(GLO)- Tham gia cách mạng từ khi mới 16 tuổi, năm nay ở tuổi 63 nhưng ký ức một thời sống trong lòng địch vẫn còn nhớ như in trong tâm trí cựu chiến binh, nữ thương binh Võ Thị Tâm (thôn 2, xã Tân Bình, huyện Đak Đoa).
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, đầu năm 1957, bà Tâm theo gia đình rời quê Quảng Nam định cư nơi vùng đất mới là Khu 9 cũ (xã Tân Bình, huyện Đak Đoa ngày nay). Ngày ấy, trong ký ức của bà, hình ảnh những tên lính ngụy, lúc nào cũng lăm le súng ống bên mình đi hiên ngang trên đất của làng, bà Tâm vô cùng căm ghét.
Bà Võ Thị Tâm thương binh tại buổi biểu dương người có công tiêu biểu. Ảnh: H.T |
Chính sự căm ghét ấy, năm lên 16 tuổi, bà Tâm đã nộp đơn tình nguyện đi làm cách mạng. Đó là vào năm 1971, bà chủ động móc nối liên lạc với cách mạng, được Ban Dân vận hành chính Khu 9 cũ tin tưởng giao nhiệm vụ liên lạc, đưa thư từ, nghe ngóng tình hình địch, kịp thời báo cho lực lượng cách mạng bên ngoài. Một lần, đang dò la nghe ngóng tình hình địch, bà bị bắt, nhưng nhờ sự bình tĩnh, khôn khéo, quân lính đành thả bà ra.
Vốn là người gan dạ, thông minh, bà luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Theo bà Tâm, để làm được điều đó, bà luôn chủ động móc nối với cơ sở bên trong, nhưng để vào được cơ sở bên trong thì- tai phải lắng nghe, mắt dò xét- xem địch có động tĩnh gì không, thấy mọi động thái của địch im ắng, cán bộ hoạt động bí mật nhanh chóng tiếp cận cơ sở bên trong, kịp thời nắm bắt báo lại cho tổ chức cách mạng bên ngoài. “Ngày ấy, để nắm bắt thông tin rất khó khăn. Ban ngày cùng với đồng đội tăng gia sản xuất để có lương thực nuôi quân. Hoạt động bí mật phần lớn vào ban đêm. “Những đêm ngủ ngoài rừng/trải lá cây làm chiếu/manh áo phủ làm chăn” là câu nằm lòng với những người vận động cơ sở như bà Tâm. “Tuy gian nan vất vả nhưng tôi và đồng đội, tự nhủ lòng mình là phải cố gắng, mọi việc từ nhỏ đến lớn luôn luôn phải thận trọng để có được những thông tin chính xác báo cho cách mạng”- bà Tâm nhớ lại.
Giờ đây mỗi khi bồi hồi nhớ lại những năm tháng làm công tác giao liên, xây dựng cơ sở cách mạng trong lòng địch, bà Tâm chia sẻ: “Hạnh phúc lớn nhất trong những năm tháng tham gia làm cách mạng là giây phút, nghe cơ sở bên ngoài báo về, đất nước đã hoàn toàn thống nhất. Những người làm công tác cơ sở bên trong như chúng tôi lúc ấy, vui mừng đã hô vang khẩu hiểu: “Bác Hồ muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Rồi tất cả kéo nhau về Ban Dân vận hành chính Khu 9 tổ chức ăn mừng chiến thắng”- bà Tâm xúc động kể lại.
Sau ngày đất nước giải phóng, bà Võ Thị Tâm lập gia đình và vẫn tiếp tục hoạt động trong công tác vận động quần chúng, rồi bà được đơn vị cho đi học bổ túc hết lớp 7. Đến năm 1981, bà học tiếp hệ trung cấp Ngành phục vụ Trung ương. Năm 1983 ra trường, bà Tâm được điều động về Hội liên hiệp phụ nữ thị xã Pleiku, với cương vị là cán bộ văn phòng Hội, bà Tâm lại dành trọn tâm huyết với việc vận động chị em vào hội, tham gia vào các phong trào, xây dựng nhiều mô hình phát triển sản xuất, giúp chị em có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình.
Bà Võ Thị Tâm vinh dự được Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng Huy chương Kháng chiến hạng nhất. Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Huy chương vì Sự nghiệp giải phóng phụ nữ và nhiều bằng khen của Trung ương, tỉnh. Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017), bà được tôn vinh là nữ thương binh tiêu biểu của huyện Đak Đoa. |
Đến năm 1983, bà Tâm được điều động về làm Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đak Đoa. Ở cương vị này, bà Tâm thường xuyên hướng về cơ sở, vận động chị em xây dựng cuộc sống mới, phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hội. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, bà Tâm đã học Bác từ những việc nhỏ nhất là gầy dựng nhân rộng các phong trào Hội, bằng từng việc làm cụ thể. Điển hình như phong trào “phụ nữ giúp nhau phát phát triển kinh tế gia đình”, bà đã vận động chị em mỗi ngày bỏ vào “Ống tiết kiệm” 1.000 đồng, mỗi người 1.000 đồng nhiều người tham gia sẽ lên hàng trăm, triệu. Nhờ có phong trào ấy, nhiều hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ đã được mượn vốn không tính lãi, khi vốn phát huy hiệu quả trả lại cho hội viên ở cơ sở hội khác cùng mượn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Năm 1993, bà Tâm nghỉ hưu. Bà Tâm quan niệm, là người cộng sản, còn sức thì còn tham gia công tác xã hội. Sau khi về nghỉ hưu, bà Tâm lại được chi bộ thôn 2 bầu giữ chức Bí thư Chi bộ, Hội Cựu chiến binh xã Tân Bình bầu giữ chức Chủ tịch Hội. Với bà Tâm, câu chuyện về những tháng ngày hoạt động bí mật trong lòng địch luôn gây xúc động cho bà cùng người chồng là cán bộ bị địch bắt tù đày và các con. Nhất là những ngày này cả nước mừng Ngày Quốc khánh 2-9 của đất nước. Ngôi bên các con, bà Tâm lại luôn nhắc nhớ các con phải sống để xứng đáng với những hi sinh của các thế hệ đi trước, “dù mỗi người một công việc khác nhau nhưng là công dân nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thì mỗi người hãy sống làm người có ích, đóng góp một phần nhỏ bé của mình vun đắp cho quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh”- bà Tâm luôn nhắc nhở con cháu của mình như thế.
Hà Tây