Chính trị

Ký ức khó quên những năm tháng làm chuyên gia ở Campuchia

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Không trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng những ngày gian khổ tham gia đoàn chuyên gia Việt Nam giúp nước bạn Campuchia bảo vệ thành quả cách mạng, củng cố chính quyền, hồi sinh đất nước đã trở thành ký ức khó quên trong tâm khảm ông Nguyễn Đăng Sơn (157 Phan Đình Phùng, TP. Pleiku).

Ký ức khó quên

Nhiều lần đi cùng ông Sơn để tặng quà, khám phát thuốc miễn phí cho người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Chư Prông chúng tôi mới có dịp hiểu hơn về những đóng góp của ông trong công tác từ thiện. Đặc biệt hơn, tôi còn có cơ hội hiểu thêm về những năm tháng ông tham gia lực lượng chuyên gia giúp củng cố chính quyền, hồi sinh đất nước bạn Campuchia.

Ông Sơn bên những tấm huân, huy chương được trao tặng. Ảnh: Nhật Hào

Ông Sơn bên những tấm huân, huy chương được trao tặng. Ảnh: Nhật Hào

Ông Sơn sinh ra và lớn lên tại phường Thiệu Khánh, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1979, sau khi tốt nghiệp THPT, ông được cử đi học khóa ngắn hạn phiên dịch tại Trường Đại học Tổng hợp (TP. Hà Nội). Sau 1 năm tích cực học tập, năm 1980, ông được bổ sung vào lực lượng phiên dịch của Ban Công tác Z Trung ương (bí danh là Ban B68, trực thuộc Trung ương Đảng). Thời điểm đó, lực lượng phiên dịch có 300 người. Ông được tăng cường cho Tiểu đoàn 378 thuộc Đoàn 9902 của Mặt trận 479 quân tình nguyện Việt Nam với nhiệm vụ làm phiên dịch cho lực lượng quân đội hỗ trợ lãnh đạo UBND huyện Kampong Leaeng (tỉnh Kampong Chhnang) truy quét tàn quân Pôn Pốt, xây dựng chính quyền cách mạng ở cơ sở, phục hồi sản xuất, phối hợp chữa bệnh, cứu đói cho nhân dân…

Ông Võ Văn Sung-Trưởng ban Vận động thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia tỉnh Gia Lai: "Ông Nguyễn Đăng Sơn là một trong những người tham gia đoàn chuyên gia đầu tiên của Việt Nam sang giúp nước bạn Campuchia bảo vệ thành quả cách mạng, ổn định đất nước sau giải phóng. Sau khi trở về Việt Nam, ông Sơn tham gia Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia và ông cũng rất tích cực phối hợp với tôi trong việc vận động để thành lập Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia tỉnh Gia Lai với mong muốn góp phần thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, hợp tác trong hòa bình giữa 2 nước".

Rót ly nước mời khách, ông Sơn cho biết thêm, chỉ có 1 năm làm nhiệm vụ phiên dịch tại huyện Kampong Leaeng song khoảng thời gian tại đây với ông có nhiều kỷ niệm khó quên. Thời điểm ấy, tàn quân của lực lượng Pôn Pốt vẫn ngấm ngầm hoạt động, thậm chí, chúng còn treo thưởng cho những ai bắt, giết được quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia. "Tháng 4-1980, trong một lần xuống giúp xã Đa (huyện Kampong Leaeng) chuẩn bị cho công tác bầu cử, tổ công tác của chúng tôi có 3 người cùng với 12 lãnh đạo của xã bị quân địch bao vây. Trụ sở của xã nằm giữa bốn bề là núi rừng nhưng trong tay chúng tôi chỉ có 3 khẩu súng K59 nên ai cũng xác định mình sẽ hy sinh. May mắn là khi đó, chúng tôi nghĩ ra cách phát lên loa của xã một thông báo để đánh lừa địch với nội dung: “Tiểu đoàn 378 và Tiểu đoàn Tây Đô (thuộc Đoàn 9902) sẽ bảo vệ cho xã trong thời gian chuẩn bị và tổ chức bầu cử. Kể từ 5 giờ chiều nay, nhà nào ở nhà đó, không được đi qua đi lại”. Hiểu nhầm là mình đang nằm trong vòng vây của lực lượng quân đội Việt Nam nên quân địch tìm cách rút. Nhân cơ hội này, chúng tôi cũng rút lui khỏi trụ sở UBND xã. Tuy nhiên, khi phát hiện bị lừa, địch quay trở lại đuổi theo. Khi đến một nhánh sông của Biển Hồ Tonle Sap, phát hiện có 1 chốt của Tiểu đoàn 378, quân địch nhầm tưởng chúng tôi nên đã nã súng liên tục khiến 6 anh em làm nhiệm vụ tại đây hi sinh”-ông Sơn nhớ lại.

Đến đầu năm 1981, ông Sơn được đơn vị điều đi học tại Trường Cao đẳng An ninh 179 (trước đây là Trường 179 cũ thuộc Bộ Nội vụ, nay thuộc Bộ Công an). Năm 1982, ông tiếp tục được điều sang Campuchia làm chuyên gia an ninh cho huyện Lumphat (tỉnh Ratankiri). Nhiệm vụ của ông là nắm tình hình để tham mưu Trưởng Công an huyện các giải pháp đảm bảo an ninh, nhất là trong việc loại bỏ những lực lượng chính quyền 2 mặt ra khỏi bộ máy chính trị của Campuchia. Đến năm 1986, với nhiệm vụ hỗ trợ xây dựng trụ sở Công an tỉnh Ratankiri, ông Sơn đã đề nghị Công an tỉnh Gia Lai hỗ trợ lực lượng xây dựng. Đến năm 1987, khi trụ sở Công an tỉnh được hoàn thành, tình hình an ninh cơ bản ổn định, ông được rút về nước và công tác tại Phòng Tham mưu Công an tỉnh Gia Lai. Sau đó, vì lý do công việc gia đình, ông xin nghỉ việc vào năm 1989. Ông Sơn tự hào cho hay: "Những năm tháng đóng góp cho nước bạn, tôi được Nhà nước Campuchia tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhất, hạng ba và Huân chương Hữu nghị; được Thủ tướng Chính phủ tặng Huy hiệu “Vì Nghĩa vụ quốc tế”, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng Huy chương “Tuổi trẻ Anh hùng bảo vệ Tổ quốc”. Đến năm 2019, tập thể Ban B68 được Nhà nước Việt Nam tặng Huân chương sao vàng. Đây là niềm vinh dự không chỉ của riêng tôi mà còn là của những đồng chí anh em đã từng phải chịu nhiều gian khổ để thực hiện nhiệm vụ cao cả tại nước bạn Campuchia".

Ông Sơn (thứ 3 từ phải qua) chụp ảnh lưu niệm cùng mọi người trong dịp kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Ban Công tác Z Trung ương. Ảnh: Nhật Hào

Ông Sơn (thứ 3 từ phải qua) chụp ảnh lưu niệm cùng mọi người trong dịp kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Ban Công tác Z Trung ương. Ảnh: Nhật Hào

Chung tay chia sẻ với người nghèo biên giới

Bên cạnh niềm tự hào trên, ông Sơn cũng trăn trở làm sao để có thật nhiều chuyến thăm, tặng quà cho người dân ở khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia. Bởi theo ông, những năm sau khi đất nước ta được giải phóng, lực lượng Pôn Pốt có âm mưu gây chiến đối với Việt Nam và đàn áp nhân dân Campuchia. Chúng đã gây ra rất nhiều tội ác, không chỉ đối với nước bạn Campuchia mà còn đối với cả người dân Việt Nam như bắt bớ, giết chóc người dân, tàn phá thôn làng, nhất là tại các khu vực biên giới. Bởi vậy, khi trở về với cuộc sống đời thường, ông Sơn đã kết nối và phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các chuyến thăm, tặng quà cho các hộ gia đình nghèo ở khu vực biên giới, nhất là những khu vực có nhiều hộ dân bị giết hại bởi lực lượng Pôn Pốt. Riêng tại Gia Lai, từ năm 2019 đến nay, ít nhất mỗi năm 1 đợt, ông kết nối với Mạnh Thường Quân, các cơ quan đơn vị trong nước về tặng quà và khám-chữa bệnh miễn phí cho người dân một số xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới thuộc huyện Chư Prông. Dù vậy, ông Sơn vẫn khiêm tốn chia sẻ: "So với những người khác, việc kết nối làm thiện nguyện của tôi chẳng đáng bao nhiêu. Điều cốt lõi là mong việc làm của mình góp phần chia sẻ khó khăn với người nghèo trên địa bàn".

Ông Sơn trong chuyến từ thiện tại xã Ia Lâu (huyện Chư Prông) đợt Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Ảnh: Nhật Hào

Ông Sơn trong chuyến từ thiện tại xã Ia Lâu (huyện Chư Prông) đợt Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Ảnh: Nhật Hào

Nói về những đóng góp của ông Sơn trong công tác an sinh xã hội tại địa phương, ông Đào Văn Huân-Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Chư Prông thông tin: Ông Nguyễn Đăng Sơn là một trong những cá nhân tiêu biểu, tích cực trong kết nối với các tổ chức, cá nhân triển khai các hoạt động tặng quà, khám chữa bệnh cho người dân, học sinh trên địa bàn huyện, nhất là hàng năm đều phối hợp với Binh đoàn 15, Bệnh viện Quân y 175 (TP. Hồ Chí Minh) và Công đoàn cơ sở Báo chí (Bộ Văn hóa-Thể Thao và Du lịch) tổ chức tặng hàng trăm suất quà, khám chữa bệnh cho hàng trăm người ở các xã biên giới, xã khó khăn của huyện. Do đó, Hội Chữ thập đỏ huyện đã trao Giấy chứng nhận “Tấm lòng vàng nhân đạo” cho ông Sơn để ghi nhận những đóng góp của ông ở địa phương.

Có thể bạn quan tâm