TN - Đất & Người

Ký ức nhà dài Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tây Nguyên, xứ sở của rừng của gỗ, cũng là xứ sở của những ngôi nhà dài kỷ lục. Có ngôi nhà dài hàng trăm mét. Giữa thảo nguyên, những ngôi nhà sàn hợp với nhau thành làng yên ấm. Trong đó, những nhà giàu có hơn, hùng hậu hơn, thế lực hơn, các gian nhà cứ nối dài thêm ra mãi, dài hàng mấy chục gian!
Đầu những năm 80 thế kỷ trước, đi cơ sở làng vùng sâu các địa phương như Ayun Pa, Krông Pa..., tôi vẫn thấy những ngôi nhà dài rất lạ lẫm. Trông chúng như những đoàn tàu vắt qua cao nguyên, mà những gian nhà là những toa tàu nối nhau khăng khít. Mỗi toa tàu ấy là một hộ nhỏ, trong đại gia đình lớn làm nên đoàn tàu!
Trong các ngôi nhà dài, thường chỉ có một đường lên và một đường xuống ở hai đầu hồi. Dọc theo giữa căn nhà là lối đi xuyên qua các căn buồng của các căn hộ... Để đi lại, những người trong căn nhà dài ấy bao giờ cũng phải đi qua nhau!
Những ngôi nhà dài hùng tráng làm nên những buôn làng hùng tráng. Đó là sự kết nối kỳ vĩ bền chặt giữa con cháu trong đại gia đình, trong dòng tộc. Thường thì nhà người Ê Đê, người Jrai là dài nhất. Những ngôi nhà chạy dài thẳng băng trên đồi trên bãi. Đòn dông, đòn tay là những cây gỗ rừng liền khúc vắt qua các vì kèo, cây này nối tiếp cây kia cho đến khi căn nhà không dài thêm nữa.
Một ngôi nhà dài ở xã Phú Cần (huyện Krông Pa). Ảnh: PHƯƠNG VI
Một ngôi nhà dài ở xã Phú Cần (huyện Krông Pa). Ảnh: Phương Vi
Những căn nhà dài là nơi cư trú rất nhiều thế hệ. Mỗi một gian nhà là một gia đình nhỏ trong cái gia đình lớn dưới cùng một mái nhà dài yên ấm. Mỗi gia đình nhỏ bình thường chỉ ngăn cách bởi những tấm thưng bằng tre đan và cũng có một cái bếp riêng, làm lụng, nấu ăn riêng. Chỉ cùng ngủ chung trong một mái nhà, hàng ngày cùng uống rượu hút thuốc, cùng trò chuyện với nhau rất gần gũi. Đó như là một chung cư của thời nay, nhưng có phần gần gụi hơn, không có gì ngăn cách không gian cư trú.
Điều đó làm nên sự gắn kết gia đình nhiều thế hệ. Người Kinh xưa cũng có kiểu “tứ đại đồng đường”, “ngũ đại đồng đường”, được xã hội coi là mẫu mực của nền nếp gia phong, chuẩn mực đạo đức gia đình. Nhưng không gian “ngũ đại đồng đường” của người Kinh thì khá chật hẹp. Mặt khác, gia đình người Kinh nhiều thế hệ đa phần vẫn ăn chung ở chung. Với truyền thống trọng lão, bao giờ gia đình cũng có một vị gia trưởng, con cháu ít có tính tự lập, năng động trong cuộc sống.
Người Tây Nguyên ít có của dư, lại sống nhờ vào tài nguyên rừng là chủ yếu, mà rừng nguyên sinh thuở trước lại rất hào phóng nên mưu sinh không thành chuyện lớn. Bắt được con thú nhỏ, cả chục gia đình trong nhà dài cùng ăn. Bắt được con thú lớn, cả làng cùng làm tiệc. Cách sống chung trong nhà dài như là một lối cộng cư đầm ấm, lại giúp được nhau chống giặc cướp, thú dữ...
Trải qua những năm tháng chiến tranh loạn lạc; sau đó các chương trình của Nhà nước các chế độ hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên ra đời gắn với đơn vị hộ, gắn với từng nóc nhà như: định canh định cư, 134, 135..., tự nhiên ông bà con cháu bỗng tách nhau ra, hình thành những hộ nhỏ, nhà nhỏ. Mặt khác, rừng đã ít cây ít gỗ, việc xây nhà 134, 135 phần lớn là nhà trệt, theo quy chuẩn siêu nhỏ. Và như vậy, theo thời gian, nhà dài ngày một hiếm hoi rồi biến mất!
Nó kéo theo rất nhiều sự thay đổi. Con người tư hữu hơn. Người trẻ xa người già hơn. Anh em xa nhau hơn...
Mà quả thật, bây giờ thì không thể sống như vậy vì nhiều nhẽ. Trong đó có sự tự do cá nhân. Con người cần năng động, chủ động, cần vươn lên, cần độc lập kiến tạo.
Có thể thấy, việc triệt tiêu nhà dài Tây Nguyên có lẽ là con đường tất yếu, song về mặt văn hóa vẫn cảm thấy như rơi rớt chút gì đó. Bây giờ nhà dài chỉ còn là ký ức lạ lẫm một thời bắt đầu khai mở với núi rừng Tây Nguyên!
PHẠM ĐỨC LONG

Có thể bạn quan tâm