi anh sinh sống rộ lên nghề trồng hoa rồi trở thành nơi chuyên cung cấp hoa cho thị trường Pleiku mỗi dịp xuân về. Cứ tầm 25, 26 tháng Chạp là cả xóm lại rộn ràng đưa hoa ra chợ ngay khu vực đường Nguyễn Thiện Thuật để bán. “Tôi theo người nhà ra chợ sắp xếp hoa, canh giữ hoa suốt nhiều ngày mà không biết chán. Kế bên, hoạt động giao thương hàng hóa những ngày giáp Tết cũng vô cùng nhộn nhịp chẳng thua kém so với ngày nay”-anh Toàn hồi nhớ.
2. Theo Lịch sử Đảng bộ TP. Pleiku (1945-2005), bước sang những năm 90 của thế kỷ XX, sau khi thực hiện cơ chế mới, thương mại-dịch vụ ở Pleiku phát triển khá mạnh. Thời gian này, Thị ủy có chủ trương xây dựng các chợ trung tâm và chợ nông thôn để kích thích hàng hóa với phương châm “lấy chợ nuôi chợ” và chợ Lớn Pleiku cũng nằm trong số đó. Nhớ lại những ngày tuyên truyền, vận động bà con dời chợ để chuẩn bị giải phóng mặt bằng vào cuối năm 1995, ông Lê Văn Thủy-Đội trưởng Đội An ninh trật tự (Ban Quản lý Trung tâm Thương mại Pleiku) cho hay: “Khu vực chợ tạm khi đó được bố trí dọc trục đường Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thiện Thuật, Lê Lai và lấy bến xe nội thị làm trung tâm chợ. Đa phần tiểu thương đều rất đồng tình ủng hộ khi nghe chợ được đầu tư xây mới khang trang. Chúng tôi có nhiệm vụ giải tỏa, bố trí, sắp xếp cho tiểu thương buôn bán đúng vị trí quy định, đảm bảo an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy tại khu vực chợ tạm”.
Sau 2 năm khởi công xây dựng, tháng 8-1997, chợ Pleiku hoàn thành với tên gọi Trung tâm Thương mại Pleiku trực thuộc sự quản lý của UBND thị xã Pleiku (nay là TP. Pleiku), theo Quyết định số 376/QĐ-UB ngày 7-8-1997 của UBND tỉnh. Trung tâm có tổng diện tích hơn 16.670 m2, bao gồm các hạng mục chính: cửa hàng bách hóa, ki ốt, nhà lồng, nhà lều, nhà làm việc Ban Quản lý, 857 lô và 80 gian hàng có mặt ngoài đường A1 và A2. Ông Bùi Kim Truyền-Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý Trung tâm Thương mại Pleiku-thông tin: Hiện nay, có khoảng hơn 500 hộ tiểu thương đang kinh doanh cố định và 170-200 hộ kinh doanh lộ thiên (không thường xuyên). 25 năm qua, Trung tâm đã trở thành nơi giao dịch, mua bán, trao đổi hàng hóa của các tổ chức kinh tế và cá nhân; cũng là một trong những điểm đến được nhiều du khách lựa chọn khi tới tham quan Phố núi. Tuy nhiên, vì thời gian đưa vào sử dụng đã khá lâu nhưng chưa được duy tu bảo dưỡng, sửa chữa lớn nên các hạng mục công trình đã xuống cấp. “Ban Quản lý và nhiều tiểu thương đều mong muốn, Trung tâm sớm được đầu tư xây dựng khang trang trở lại, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân kinh doanh, mua bán, vừa góp phần phát triển du lịch cho địa phương”-ông Truyền bày tỏ.
Trung tâm Thương mại Pleiku nhìn từ đường Nguyễn Thiện Thuật. Ảnh: Mộc Trà
Trung tâm Thương mại Pleiku nhìn từ đường Nguyễn Thiện Thuật. Ảnh: Mộc Trà
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Đỗ Việt Hưng cũng khẳng định, việc đầu tư, nâng cấp Trung tâm Thương mại Pleiku là cần thiết, phù hợp với mục tiêu của thành phố về phát triển kinh tế, du lịch; góp phần hoàn chỉnh, nâng cao các tiêu chí của đô thị loại I. Tuy nhiên, vì kinh phí đầu tư cho dự án khá lớn nên thành phố đã đề xuất tỉnh đưa dự án này vào danh mục kêu gọi đầu tư để huy động nguồn lực từ xã hội nhằm xây dựng một trung tâm thương mại khang trang, hiện đại, xứng tầm với sự phát triển của thành phố trong giai đoạn hiện nay. 
“Hiện có 2 nhà đầu tư đang quan tâm đến dự án này. Ủy ban nhân dân thành phố đang phối hợp với các sở, ngành của tỉnh làm việc với nhà đầu tư để làm rõ thông tin về ý tưởng nghiên cứu dự án trước khi báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép triển khai. Ngay khi chọn được nhà đầu tư, thành phố sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng cũng như triển khai các biện pháp cần thiết để ổn định hoạt động của Trung tâm Thương mại, tạo điều kiện cho dự án được triển khai thuận lợi, nhanh chóng”-ông Hưng cho biết.
*
...“Muốn tìm hiểu về đời sống, thậm chí là văn hóa và tập tục của một vùng đất nào đó thì hãy đến chợ”-nhiều chuyên gia văn hóa đã khẳng định như vậy. Dẫu cuộc sống phát triển đã kéo theo sự xuất hiện của các loại hình mua sắm hiện đại, nhưng những khu chợ truyền thống vẫn có được vị trí nhất định trong lòng nhiều người. Và với dáng dấp “hồn quê-hương phố”, tin rằng, Trung tâm Thương mại Pleiku sẽ tiếp tục là điểm dừng chân của đông đảo du khách gần xa.
MỘC TRÀ