TN - Đất & Người

Ký ức của những cựu nữ quân nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ, những người lính ngày nào đã rời quân ngũ, trở về với cuộc sống đời thường và giờ đã lên chức ông bà, song mỗi khi nhắc lại một thời hoa lửa, ký ức ấy lại trở về vẹn nguyên. Và đến Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12), họ lại “nôn nao trong dạ”, bởi họ từng là lính!
 

Bà Ngô Thị Yến. Ảnh: H.T
Bà Ngô Thị Yến. Ảnh: H.T

Trong ngôi nhà nhỏ ở tổ 6, phường Ia Kring (TP. Pleiku), người phụ nữ ở cái tuổi gần đất xa trời-cựu chiến binh Ngô Thị Yến kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về một nữ quân y của gần 40 năm về trước. 20 tuổi, bà Yến tham gia vào đội du kích địa phương (xã Trưng Trắc, Văn Lâm, Hưng Yên) và tích cực cùng thanh niên lao động sản xuất phục vụ chiến đấu. Năm 1965 bà được cử đi học lớp trung cấp y đến năm 1970 thì trở về địa phương với vai trò là Trưởng trạm Y tế kiêm Phó ban thường trực cấp cứu phòng không của xã.

Nói là quân y chuyên băng bó vết thương, sơ cấp cứu thương binh, bệnh binh và nhân dân nhưng thời đó từ sản xuất lương thực, thực phẩm phục vụ chiến trường đến chuyển bệnh nhân về tuyến trên bà và đồng đội đều tham gia góp sức. Và trong tâm trí của bà, ký ức về cuộc chiến 12 ngày đêm của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm 1972 khi đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc chưa khi nào phai nhòa. Bà Yến kể lại: “Lúc đó thanh niên trong xã dù gái hay trai, tất cả từ 18 tuổi trở lên đều được động viên nhập ngũ đánh giặc. Dường như quên hết sự ác liệt của bom đạn, dòng người cứ thế nối nhau hành quân không mệt mỏi. Anh em làm quân y lúc đó cũng không còn nghĩ mình chỉ là một người lính quân y, mà thực sự là chiến sĩ trên chiến trường, vai mang súng đạn trực tiếp chiến đấu, trực tiếp cứu thương và trực tiếp vận chuyển đạn dược cho đồng đội”. Mặc cho bom đạn đỏ rực cả bầu trời Hà Nội mỗi khi có máy bay địch tới, bà và đồng đội đã cấp cứu kịp thời biết bao thương binh ngay tại trận đánh.

Tiếp nối truyền thống, nghị lực của một nữ quân y, rời khỏi cuộc chiến, bà tiếp tục đảm nhận công việc của một y sĩ trong Sư đoàn 359 của Binh đoàn 15 và tích cực tham gia các hoạt động của địa phương.

 

Bà Nguyễn Thị My. Ảnh: H.T
Bà Nguyễn Thị My. Ảnh: H.T

Còn với bà Nguyễn Thị My (làng Khưn, phường Trà Bá, TP. Pleiku)-cán bộ Đoàn An dưỡng 582-đơn vị chăm sóc thương binh nặng chuyển từ chiến trường ra Bắc thì khoảng thời gian chăm sóc thương binh ở Đoàn Điều dưỡng là khoảng thời gian nhiều nước mắt! Bởi, thương binh được chuyển về Đoàn Điều dưỡng khi đó chủ yếu là từ hạng 5, hạng 6 trở lên-gần như mất sức lao động hoàn toàn…

Đến ngay cả những việc được xem là cơ bản nhất, như: đánh răng, rửa mặt, mắc màn, tắm giặt… họ cũng không thể tự làm. Chính vì không còn lành lặn nên họ trở nên mặc cảm, tự ti và rất dễ cáu bẳn, hơn nữa không ít lần họ tìm đến cái chết để chấm dứt sự đau đớn. Vì vậy, những cán bộ, điều dưỡng viên ngoài việc tận tụy bên cạnh chăm sóc như người mẹ, người chị, người vợ lo từng miếng ăn, giấc ngủ họ còn kiêm luôn nhiệm vụ trông chừng, động viên để những thương binh này có thêm nghị lực sống. Nếu không xuất phát từ tình đồng đội, tình người thì công việc chăm sóc một thương binh nặng sẽ rất khó khăn và rất khó có thể hoàn thành được công việc…

Họ là những người lính đã được trui rèn trong lửa đạn chiến tranh. Và hôm nay, khi trở về cuộc sống đời thường, họ vẫn đang tiếp tục phát huy truyền thống, phẩm chất cao quý ấy, dù trong số họ vẫn còn nhiều người có cuộc sống khó khăn.

Anh Huy-Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm